Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 31-10-2023 10:40pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Trung Kiên – IVF Vạn Hạnh, Bệnh viện Vạn Hạnh
 
Giới thiệu
Sự thay đổi theo mùa về khả năng sinh sản và tỷ lệ sinh ở người đã được mô tả rõ ràng trên khắp thế giới. Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản vẫn chưa được làm rõ. Chất lượng noãn và tinh trùng là một trong những yếu tố chịu tác động của môi trường. Một số nhóm nghiên cứu trước đây đã đánh giá kết quả hỗ trợ sinh sản (ART) ở các mùa khác nhau, bao gồm IVF và ICSI. Một số nghiên cứu cũng báo cáo tỷ lệ thai sinh hóa, lâm sàng và trẻ sinh sống cũng liên quan đến các mùa khác nhau.
 
Ở Australia, việc trữ phôi toàn bộ và chuyển phôi trữ (FET) đang diễn ra như một xu thế. Vào năm 2020, 32,6% tổng số chu kỳ IVF/ICSI được chỉ định trữ phôi toàn bộ, số chu kỳ chuyển phôi trữ 60,5% tổng số chu kỳ chuyển phôi. Tỷ lệ sinh sống trên mỗi lần chuyển phôi là 31,3% đối với chuyển phôi trữ và 25,3% đối với chuyển phôi tươi.
 
Đối với chuyển phôi tươi, chỉ có một nghiên cứu tại Bỉ báo cáo sự thay đổi theo mùa về tỷ lệ sinh sống, với số giờ nắng nhiều hơn và ít ngày mưa hơn có liên quan đến tỷ lệ sinh sống tăng lên. Những cải thiện về kết quả phôi học như tỷ lệ thụ tinh và chất lượng phôi đã được báo cáo khi số giờ ban ngày tăng lên ở Israel, và mùa thu ở Iran; trong khi tỷ lệ mang thai lâm sàng tăng nhưng tỷ lệ sinh sống không tăng đã được báo cáo ở Trung Quốc, Hồng Kông, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Hà Lan. Ngược lại với những phát hiện này, nhiều nghiên cứu khác không tìm thấy sự khác biệt nào về kết quả phôi học, tỷ lệ làm tổ, tỷ lệ mang thai, hay tỷ lệ trẻ sinh sống trên khắp Vương quốc Anh, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Ý, Trung Quốc và Ấn Độ.
 
Hầu hết các nghiên cứu được công bố đều phân tích kết quả dựa trên ngày chuyển phôi, dù chuyển phôi tươi hay trữ lạnh, thay vì chọn ngày chọc hút noãn (trong trường hợp chuyển phôi đông lạnh). Ở chuyển phôi tươi, không thể tách rời ảnh hưởng của mùa đối với sự phát triển của noãn, cũng như sự làm tổ và phát triển phôi in-vivo. Tuy nhiên, đối với chuyển phôi đông lạnh, những nghiên cứu như vậy có ý nghĩa trong việc đánh giá tác động của môi trường đến khả năng tiếp nhận nội mạc tử cung và sự phát triển của phôi in-vivo, hơn là ảnh hưởng của môi trường đến sự phát triển, trưởng thành và chức năng của noãn. 
 
Nghiên cứu của Correia và cộng sự (2022) gần đây đã báo cáo về mối quan hệ giữa khí hậu các mùa và nhiệt độ tại thời điểm chọc hút noãn với tỷ lệ sinh sống sau khi chuyển phôi trữ, trong khi nhiệt độ và mùa tại thời điểm chuyển phôi không có ảnh hưởng. Nghiên cứu này được thực hiện ở Boston, MA, một thành phố ở bán cầu bắc có khí hậu cận nhiệt đới ẩm.
 
Từ những điều trên, nhóm tác giả thiết kế nghiên cứu này nhằm đánh giá xem mùa, nhiệt độ và số giờ nắng tại thời điểm chọc hút và khi chuyển phôi có liên quan đến kết quả ART ở khu vực Nam bán cầu với các kiểu thời tiết khác biệt đáng kể so với nghiên cứu trước đó hay không. Nghiên cứu được thực hiện tại tại Perth, Tây Australia, nơi có khí hậu Địa Trung Hải.
 
Phương pháp
Đây là một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu được thực hiện từ ngày 1 tháng 1 năm 2013 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021. Có 3659 ca chuyển phôi đông lạnh với phôi được tạo ra từ 2155 chu kỳ IVF ở 1835 bệnh nhân. Các dữ liệu về điều kiện khí tượng như nhiệt độ trung bình, tối thiểu, tối đa, cũng như thời gian nắng vào ngày chọc hút, ngày chuyển phôi trữ, cũng như trong khoảng thời gian 14 và 28 ngày trước đó được thu thập. Những kết quả bao gồm số lượng noãn thu được trong mỗi chu kỳ, tỷ lệ thụ tinh, tỉ lệ trẻ sinh sống, tuổi thai khi sinh, tỉ lệ đa thai, thai lâm sàng, thai sinh hóa, sẩy thai và thai lưu. Tất cả kết quả được phân tích theo mùa, nhiệt độ và thời gian nắng đo được tại thời điểm thu thập noãn bào và tại thời điểm chuyển phôi đông lạnh. Các phân tích thống kê được thực hiện trên phần mềm STATA 16.
 
Kết quả
Nghiên cứu kéo dài 8 năm trên 3659 ca chuyển phôi trữ được thực hiện, với phôi được tạo ra từ 2155 chu kỳ IVF ở 1835 bệnh nhân. Độ tuổi trung bình của bệnh nhân khi chọc hút noãn là 34,5 tuổi (IQR: 31,6–37,3) và ở FET là 36,1 tuổi (IQR: 33,3–38,9). Phôi được trữ lạnh trong thời gian trung bình là 0,4 năm (IQR: 0,2–1,6) và mỗi bệnh nhân tham gia đã thực hiện trung bình hai chu kỳ FET (IQR: 1–3). Trong số phôi được chuyển, lượng phôi nang ngày 5 chiếm 69,4% và ngày 6 chiếm 30,5% các trường hợp. Phôi ngày 3 được chuyển chiếm 0,1% (n=2). Phôi được chuyển ở chu kỳ tự nhiên (43,5%), chu kỳ kích thích tối thiểu (42,3%) hoặc chu kỳ bổ sung nội tiết tố ngoại sinh (14,2%); 97,7% trường hợp tiến hành chuyển đơn phôi và 2,3% là chuyển hai phôi trong một chu kỳ. Không có sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê về đặc điểm bệnh nhân ở các nhóm được khảo sát.
 
Trong bốn mùa, việc chọc hút noãn vào mùa thu cho thấy tỷ lệ trẻ sinh sống trên mỗi lần chuyển phôi trữ thấp nhất. Vì vậy tác giả chọn mùa thu làm nhóm đối chứng cho cả nghiên cứu. So với nhóm đối chứng, FET với ngày chọc hút noãn vào mùa hè có tỷ lệ sinh sống tăng 30% (OR: 1,30, KTC 95%: 1,04–1,62, P = 0,02); kết quả này cũng tương quan khi xét trên ngày thực hiện FET. Về điều kiện trong ngày chuyển phôi, tỷ lệ trẻ sinh sống giảm 18% khi nhiệt độ tối thiểu trong ngày thực hiện FET cao (14,5–27,8°C) so với nhiệt độ thấp (0,1–9,8°C) (OR: 0,82, KTC 95%: 0,69–0,99, P  = 0,040).
 
Ngoài ra, không có sự khác biệt về tỷ lệ trẻ sinh sống khi khảo sát nhiệt độ trung bình trong ngày tại thời điểm chọc hút ở các mùa khác nhau, nhiệt độ trung bình ngày, số giờ nắng trong 14 và 28 ngày trước khi lấy tế bào trứng hoặc chuyển phôi. Tuy nhiên, nhóm tác giả quan sát thấy tỷ lệ này tăng 28% khi số giờ nắng cao (10,7–13,3 giờ) so với ở mức thấp (0–7,6 giờ) vào ngày chọc hút (OR: 1,28, KTC 95%: 1,06–1,53, P = 0,008); điều này vẫn nhất quán khi được điều chỉnh theo giờ nắng vào ngày FET. Mặt khác, tỷ lệ sẩy thai tăng 42% khi FET thực hiện vào ngày có nhiệt độ tối đa cao (27,5–43,3°C) so với ngày thấp (13,2–21,2°C) (OR: 1,42, KTC 95 %: 1,02–1,98, P = 0,039). Mặt khác, không liên quan nào giữa mùa, thời tiết hay số giờ nắng đến tuổi thai tại thời điểm sinh đối với những ca sinh sau 20 tuần. Trường hợp thai lưu rất hiếm (0,2%, n = 8), cũng như sinh nhiều con (sinh đôi xảy ra ở 0,7%, n = 25) thấp nên không đủ dữ liệu để đưa vào khảo sát.
 
Khi khảo sát mối tương quan giữa kết quả phôi học với điều kiện ngày chọc hút noãn, nhóm nghiên cứu phát hiện tỷ lệ thụ tinh tăng có khi số giờ nắng trung bình trong 14 ngày ở mức cao (10,7–13,3 giờ) (IRR: 1,04, KTC 95%: 1,00–1,07, P = 0,048), so với mức thấp nhất (0–7,6 giờ).
 
Kết luận
Đây là nghiên cứu đầu tiên tìm hiểu sự tương quan giữa kết quả chuyển phôi trữ bằng cách với số giờ nắng thực tế và là nghiên cứu đầu tiên phân tích kết quả ART theo mùa ở Nam bán cầu. Việc chọc hút noãn vào mùa hè hay số giờ nắng cao liên quan đến sự cải thiện của tỷ lệ trẻ sinh sống ở các chu kỳ ART. Ngược lại, nhiệt độ cao vào ngày thực hiện FET có liên quan đến việc giảm tỷ lệ trẻ sinh sống. Do nhu cầu ngày càng tăng, những phát hiện này có thể đặc biệt phù hợp với những bệnh nhân có kế hoạch trữ noãn hoặc phôi. Việc xác định các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả của lần chuyển phôi trữ tiếp theo rất có ý nghĩa đối với quá trình điều trị cảu bệnh nhân. Cần có những nghiên cứu sâu hơn để làm rõ cơ chế ảnh hưởng của số giờ nắng hoặc mùa đến kết quả chuyển phôi trữ, bao gồm cả việc xác định các nhóm bệnh nhân cụ thể có thể được hưởng lợi từ các yếu tố này.
 
Nguồn: Leathersich, Sabstian J., et al. "Season at the time of oocyte collection and frozen embryo transfer outcomes." Human Reproduction 38.9 (2023): 1714-1722.
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK