Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 24-10-2023 2:56pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nông Thị Hoài
Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột
 
Béo phì là một căn bệnh mãn tính có tỷ lệ mắc ngày càng tăng trên toàn thế giới, gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản của phụ nữ. So với phụ nữ có cân nặng bình thường, phụ nữ thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ vô sinh, sẩy thai, tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ và các biến chứng sản khoa hoặc liên quan đến thai kỳ khác cao hơn. Phụ nữ béo phì có nhiều khả năng bị rối loạn chức năng rụng trứng, rối loạn trục hạ đồi-tuyến yên-buồng trứng và bất thường về chất lượng noãn. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy béo phì ảnh hưởng đến kết quả lâm sàng trong IVF. Béo phì thường được xác định dựa trên chỉ số khối cơ thể (BMI), theo Tổ chức Y tế Thế giới, cân nặng bình thường được xác định là 18,5 ≤ BMI ≤ 24,99 kg/m2, thừa cân là 25 ≤ BMI ≤ 29,9 kg/m2 và béo phì là BMI ≥ 30 kg/m2. Tuổi được công nhận là yếu tố tiên lượng tiêu cực đối với kết quả IVF. Do đó, nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá tác động của BMI đến kết quả mang thai IVF dựa trên nhóm tuổi của bệnh nhân.
 
Nghiên cứu hồi cứu này thực hiện tổng cộng 2311 chu kỳ từ 986 phụ nữ trải qua chu kỳ IVF/ ICSI đầu tiên với chuyển phôi tươi/đông lạnh. Các đặc điểm chu kỳ và kết quả IVF/ICSI (số lượng noãn thu được, noãn trưởng thành, noãn thụ tinh, số lần phân tách, phôi hữu dụng và phôi chất lượng cao; tỷ lệ làm tổ; tỷ lệ có thai lâm sàng và tỷ lệ sinh sống) được so sánh giữa các bệnh nhân có chỉ số BMI và độ tuổi khác nhau.
 
Tất cả phụ nữ đều trải qua một trong bốn phác đồ kích thích buồng trứng sau đây: (1) Phác đồ Flare-up; (2) phác đồ GnRH đối vận; (3) phác đồ dài; (4) phác đồ nhẹ sử dụng clomiphene citrate.
 
Chỉ số BMI được đo trước khi kích thích buồng trứng. Các bệnh nhân được chia thành bốn nhóm theo chỉ số BMI và thực hiện các chu kỳ điều trị tương ứng: nhẹ cân (BMI < 18,5 kg/m2, 78 chu kỳ), cân nặng bình thường (18,5 ≤ BMI < 24 kg/m2, 721 chu kỳ), thừa cân (24 ≤ BMI < 28 kg/m2, 147 chu kỳ) và béo phì (BMI ≥ 28 kg/m2, 40 chu kỳ). Tất cả dữ liệu thu được được phân thành ba nhóm dựa trên độ tuổi của bệnh nhân: <30 tuổi, 30–38 tuổi và > 38 tuổi.
 
Kết quả nghiên cứu cho thấy đặc điểm nhân khẩu học và điều trị của bệnh nhân được so sánh giữa các nhóm BMI không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về loại vô sinh, chẩn đoán ban đầu, tổng số chu kỳ IVF/ICSI và tổng số chu kỳ chuyển phôi tươi/đông lạnh. Sự khác biệt về tuổi tác giữa bốn nhóm có ý nghĩa thống kê (P < 0,05).
 
Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về số lượng noãn thu được, số noãn trưởng thành và số phôi chất lượng cao giữa các nhóm thiếu cân, cân nặng bình thường, thừa cân và béo phì (P > 0,05). Nhóm béo phì có số ngày dùng thuốc Gonadotropin dài nhất trong số tất cả các nhóm (10,83±4,08; P < 0,05). So với các nhóm khác, nhóm béo phì có liều Gonadotropin cao nhất (29,11±18,94; P  <0,05). Số lượng noãn thụ tinh cao nhất ở nhóm thiếu cân (6,23±4,60; P < 0,05). Số lượng phôi phân chia cũng cao nhất ở nhóm thiếu cân (6,11±4,49; P < 0,05). Ngoài ra, số lượng phôi hữu dụng ở nhóm thiếu cân cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm có cân nặng bình thường và nhóm thừa cân (4,76±3,49; P < 0,05).
 
Nhóm cân nặng bình thường có tỷ lệ có thai lâm sàng (27,3%) và tỷ lệ làm tổ (18,1%) cao nhất, còn nhóm béo phì có tỷ lệ sẩy thai tự nhiên là 26,7%, và tỷ lệ sinh sống đạt 60% ở nhóm này. Điều này cho thấy rằng mặc dù bệnh nhân béo phì có thể mang thai nhờ sử dụng công nghệ hỗ trợ sinh sản nhưng > 50% trong số họ có thể không sinh con được. Bệnh nhân nhẹ cân có tỷ lệ sinh sống là 88,5%, cao nhất trong bốn nhóm.
 
Để tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả mang thai, nghiên cứu đã tiến hành phân tích đa yếu tố: kết quả mang thai được coi là biến phụ thuộc (thành công = 1, thất bại = 0) và các yếu tố có sự khác biệt đáng kể trong phân tích đơn biến (tuổi và BMI) được coi là các biến độc lập. Kết quả cho thấy tuổi tác và BMI đều là những yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến kết quả thai kỳ (P < 0,05).
 
Để loại trừ ảnh hưởng của tuổi tác, bệnh nhân được chia thành ba nhóm nhỏ: < 30 tuổi, 30 ≤ tuổi ≤ 38 tuổi và > 38 tuổi. Tỷ lệ làm tổ, tỷ lệ mang thai lâm sàng và tỷ lệ sinh sống cao hơn đáng kể ở phụ nữ từ 30–38 tuổi ở nhóm cân nặng bình thường so với nhóm thừa cân (P = 0,013; P = 0,033 và P = 0,020 tương ứng ).
Ngoài ra, tỷ lệ có thai lâm sàng cũng cao hơn đáng kể ở nhóm cân nặng bình thường so với nhóm béo phì ở phụ nữ ở độ tuổi 30–38 ( P= 0,036). Hơn nữa, không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ làm tổ, tỷ lệ có thai lâm sàng và tỷ lệ sinh sống giữa các nhóm khác.
 
Tóm lại, BMI ảnh hưởng lớn đến kết quả mang thai của phụ nữ thực hiện IVF/ICSI. Đánh giá BMI và can thiệp thích hợp (ví dụ như điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục và các phương pháp điều trị hỗ trợ y tế...) trước khi điều trị IVF/ICSI, đặc biệt ở phụ nữ từ 30–38 tuổi, có thể ảnh hưởng tích cực đến kết quả mang thai. Mặc dù kết quả mang thai của phụ nữ thiếu cân không thấp hơn so với phụ nữ có cân nặng bình thường nhưng BMI vẫn được coi là yếu tố ảnh hưởng tiềm tàng.
 
Nguồn: Liu D, Li L, Sun N, Zhang X, Yin P, Zhang W, Hu P, Yan H, Zhang Q. Effects of body mass index on IVF outcomes in different age groups. BMC Womens Health. 2023 Aug 9;23(1):416.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK