Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 21-12-2023 8:19pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. Nguyễn Thị Thu Thảo - IVFMD Bình Dương
 
Lệch bội là bất thường di truyền phổ biến nhất đối với phôi nang ở người và được coi là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tỷ lệ thành công thấp trong quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (in vitro fertilization - IVF). Xét nghiệm di truyền tiền làm tổ phát hiện lệch bội (Preimplantation genetic testing for aneuploidy - PGT-A) được sử dụng để xác định phôi nguyên bội trước khi chuyển vào tử cung trong quá trình thực hiện IVF. PGT-A là xét nghiệm tốn khá nhiều chi phí. Do đó, việc xác định nhóm bệnh nhân sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ kỹ thuật này là cấp thiết. Theo hướng dẫn của Hiệp hội Sinh sản và Phôi học Châu Âu (European Society of Human Reproduction and Embryology - ESHRE), các chỉ định cho PGT-A bao gồm tuổi mẹ cao (advanced maternal age - AMA), sẩy thai liên tiếp (recurrent pregnancy loss - RPL), thất bại làm tổ liên tiếp (recurrent implantation failure - RIF) và các cặp vợ chồng vô sinh do yếu tố vô sinh nam nặng. Một thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng (randomized control trial - RCT), đa trung tâm cho thấy rằng sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ thai diễn tiến trong mỗi lần chuyển phôi có liên quan đến việc sử dụng PGT-A ở phụ nữ từ 35–40 tuổi có ít nhất hai phôi có thể sinh thiết được. Một RCT đa trung tâm khác xác nhận rằng PGT-A không làm tăng tỷ lệ sinh sống cũng như không làm giảm tỷ lệ sẩy thai ở bệnh nhân RPL và RIF. Tuy nhiên, một số nghiên cứu hồi cứu đã gợi ý những lợi ích của PGT-A, chẳng hạn như tỷ lệ sinh sống (live birth rate - LBR) cao hơn ở những phụ nữ ≥ 35 tuổi và các cặp vợ chồng mắc RPL được chuyển phôi đông lạnh. Những kết quả trái ngược nhau này có thể là do sự lựa chọn sai lệch cơ bản đối với những bệnh nhân có tiên lượng tốt và dự trữ buồng trứng bình thường, trong khi những bệnh nhân đáp ứng buồng trứng kém vẫn còn là vấn đề chưa được đánh giá. Bên cạnh đó, kết quả lâm sàng được đánh giá dựa trên chu kỳ chuyển phôi thay vì chu kỳ thu nhận noãn, do đó không tính đến tác động của các chu kỳ không có noãn, không có phôi nang để sinh thiết hoặc thiếu phôi nguyên bội để chuyển trong tỷ lệ thành công. Hơn nữa, một số nghiên cứu không báo cáo tỷ lệ thành công tích lũy theo thời gian. Hiện tại, PGT-A vẫn được sử dụng rộng rãi như một kỹ thuật chọn lọc phôi trong IVF, nhưng hiệu quả và quần thể thụ hưởng tiềm năng của nó vẫn chưa rõ ràng. Do đó, nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu này tiến hành so sánh kết quả chuyển phôi đơn lẻ và tích lũy của các chu kỳ thu nhận noãn đầu tiên ở phụ nữ vô sinh có và không có PGT-A sau khi cân bằng cơ sở lâm sàng. Ngoài ra, nghiên cứu thực hiện đánh giá những lợi ích thu được từ PGT-A ở các nhóm tuổi khác nhau, chỉ số khối cơ thể (body mass index - BMI), dự trữ/khả năng đáp ứng của buồng trứng và các chỉ định tiềm năng thông qua phân tích phân nhóm.

Nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu này bao gồm những bệnh nhân đã trải qua chu kỳ thu nhận noãn đầu tiên tại CITIC-Xiangya trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 2016 đến tháng 11 năm 2019 và các chu kỳ chuyển phôi tươi và chuyển phôi trữ liên quan đến ngày 30 tháng 11 năm 2020. Nghiên cứu bao gồm những chu kỳ có PGT-A (nhóm PGT-A) và các chu kỳ tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (intracytoplasmic sperm injection - ICSI)/IVF (nhóm không PGT-A). Số lượng noãn và phôi thu được không bị hạn chế. Tổng cộng có 60580 bệnh nhân đã được ghi nhận và dữ liệu cơ bản được so khớp giữa các nhóm. Các phân tích được phân tầng theo độ tuổi, chỉ số khối cơ thể, dự trữ/khả năng đáp ứng của buồng trứng và các chỉ định tiềm năng để khám phá lợi ích ở các phân nhóm. Kết quả chính là tỷ lệ sinh sống tích lũy (cumulative live birth rate - CLBR). Các kết quả khác bao gồm tỷ lệ sinh sống, tỷ lệ sẩy thai, tỷ lệ thai lâm sàng, biến chứng thai kỳ, tỷ lệ cân nặng khi sinh thấp và tỷ lệ dị tật sơ sinh.

Kết quả cho thấy, tổng cộng có 4195 bệnh nhân có thực hiện PGT-A và 10140 bệnh nhân không thực hiện PGT-A. CLBR giảm đáng kể được quan sát thấy ở những phụ nữ có thực hiện PGT-A (27,5% so với 31,1%; P  < 0,001). Tuy nhiên, phụ nữ có thực hiện PGT-A có tỷ lệ mang thai lần đầu (63,9% so với 46,9%; P  < 0,001) và tỷ lệ LBR (52,6% so với 34,2%; P  < 0,001) cao hơn so với nhóm không thực hiện PGT-A. Bên cạnh đó, phụ nữ có thực hiện PGT-A có tỷ lệ sẩy thai sớm (12,8% so với 20,2%; P  < 0,001), sinh non (8,6% so với 17,3%; P  < 0,001) và cân nặng khi sinh thấp (4,9% so với 19,3%; P  < 0,001) thấp hơn so với nhóm không thực hiện PGT-A. Hơn nữa, các phân tích phân nhóm cho thấy rằng phụ nữ ≥ 38 tuổi, được chẩn đoán sẩy thai liên tiếp hoặc dính buồng tử cung được hưởng lợi từ PGT-A, với mức tăng đáng kể LBR trong lần chuyển phôi đầu tiên mà không giảm CLBR.

Phân tích hồi cứu này có một số lợi thế so với các nghiên cứu trước đó. Đầu tiên, bằng cách sử dụng chuỗi dữ liệu hoàn chỉnh, nghiên cứu đã xem xét toàn bộ tác động của việc thu nhận noãn hoặc hình thành phôi nang đối với việc so sánh, bắt đầu từ mong muốn của bệnh nhân khi bắt đầu chu kỳ. Thứ hai, nghiên cứu đã phân tích CLBR dựa trên chu kỳ thu nhận noãn thay vì chu kỳ chuyển phôi. Thứ ba, nghiên cứu sử dụng dữ liệu thực tế để giảm sai lệch lựa chọn do đưa vào không phù hợp. Tuy nhiên, nghiên cứu này có những hạn chế nhất định. Đầu tiên, thiết kế hồi cứu đưa đến những hạn chế không thể tránh khỏi. Thứ hai, một số phôi có thể chuyển nhưng không được chuyển, đặc biệt là ở các chu kỳ PGT-A, trong đó 10,1% phôi nguyên bội được lưu giữ lại. Nghiên cứu đã đưa tỷ lệ của các chu kỳ này vào so sánh giữa hai nhóm; tuy nhiên, nó không thể phản ánh đầy đủ LBR thực sự. Thứ ba, những dữ liệu này được lấy từ một trung tâm IVF duy nhất; do đó, khả năng khái quát hóa kết quả của nghiên cứu có thể bị hạn chế. Vì vậy, cần có các nghiên cứu đa trung tâm với khối lượng dữ liệu lớn để xác nhận thêm những phát hiện này.
Nghiên cứu cơ sở dữ liệu thực tế lớn này đã xác minh rằng PGT-A không tăng và thậm chí có thể giảm CLBR trong mỗi chu kỳ thu nhận noãn. Tuy nhiên, PGT-A có hiệu quả ở những bệnh nhân có chỉ định cụ thể. Bên cạnh đó, PGT-A làm giảm các biến chứng liên quan đến đa thai. Việc lựa chọn cẩn thận các quần thể phù hợp và quản lý lâm sàng thích hợp về các phôi khảm là rất quan trọng để thực hiện PGT-A hiệu quả.

Tài liệu tham khảo: Shujuan Ma, Jingnan Liao, Shuoping Zhang và cộng sự. Exploring the efficacy and beneficial population of preimplantation genetic testing for aneuploidy start from the oocyte retrieval cycle: a real-world study. Journal of Translational Medicine. 2023.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK