Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 14-12-2023 8:58pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNXN. Nguyễn Thị Thanh Huệ
Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột
 
Sự ra đời của kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (Intracytoplasmic Sperm Injection - ICSI) vào năm 1992 đã cách mạng hóa trong điều trị vô sinh nam, cho phép các cặp vợ chồng vô sinh do bất thường tinh trùng nghiêm trọng vẫn có thể có con. Hiện tại, mặc dù tỷ lệ thụ tinh sau ICSI được báo cáo lớn hơn 65%, tuy nhiên các trường hợp thất bại thụ tinh toàn bộ chiếm khoảng 1 - 3% trên tất cả các chu kỳ ICSI. Sự vắng mặt của quá trình hoạt hóa noãn là nguyên nhân chính gây thất bại thụ tinh, chiếm 40 - 70% nguyên nhân thất bại thụ tinh sau ICSI. Trong quá trình thụ tinh bình thường, khi tinh trùng đi vào noãn bào sẽ giải phóng phospholipase C zeta, gây ra dao động Ca2+ hoạt hóa noãn và thụ tinh. Trong trường hợp, nếu dao động Ca2+ không xảy ra do các yếu tố liên quan đến noãn hoặc tinh trùng, noãn sẽ không được hoạt hóa dẫn đến thất bại thụ tinh. Để khắc phục thất bại thụ tinh sau ICSI, hoạt hóa noãn nhân tạo (Artificial oocyte activation - AOA) được phát triển và thực hiện rộng rãi trong thực hành lâm sàng, như sử dụng Ca2+ ionophores, Stronti clorua (SrCl2),… phương pháp kích thích cơ học và điện học. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá liệu hoạt hóa noãn nhân tạo bằng cách sử dụng Ca2+ ionophores sau ICSI có giúp cải thiện tỷ lệ trẻ sinh sống cho các cặp vợ chồng có tỷ lệ thụ tinh thấp (≤ 50%) ở các chu kỳ ICSI trước đó hay không.
 
Nghiên cứu hồi cứu đa trung tâm được thực hiện từ tháng 01/2015 đến 12/2019, đối tượng nghiên cứu là những cặp vợ chồng có tỷ lệ thụ tinh £ 50% trong chu kỳ ICSI trước đó, trong lần điều trị tiếp theo được thực hiện chỉ định AOA. Các tế bào noãn chọc hút từ 2 chu kỳ được chia làm 2 nhóm: nhóm nghiên cứu (ICSI – AOA, n = 402) và nhóm đối chứng (ICSI, n = 247). Nghiên cứu cho thấy tuổi nữ tại thời điểm chọc hút cao hơn đáng kể ở nhóm nghiên cứu (37,74 ± 0,23 tuổi so với 36,72 ± 0,24 tuổi; P < 0,001) và số lượng tế bào noãn trưởng thành thấp hơn đáng kể (4,82 ± 0,26 so với 5,70 ± 0,27; P < 0,05). Tỷ lệ thụ tinh ở nhóm nghiên cứu (53,7%) cao hơn đáng kể so với nhóm ICSI thông thường (20,8%) (OR: 4,4; 95%, KTC: 3,8–5,2; P < 0,001). Bên cạnh đó, tỷ lệ phôi phân chia, phôi nang và phôi nang chất lượng tốt ở nhóm nghiên cứu cao hơn đáng kể (lần lượt là 36,9%, 30,1% và 12,3%) so với nhóm đối chứng (22,1%; 17,2% và 6,3%). Về kết quả lâm sàng, tỷ lệ mang thai sinh hóa và mang thai lâm sàng cao hơn đáng kể ở nhóm nghiên cứu (lần lượt là 35,4% và 28,2%). Nhìn chung, điều trị ICSI - AOA làm tăng đáng kể tỷ lệ sinh sống (18,0%) so với ICSI đơn thuần (4,7%) (OR 4,5; 95%, KTC: 1,6 - 12,6; P<0,01). Tỷ lệ noãn thoái hóa, sẩy thai, sinh non và dị tật bẩm sinh gây tử vong là tương tự nhau giữa hai nhóm.
 
Để đánh giá hiệu quả điều trị ICSI - AOA theo độ tuổi trong lần điều trị đầu tiên, tác giả đã chia 2 nhóm: nhóm trẻ tuổi (≤ 35 tuổi) và nhóm lớn tuổi (≥ 36 tuổi). Ở nhóm trẻ tuổi, phân nhóm ICSI - AOA có tỷ lệ mang thai lâm sàng (32,1%) và tỷ lệ trẻ sinh sống (19,1%) cao hơn đáng kể so với phân nhóm chỉ ICSI (lần lượt là 5,9% và 0,0%). Không ghi nhận có sự khác biệt trong nhóm lớn tuổi.
 
Khi dựa vào số lượng chu kỳ chọc hút, nghiên cứu cho thấy ở nhóm ICSI - AOA làm tăng tỷ lệ sinh sống từ 6,1% lên 18,4% ở các cặp vợ chồng chưa từng chọc hút noãn trước đó và từ 0,0% đến 16,0% ở những cặp vợ chồng có tiền sử ít nhất một lần lấy noãn bào. Để làm rõ mối quan hệ giữa tỷ lệ thụ tinh của ICSI và ICSI - AOA, dựa vào tỷ lệ thụ tinh trong các chu kỳ ICSI trước đó, các tế bào noãn được chia thành 3 nhóm: 0%, 0 - 30% và 30 - 50%. Điều trị ICSI-AOA đã cải thiện tỷ lệ trẻ sinh sống từ 0,0% lên 14,4% ở nhóm 0%; 6,5% lên 21,2% ở nhóm 0 - 30% và 4,4% lên 19,7% ở nhóm 30 - 50% (OR 5,3; 95%, KTC: 1,1 - 24,5; P<0,05).
Tóm lại, ICSI - AOA sử dụng Ca2+ ionophores cải thiện đáng kể tỷ lệ trẻ sinh sống của các cặp vợ chồng có tỷ lệ thụ tinh ≤ 50% ở chu kỳ trước sau khi ICSI thông thường. Phụ nữ trẻ hơn và chưa chọc hút noãn có thể được hưởng lợi từ AOA. Tuy nhiên nghiên cứu này còn nhiều hạn chế, cần có nhiều nghiên cứu hơn trong tương lai để xác nhận tính hiệu quả và an toàn của AOA sử dụng Ca2+ inophores.
 
TLTK: Akashi, Kazuhiro, et al. "Artificial oocyte activation using Ca2+ ionophores following intracytoplasmic sperm injection for low fertilization rate." Frontiers in Endocrinology 14 (2023): 1131808.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK