Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 05-12-2023 3:07pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Khổng Tiết Mây Như – IVFMD
 

Vô sinh là tình trạng sức khỏe toàn cầu với xác suất ước lượng là 10-15%. Cứ 7 cặp vợ chồng thì có 1 cặp không thể có con sau hơn 1 năm cố gắng thụ thai tự nhiên. Thụ tinh nhân tạo (intrauterine insemination – IUI) là quy trình được ưu tiên hàng đầu cho cặp vợ chồng vô sinh hoặc khả năng sinh sản kém vì đơn giản, dễ thực hiện, ít biến chứng và chi phí thấp. Trong số các chỉ định chung cho IUI thì vô sinh do bất thường cổ tử cung, lạc nội mạc tử cung, rối loạn phóng noãn; do yếu tố nam ở mức trung bình và chưa rõ nguyên nhân (CRNN) cũng rất quan trọng. Các chỉ định của IUI thường liên quan đến hiệu quả điều trị bao gồm việc tăng số lượng giao tử (kích thích buồng trứng (KTBT) làm tăng cơ hội mang thai so với chu kỳ tự nhiên) và tăng khả năng giao tử hiện diện trong đường sinh dục nữ ở cùng thời điểm để thụ tinh. Đối với tinh trùng sau quy trình lọc rửa sẽ tăng số lượng và mật độ tinh trùng di động. Ngoài việc cải thiện những yếu tố trên, IUI còn loại bỏ cơ chế chọn lọc của cổ tử cung và được chứng minh làm tăng tỉ lệ có thai ngay cả khi các thông số tinh dịch đồ ở mức bình thường. Tỉ lệ thành công chung của IUI không ổn định, tỉ lệ mang thai trung bình ở mỗi chu kỳ IUI là khoảng 9% được kết luận trong hầu hết các công bố quốc tế. Tỉ lệ thai lâm sàng (clinical pregnancy rate – CPR) dao động từ 5% đến 70%. Khoảng tỉ lệ rộng này có thể là do sự không đồng nhất về dân số, phác đồ KTBT khác nhau và việc kiểm soát các thử nghiệm ngẫu nhiên tiến cứu chưa tốt, hiệu quả quy trình vẫn chưa được đánh giá hoặc hỗ trợ bằng dữ liệu chắc chắn. Các yếu tố góp phần vào thành công của IUI được mô tả rõ ràng trong nhiều tài liệu bao gồm tuổi mẹ, loại vô sinh, số lượng nang thu được khi KTBT, nồng độ Estradiol vào ngày tiêm hCG, thông số tinh trùng (mật độ, số lượng và di động) trong thời gian vô sinh, độ dày nội mạc tử cung và số chu kỳ IUI. Mặc dù nhiều nghiên cứu đề xuất 3-6 chu kỳ IUI sử dụng KTBT là liệu pháp tiên quyết cho phụ nữ <40 tuổi vô sinh CRNN nhưng IUI đòi hỏi nhu cầu cá nhân, tốn nhiều nguồn lực và rủi ro phổ biến nhất là sự thất vọng và mất tinh thần của các cặp vợ chồng sau nhiều chu kỳ IUI thất bại. Do đó, việc xác định biến số của các yếu tố liên quan đến kết quả thành công sau IUI cho phép tư vấn và lập kế hoạch điều trị tốt hơn là điều rất cần thiết. Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm xác định các biến số liên quan đến kết cục IUI và đưa ra các chỉ số dự đoán kết cục IUI để tư vấn tốt hơn về việc nên thực hiện IUI hay IVF.
 
Tiêu chí nhận bao gồm các cặp vợ chồng từ 18 tuổi, cố gắng có con ít nhất 1 năm, ít nhất một ống dẫn trứng sử dụng được chẩn đoán bằng phương pháp chụp tử cung hoặc nội soi ổ bụng, không có nhiễm trùng vùng chậu cấp tính và xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung (Papanicolau - PAP) bình thường cũng như kết quả tinh dịch đồ có tổng số lượng tinh trùng ít nhất 5 triệu/ml. Đây là một nghiên cứu hồi cứu ở một trung tâm hỗ trợ sinh sản tại Romania với 339 bệnh nhân tham gia điều trị IUI trong tháng 1/2015 đến tháng 10/2020. Bệnh nhân được chia làm 2 nhóm gồm nhóm có thai (1 – dương tính) và nhóm không có thai (2 – âm tính). Nguyên nhân vô sinh ở nhóm (1) là 20% nữ, 28,6% nam, 14,3% cả nam-nữ và 37,1% CRNN; trong khi ở nhóm (2) là 25,7% nữ, 26,6% nam, 20,7% cả nam-nữ và 27% CRNN.
 
-Tất cả các trường hợp không sử dụng phác đồ KTBT đều không có thai.
-43% bệnh nhân với kết quả dương tính đều sử dụng phác đồ hMG MENOPUR 75UI và follitropinum alfa-rFSH GONAL-f 75UI.
-Các trường hợp nguyên nhân vô sinh hoặc quy trình KTBT được phân tích và không nhận thấy sự khác biệt.
 
Trong phân tích hồi quy đa biến phân loại các chỉ số cho thấy:
-Mật độ tinh trùng có tương quan cao nhất mang ý nghĩa thống kê trong việc dự đoán có thai (P=0,009; KTC 99%). Mỗi đơn vị tăng của chỉ số mật độ tinh trùng sẽ giúp tăng khả năng mang thai lên 1,573 lần. Độ di động A hay B không ảnh hưởng đến kết quả thai.
-Độ dày nội mạc tử cung cho giá trị P rất gần với 5% (P=0,055) và hệ số là dương cho thấy kết quả có thai cao hơn 1,44 lần đối với mỗi mm độ dày nội mạc tăng thêm. 
-Thời gian vô sinh (năm) có liên quan đến dự đoán có thai (P=0,042; CI 95%).  
-Xác suất có thai thấp hơn khi độ tuổi và thời gian vô sinh tăng lên.  
 
Trong số các yếu tố dự đoán thành công của IUI, tuổi mẹ là một trong những yếu tố dự đoán quan trọng nhất về việc có mang thai hay không sau hỗ trợ sinh sản, tuổi mẹ cao sẽ làm giảm khả năng sinh sản vì giảm khả năng tiếp nhận của tử cung cũng như giảm chất lượng noãn. Nhiều nghiên cứu đã báo cáo về sự giảm nghiêm trọng tỉ lệ thành công của IUI ở bệnh nhân >37 tuổi; cụ thể là chỉ có 20% bệnh nhân >37 tuổi có thai trong nhóm 1 và chỉ 2% có thai trong tất cả các trường hợp được phân tích trong báo cáo này. Do đó, IUI không nên là một lựa chọn cho những bệnh nhân lớn tuổi. Bên cạnh đó, tuổi cha cũng được cho là ảnh hưởng kết quả IUI với tỉ lệ có thai sẽ giảm khi >35 tuổi; nguyên nhân là do tình trạng trao đổi chất như béo phì và kháng insulin ảnh hưởng đến sinh sản và sức khỏe sau này của trẻ sinh ra. Nghiên cứu sâu hơn nên được cân nhắc như đánh giá chỉ số BMI, mức độ insulin, stress oxy hóa marker cho người chồng. Mặt khác, thời gian vô sinh lâu hơn gây giảm đáng kể cơ hội mang thai, ~80% thai kỳ đạt được nếu vô sinh <4 năm dù cố gắng có thai tự nhiên. Mặc dù việc đưa ra mức giá trị ngưỡng để IVF thay thế cho IUI là rất khó nhưng các tác giả tin rằng vô sinh 4-5 năm là nguyên nhân hợp lý để thực hiện IVF hơn là IUI. Đối với độ dày nội mạc tử cung, tỉ lệ thai lâm sàng tương quan thuận với độ dày nội mạc (P=0,035) và độ dày tối thiểu được khuyến cáo là 7mm.
 
Cuối cùng, một yếu tố khác mang tầm quan trọng lớn cho thành công của IUI là tổng số tinh trùng di động, cụ thể là CPR tăng đáng kể lên đến 18,29% khi số lượng tinh trùng ở khoảng 10-20 triệu. Đặc biệt, mật độ tinh trùng có sự khác biệt đáng kể giữa nhóm 1 với 34 triệu/ml (P=0,046) và nhóm 2 với 30 triệu/ml (P=0,035). Hình dạng tinh trùng cũng được cho là cần thiết nhưng dữ liệu vẫn còn gây tranh cãi và cần có giá trị tham khảo thêm. Chức năng tinh hoàn và chất lượng tinh trùng cũng như chức năng buồng trứng có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như dinh dưỡng, stress oxy hóa hoặc yếu tố khác.
 
Tuy nhiên, đây là nghiên cứu đơn trung tâm chỉ bao gồm cặp vợ chồng da trắng và chỉ định IUI không đồng nhất vì đã nhận các ca vô sinh do cả nam và nữ.
 
Tóm lại, nghiên cứu dự đoán khả năng sinh sản là cần thiết và nên áp dụng tiên lượng cá nhân cho từng cặp vợ chồng để điều chỉnh kỳ vọng của họ và tư vấn tốt hơn. Các thông số yếu tố mà tác giả tìm thấy có mối tương quan đáng kể với kết quả có thai sau IUI và các biến số khác cũng có ảnh hưởng tích cực đến sự thành công của IUI và cần được nghiên cứu thêm.
 
Nguồn: Huniadi A, Szuhai B.E, Botea M, Zaha I, Beiusanu C, Pallag A, Stefan L, Bodog A, Sandor M, Grierosu C. Fertility Predictors in Intrauterine Insemination (IUI). 2023 Feb 23.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK