Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 11-12-2023 9:36pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH Tăng Lê Thái Ngọc – IVFMD Tân Bình
 
Giới thiệu chung
Với những mục đích như xây dựng kinh tế, theo đuổi sự nghiệp và tận hưởng cuộc sống cá nhân, việc trì hoãn lập gia đình và sinh con ở phụ nữ ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Không chỉ dừng lại những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, một xu hướng tương tự cũng được quan sát thấy ở nam giới. Tại Hoa Kỳ, độ tuổi trung bình của những người lần đầu làm bố đã tăng từ 27,4 tuổi năm 1972 lên 30,9 tuổi vào năm 2015. Ngoài ra, tỉ lệ trẻ sinh ra từ những người bố trên 40 tuổi đã tăng gấp đôi, đạt gần 10% vào năm 2015.
 
Hiện nay đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy tuổi mẹ cao (Advanced Maternal Age-AMA) làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và làm tăng nguy cơ biến chứng sản khoa và sơ sinh. Gần đây, nhiều nhóm nghiên cứu đã bắt đầu tập trung vào việc tìm hiểu ảnh hưởng của tuổi bố đến kết quả thai kỳ. Mặc dù có sự đồng thuận về tác động tiêu cực của AMA, những ảnh hưởng xấu của tuổi bố cao (Advanced Paternal Age-APA) đối với kết quả mang thai vẫn còn gây tranh cãi, đặc biệt là liên quan đến sự thành công của công nghệ hỗ trợ sinh sản. Trong lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), các nghiên cứu đã cho thấy khả năng có trẻ sinh sống từ những chu kỳ APA với tinh trùng và noãn tươi tự thân giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, ở các chu kỳ xin noãn lại không tìm thấy mối tương quan giữa APA và thành công của IVF. Một số ý kiến cho rằng mức độ phân mảnh DNA tinh trùng cao ở những người đàn ông lớn tuổi có thể góp phần tiên lượng khả năng sinh sản kém. Tương tự, vai trò của APA đối với kết quả chu sinh cũng không nhất quán trong các tài liệu y văn. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng APA có liên quan đến kết quả sơ sinh bất lợi, chẳng hạn như sinh non (PTB) và nhẹ cân (LBW), trong khi các nghiên cứu khác thì không cho thấy các kết quả tiêu cực như trên.
 
Mặc dù những chu kỳ xin noãn dường như là một mô hình lý tưởng để khám phá ảnh hưởng chính xác của tuổi nam giới đến kết quả mang thai, việc sử dụng noãn hiến tặng cho nghiên cứu sẽ hạn chế tính khái quát của kết quả đối với dân số IVF nói chung, vì người xin noãn thường có xu hướng lớn tuổi hơn. Hơn nữa, nghiên cứu về những chu kỳ chuyển phôi tự thân đa số đều là những chu kỳ chuyển phôi tươi, việc này đã bỏ qua tác động của nồng độ estradiol cao quá mức sinh lý khiến phụ nữ có kết quả mang thai và sinh sản kém.
 
 So với các chu kỳ chuyển phôi tươi (ET), chuyển phôi đông lạnh (FET) dường như mang lại một môi trường nội mạc tử cung sinh lý hơn cho quá trình làm tổ và phát triển sớm của thai nhi. Sự gia tăng mạnh mẽ các chu kỳ FET đã được quan sát thấy trong thập kỷ trước và ở một số quốc gia, số lượng FET đã vượt quá số lượng chu kỳ ET thông thường. Với những xu hướng như trên và hiện trạng trì hoãn việc sinh con ở các cặp đôi ngày nay, nghiên cứu này nhằm mục đích điều tra mối liên quan giữa tuổi của người bố với tỉ lệ sinh sống và kết quả chu sinh trên những phụ nữ hiếm muộn trải qua chu kỳ FET.
 
Phương pháp nghiên cứu
            Nghiên cứu hồi cứu được thực hiện tại một trung tâm hỗ trợ sinh sản tại Trung Quốc, với sự tham gia của những phụ nữ dưới 36 tuổi và đã trải qua chu kỳ FET từ tháng 1 năm 2011 đến tháng 6 năm 2021. Đối tượng nghiên cứu được phân thành 6 nhóm dựa trên tuổi của người bố: <25, 25 đến 29, 30 đến 34, 35 đến 39, 40 đến 44 và ≥45 tuổi. Mô hình hồi quy logistic phương trình ước lượng tổng quát đã được sử dụng để tính đến tính chất phân cụm dữ liệu và để điều chỉnh các yếu tố gây nhiễu. Độ tuổi của người bố từ 25 đến 29 tuổi đóng vai trò là nhóm tham chiếu trong các mô hình hồi quy logistic. Kết cục chính của nghiên cứu là tỉ lệ trẻ sinh sống, các kết cục phụ bao gồm tỉ lệ thử thai dương tính, mang thai lâm sàng, sẩy thai và kết quả chu sinh.
 
Kết quả nghiên cứu
Tổng cộng có 56.113 chu kỳ được đưa vào nghiên cứu. Trên các phân tích chưa điều chỉnh, các thông số về kết quả sinh sản cho thấy sự suy giảm đáng kể khi tuổi bố ngày càng tăng. Tuy nhiên, sự khác biệt về kết quả sinh sản nêu trên không có ý nghĩa thống kê trong các mô hình đa biến. So với nhóm đối chứng trẻ hơn, tuổi bố cao không liên quan đến cơ hội sinh con thấp hơn (nam 40-44 tuổi: aOR 0,94; KTC 95% 0,85-1,04; nam ≥45 tuổi: aOR 0,93; KTC 95%, 0,79-1,10). Ngoài ra, tỉ lệ mang thai lâm sàng (nam: aOR 0,95; KTC 95%, 0,85-1,05; nam ≥45 tuổi: aOR 0,94; KTC 95%, 0,79-1. 12) và sẩy thai (nam 40-44 tuổi: aOR 1,05; KTC 95%, 0,85-1,31; nam ≥ 45: aOR 1,07; KTC 95%, 0,77-1,50) tương đương giữa nhóm tham chiếu và nhóm lớn tuổi. Hơn nữa, nhóm tuổi bố trẻ nhất (<25 tuổi) không có kết cục thai kỳ bất lợi hơn nhóm tham chiếu. Về kết cục chu sinh, không có sự khác biệt giữa các nhóm nghiên cứu về sinh non, cân nặng khi sinh thấp, thai to, nhỏ so với tuổi thai và lớn so với tuổi thai, cả trong mô hình không điều chỉnh và mô hình điều chỉnh gây nhiễu.
 
Kết luận
Tóm lại, nghiên cứu này không chứng minh được mối liên quan đáng kể giữa tuổi bố với tỉ lệ sinh sống và kết quả chu sinh sau khi chuyển phôi đông lạnh bằng thụ tinh trong ống nghiệm khi tuổi mẹ dưới 36 tuổi. Với xu hướng toàn cầu là trì hoãn lập gia đình và sinh con, những phát hiện từ nghiên cứu trên cung cấp thông tin hữu ích để tư vấn cho bệnh nhân việc tuổi bố cao có thể không ảnh hưởng xấu đến thai kỳ và kết quả chu sinh trong hỗ trợ sinh sản.
 
Nguồn: Liao, M., Xu, Q., Mao, X., Zhang, J., Wu, L., & Chen, Q. (2023). Paternal age does not jeopardize the live birth rate and perinatal outcomes after in vitro fertilization: an analysis based on 56,113 frozen embryo transfer cycles. American Journal of Obstetrics and Gynecology.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK