Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 06-11-2023 4:37pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Khổng Tiết Mây Như – IVFMD
 
Thời điểm sử dụng thuốc cho quá trình trưởng thành sau cùng của noãn khác nhau giữa các trung tâm với quy trình phổ biến là áp dụng kích thích rụng khi có 3 nang đạt ≥17mm; do đó, hầu hết noãn thu được ở chu kỳ IVF/ICSI đều có nguồn gốc từ các nang ≥12-14mm. Khoảng 15-20% noãn thu sau 34-36 giờ tiêm hCG là noãn non (MI hoặc GV). Noãn non phát triển đến noãn MII in vitro có liên quan đến tỉ lệ thụ tinh và chất lượng phôi thấp hơn. Những thay đổi về nhân và tế bào chất phải đồng bộ để đảm bảo chính xác bội thể của hợp tử, duy trì các sự kiện thụ tinh, tái lập trình bộ gene của cha mẹ, sao chép DNA và kích hoạt bộ gene của phôi. Những sự kiện này có vẻ như không phối hợp song song ở noãn trưởng thành chậm vì các báo cáo thấy rằng noãn tươi MII từ tình nguyện viên khỏe mạnh và người hiến tặng có tỉ lệ lệch bội 8-13% sau kích thích buồng trứng trong khi tỉ lệ này cao gấp 4 lần ở noãn non trưởng thành in vitro. Tuy nhiên, một số nghiên cứu vẫn cho kết quả tương đương về tỉ lệ lệch bội giữa noãn tươi MII và noãn non trưởng thành in vitro. Mục tiêu của nghiên cứu này là nhận diện quần thể bệnh nhân thực hiện R.ICSI đối với noãn non trưởng thành in vitro bằng cách so sánh quá trình thụ tinh ban đầu, phôi nang hữu dụng và tỉ lệ nguyên bội của những noãn này với noãn MII thu được sau chọc hút.
 
Đây là một nghiên cứu quan sát trên 390 bệnh nhân (469 chu kỳ kích thích buồng trứng) từ tháng 1/2019 đến tháng 6/2021. Khoảng 5449 cụm noãn thu được sau học hút, 2911 noãn MII sau tách vào ngày 0 (MII-D0) thực hiện ICSI, 544 noãn MII thực hiện IVF cổ điển. Noãn non (MI hoặc GV) sau tách được nuôi cấy đến ngày hôm sau (20-28h) và có 910 noãn trưởng thành vào ngày 1 (MII-D1) cũng tiến hành ICSI. Phôi nang với chất lượng ≥3CC vào D5-7 sẽ được sinh thiết 5-8 tế bào TE để thực hiện PGT-A (NGS).
 
Kết quả cho thấy:
-Tỉ lệ thụ tinh và phôi nang hữu dụng ở nhóm MII-D0 cao hơn đáng kể so với MII-D1 lần lượt là 69,5% và 59,5% so với 55,9% và 18,5% (P<0,001).
-Tỉ lệ phôi nguyên bội giữa 2 nhóm không có sự khác biệt đáng kể (46,3% và 39,0%; P=0,163).
-Tỉ lệ thụ tinh, phôi nang hữu dụng và phôi nguyên bội giữa 2 kỹ thuật ICSI và IVF đều cho thông số tương đương với tỉ lệ lần lượt là 73,9%; 59,5%; 47,3% so với 70,0%; 54,0%; 43,3% (P>0,05).
-Bệnh nhân có khoảng 50% phôi nang sinh thiết từ noãn MII-D1 là đối tượng lớn tuổi (độ tuổi trung bình là 37,76 tuổi), có <10 noãn thu nhận, có tỉ lệ trưởng trành <34% và tỉ lệ thụ tinh <60%.
-Mỗi noãn MII-D1 được chích đã tăng đáng kể cơ hội có phôi nguyên bội (OR=1,83 [1,50-2,24]; P<0,001). Kết quả phân tích từ mô hình hồi quy cho thấy việc chích từ tối thiểu 8 noãn MII-D1 sẽ cho xác suất >50% có được phôi nguyên bội. 
-Trong 910 noãn MII-D1 thực hiện r.ICSI có 94 phôi nang được sinh thiết; trong đó, 37 phôi nang là nguyên bội (4%). Sau đó, 17 phôi nguyên bội được chuyển, trong 3 đơn phôi chuyển có 1 trẻ sinh sống, 1 sẩy thai; 2 trường hợp chuyển 2 phôi cho 1 đơn thai diễn tiến. Trong 9 trường hợp chuyển 2 phôi (1 phôi từ noãn MII-D0 và 1 phôi từ noãn MII-D1) thì có 1 trẻ sinh sống từ noãn MII-D1.
Khi phân tích hồi quy đơn biến để xác định các yếu tố dự đoán sự phát triển của noãn trưởng thành chậm đến giai đoạn phôi nang như tuổi, BMI, AMH, số lượng cụm noãn thu sau chọc hút, tỉ lệ MII vào D0, tỉ lệ thụ tinh của noãn MII-D0 và nguồn gốc tinh trùng. Dữ liệu cho thấy tỉ lệ phôi nang sinh thiết từ noãn MII-D1 giảm 4% khi độ tuổi tăng hằng năm (OR=0,96 [0,92-1,0]; P=0,045) và giảm 2% so với mỗi % tăng của noãn MII-D0 thu nhận (OR=0,98 [0,97-0,99]; P=0,001). Mặt khác, sự tăng AMH (OR=1,19 [1,08-1,3]; P<0,001) và số lượng cụm noãn thu nhận (OR=1,04 [1,01-1,07]; P=0,005) đều có liên quan tích cực đến sự tăng cơ hội phát triển phôi nang hữu dụng. 
 
Như vậy, khả năng thụ tinh và phát triển ở noãn MII-D1 bị giảm chủ yếu là do sự gián đoạn trong quá trình trưởng thành bao gồm sự đồng bộ của nhân và tế bào chất ở noãn. Trong khi sự trưởng thành về nhân có thể nhận diện bằng sự tống xuất thể cực thứ hai thì sự trưởng thành tế bào chất lại đóng vai trò quan trọng trong điều chỉnh cấu trúc và trao đổi chất gồm các sự kiện liên quan đến thụ tinh bình thường, chu kỳ phân bào và con đường kích hoạt phát triển phôi sớm. Nguyên nhân khác ảnh hưởng sự phát triển của noãn MII-D1 là việc kéo dài thời gian nuôi cấy sau rụng trứng dễ dẫn đến noãn già hóa gây biến động sóng Ca2+ nội bào. Hơn nữa, mẫu tinh trùng được dùng cho cả noãn MII-D0 và MII-D1 đã được để ở nhiệt độ phòng quá 20 giờ có thể tăng phân mảnh DNA tác động đến sự phát triển phôi. Mặt khác, tỉ lệ nguyên bội ở nhóm noãn MII-D1 cho thông số tương tự nhóm noãn MII-D0 cũng là kết quả đáng tin cậy vì sử dụng NGS phân tích tế bào TE sinh thiết cùng với việc kéo dài thời gian nuôi cấy đến giai đoạn phôi nang giúp lựa chọn lại phôi giai đoạn phân chia bị lệch bội sẽ không phát triển được đến phôi nang. 
 
Tóm lại, đây là nghiên cứu đầu tiên về tỉ lệ nguyên bội của phôi từ noãn MII-D1 so với MII-D0. Các kết quả đã xác nhận những phát hiện của các báo cáo trước đây, mặc dù khả năng thụ tinh và phát triển của noãn MII-D1 thấp hơn nhưng tỉ lệ nguyên bội không có sự khác biệt so với noãn MII-D0. Tuy nhiên, việc tốn nhiều chi phí và thời gian cũng như chỉ có 4% phôi từ noãn MII-D1 hữu dụng cho chuyển phôi nên chỉ khuyến cáo áp dụng cho những bệnh nhân lớn tuổi, giảm dự trữ buồng trứng, số noãn trưởng thành thấp hoặc khả năng thụ tinh kém. 
 
Nguồn: Elkhatib I, Nogueira D, Bayram A, Abdala A, Gallego R.D, Melado L, Munck N.D, Lawrenz B và Fatemi H. How to identify patients who would benefit from delayed-matured oocytes insemination: a sibling oocyte and ploidy outcome study. 2023 Jun 7.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK