Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 06-11-2023 4:34pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Khổng Tiết Mây Như – IVFMD
 
Thể khảm được phát hiện ở phôi tiền làm tổ được ghi nhận trong y văn gần 30 năm nay. Những cải tiến công nghệ với xét nghiệm di truyền tiền làm tổ cho lệch bội (preimplantation genetic testing – PGT-A) dưới dạng giải trình tự thế hệ mới (next-generation sequencing - NGS) với độ nhạy cao đã làm nổi bật mức độ phổ biến của thể khảm khi so sánh với phương pháp lai so sánh hệ gene (array comparative genomic hydridization – aCGH). PGT-A bởi NGS xác định liệu sinh thiết 5-10 tế bào từ lớp TE ở giai đoạn phôi nang có chứa 2 hoặc nhiều dòng tế bào riêng biệt không chứ không xác định phôi có khảm không. Việc sử dụng aCGH phân tích phôi nguyên bội hoặc lệch bội để phát hiện khảm cho kết quả chính xác hơn NGS. Tuy nhiên, cải tiến NGS hiện nay đã cho kết quả vượt trội hơn. Thể khảm trong phôi người có thể xảy ra ở dạng hỗn độn, lệch bội/lệch bội, hoặc lưỡng bội/lệch bội, dạng sau là loại khảm. Hầu hết các trường hợp khảm phát sinh do lỗi phân bào (mitotic error) sau hợp tử trong quá trình phân chia đầu tiên sau khi hình thành hợp tử có nhiễm sắc thể (NST) bình thường (không phân ly, nguyên phân 3 cực và trễ kỳ sau dẫn đến mất nhân nhỏ hoặc mất NST) và thường liên quan đến tuổi mẹ. Tần suất phôi khảm được phát hiện là 4-21% trong tất cả phôi sinh thiết. Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào kiểm tra mức độ trường hợp bệnh nhân không có phôi nguyên bội nhưng có một hoặc các phôi là khảm và có liên quan đến tuổi mẹ. Do đó, mục đích của nghiên cứu này là đánh giá tần suất xuất hiện các tình huống nói trên trong Labo lớn (CooperGenomics, Houston, TX); đồng thời xác định tỉ lệ chẩn đoán khảm để cân nhắc phôi chuyển.

Đây là nghiên cứu hồi cứu ở 115 trung tâm hỗ trợ sinh sản từ tháng 12/2015 – tháng 12/2017 với 6.614 trường hợp PGT-A (27.390 phôi sinh thiết) được nhận vào labo CooperGenomics. Các mẫu được chạy dựa trên quy trình chuẩn tại labo, NGS giúp phát hiện tế bào lệch bội TE khảm giữa 20-80%; trong đó, mức độ khảm thấp được chẩn đoán nguyên bội khi không có bất kỳ NST lệch bội và mức độ khảm cao khi lệch bội toàn bộ. Kết quả sẽ được phân loại như sau:
-Chỉ khảm (1): 1 hoặc nhiều phôi khảm được nhận diện, không có nguyên bội
-Chỉ lệch bội (2): 100% lệch bội được phát hiện trong sinh thiết TE
-Khả năng nguyên bội (3): 1 hoặc nhiều phôi nguyên bội được phát hiện

Phôi khảm được chia thành 3 nhóm ưu tiên chuyển phôi:
-Ưu tiên cao nhất: lệch bội ≤40% & chỉ có 1 NST bị ảnh hưởng (1;3;4;5;6;8;9;10;11;12;17;19;20)
-Ưu tiên trung bình: lệch bội >40% & chỉ có 1 NST bị ảnh hưởng (1;3;4;5;6;8;9;10;11;12;17;19;20)
-Ưu tiên thấp: khảm 2 hoặc nhiều NST; hoặc chỉ 1 NST (2;7;13;14;15;16;18;21;22;X; Y)
Số phôi được sinh thiết ở mỗi bệnh nhân dao động từ 1-28 phôi. Kết quả cho thấy:
-10,5% trường hợp (1); 20,9% trường hợp (2) và 68,6% trường hợp (3; trong đó, 10,1% chỉ có 1 phôi nguyên bội).  
-Ở trường hợp (1): 76,01% có ít nhất 1 phôi khảm với 1 NST bị ảnh hưởng; 12,57% có ít nhất 1 phôi khảm với 2 NST bị ảnh hưởng và 11,42% chỉ có phôi khảm bất thường phức tạp. 
-Tuổi mẹ cao có xu hướng giảm tỉ lệ nguyên bội và tỉ lệ lệch bội tăng cao; đồng thời, tỉ lệ khảm giảm khi có nhiều phôi lệch bội hơn. Cụ thể, % nguyên bội ở nhóm >40t là 31,87% thấp hơn nhiều so với nhóm <35t là 84,93%; ngược lại, % lệch bội ở 2 nhóm tuổi trên lần lượt là 69,48% và 29,57% (P<0,001).
-Trong 16,74% phôi được xác định là khảm có 12,5% bị ảnh hưởng bởi ≥ 3 NST; 74,6% là bất thường 1 NST; 12,9% bất thường 2 NST. Đối với 50,1% bất thường toàn bộ NST, 27,2% là đơn nhiễm (monosomy); 22,9% là tam nhiễm (trisomy); 49,9% lỗi phân đoạn (31,6% mất đoạn và 18,3% thêm đoạn).
-NST bị ảnh hưởng nhiều nhất là X;1;16;5;2 và NST bị ảnh hưởng ít nhất là Y;12;17;20;15. Đối với khảm toàn bộ NST thì NST 22;16;X;19;18 thường xuyên nhất ở thể đơn nhiễm và NST 16;14;22;19;8 ở thể tam nhiễm. Bất thường lỗi phân đoạn có NST 5,1,9,2,X.
-NST 22 có tỉ lệ khảm lệch bội cao nhất (9,1%); kế đến là NST X (7,25) và thấp nhất là NST 1 (6,6%).
-NST 1 có tỉ lệ khảm lệch bội phân đoạn cao nhất; NST 22 có tỉ lệ khảm đơn nhiễm cao nhất và NST 19 có tỉ lệ khảm tam nhiễm cao nhất.  
-Tỉ lệ phôi khảm ưu tiên chuyển cao nhất là 14,8%; trung bình là 25,4% và thấp là 59,8%.

Như vậy, nghiên cứu đã phân tích 10-11% trường hợp chỉ có 1 phôi khảm hữu dụng để chuyển, 10% trường hợp chỉ có 1 phôi nguyên bội, 21% trường hợp chỉ có phôi lệch bội và 59% trường hợp có 1 hoặc nhiều phôi nguyên bội hữu dụng. Bên cạnh đó, khi ≥5 tế bào TE được sinh thiết sẽ chẩn đoán ra nhiều khảm hơn. Bệnh nhân trẻ tuổi hơn ít rơi vào trường hợp (1) vì xu hướng có nhiều phôi nguyên bội hữu dụng hơn; tương tự với bệnh nhân lớn tuổi nhất vì xu hướng bị lỗi sai phân đoạn trong giảm phân dẫn đến phôi lệch bội toàn bộ/khảm. Trong số trẻ sinh sống, hầu hết là dạng trisomy 13 và 18 trong khi 5% trường hợp là khảm trisomy 21 và 50% là khảm monosomy NST giới tính. Thêm vào đó, nhiều nghiên cứu chứng minh rằng tỉ lệ thai diễn tiến và trẻ sinh sống giữa 2 nhóm tỉ lệ khảm cao hay thấp đều không có sự khác biệt; mặt khác, trường hợp có dạng khảm phức tạp đạt tỉ lệ thai và trẻ sinh sống rất thấp (4-9%). Một phân tích tổng quan của Mourad 2021 đưa ra rằng những phôi khảm thấp <50% cho tỉ lệ thai diễn tiến và trẻ sinh sống cao hơn đáng kể và không có sự ưu tiên giữa khảm tam nhiễm hoặc đơn nhiễm, khảm phân đoạn được ưu tiên hơn khảm toàn bộ NST, khảm đơn/đôi được ưu tiên hơn khảm phức tạp. Vì vậy, các phân tích sâu hơn thực hiện trên nhóm ưu tiên cao nhất nên là tỉ lệ khảm ≤50% thay vì ≤40%. Ngoài ra, PGT-A bởi NGS cho kết quả với độ chính xác cao hơn aCGH nên cải thiện được tỉ lệ thai diễn tiến.

Tuy nhiên, nghiên cứu này có một số hạn chế là chưa thể phân tích sâu hơn vào các trung tâm để có thể xác định mức độ và tỉ lệ khảm khác nhau giữa các trung tâm. Các thông tin chi tiết về các yếu tố gây nhiễu như kích thích buồng trứng, môi trường nuôi cấy và kỹ thuật IVF/ICSI vì chúng có thể góp phần vào sự biến đổi tỉ lệ khảm. 
Tóm lại, 10,5% trường hợp chẩn đoán chỉ có 1 khảm hữu dụng để chuyển và không có phôi nguyên bội; khi phân loại khảm thì chỉ có 4,5% trong tất cả trường hợp PGT-A được cân nhắc chuyển với thứ tự ưu tiên cao và trung bình. Các kết quả đã trình bày cũng chứng minh rằng chẩn đoạn khảm không biến đổi theo tuổi mẹ; thay vào đó, cơ hội chỉ có 1 phôi khảm có liên quan đến việc giảm số lượng phôi nguyên bội theo tuổi mẹ. Điều quan trọng là việc tiếp tục theo dõi thai kỳ và kết quả trẻ sinh sống khi chuyển phôi khảm là rất cần thiết để thu thập thêm thông tin về các trường hợp có nhiều khả năng sinh trẻ và mức độ sẩy thai thấp.

Nguồn: Sanders K.D, Griffin D.K, Martell H.J, Blazek J, Large M và Gordon T. What proportion of embryos should be considered for transfer following a mosaic diagnosis? A study of 115 clinics from a central diagnostic laboratory. 2023 Jan 28.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK