Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 04-10-2023 1:46pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Khổng Tiết Mây Như – IVFMD
 
Đông lạnh mô buồng trứng (ovarian tissue cryopreservation – OTC) và cấy ghép mô buồng trứng (ovarian tissue transplantation – OTT) là những phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản mang tính xu hướng và phục hồi chức năng nội tiết ở những bệnh nhân cần điều trị nhiễm độc tuyến sinh dục. Mặc dù vậy, nguy cơ tái phát tế bào ác tính cùng với mô ghép đặc biệt là trong một số loại ung thư (bạch cầu, u nguyên bào thần kinh và hạch Burkitt) vẫn đáng lo ngại. Nuôi cấy in vitro (in vitro culture – IVC) có thể hỗ trợ sự phát triển hoàn chỉnh trong ống nghiệm của các nang giai đoạn đầu từ mô buồng trứng đông lạnh thành các tế bào noãn có thể thụ tinh. Vì vậy, điều kiện nuôi cấy lý tưởng sẽ mô phỏng tốt nhất các thông số hóa lý in vivo như các yếu tố cận tiết, chất dinh dưỡng và oxy (O2). Trong đó, nguồn nang nguyên thủy (primordial follicle – PMF) nằm trong vỏ buồng trứng, nơi nồng độ O2 in vivo dao động 2-8%. Tuy nhiên, IVC thường được thiết lập ở nồng độ O2 trong không khí là 20% và tỉ lệ sống sót của nang sau nuôi cấy rất thấp. Vài năm trở lại đây, nồng độ O2 thấp (5%) trong IVC đã được chứng minh giúp tăng đáng kể khả năng sống của tế bào cumulus và nang trong mô buồng trứng chó khi so sánh với nuôi cấy ở nồng độ O2 cao (20%). Hiệu quả của 5% O2 cũng được thấy ở khả năng sống và trưởng thành của noãn chuột khi nuôi cấy từ nang sơ cấp. Do đó, mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá ảnh hưởng của nồng độ O2 (20% và 5%) lên khả năng sống và chất lượng của nang trong mô buồng trứng người được nuôi cấy in vitro.
 
Nghiên cứu tiến cứu bao gồm mô buồng trứng đông lạnh từ 6 bệnh nhân (26-31 tuổi) và nuôi cấy trong 6 ngày ở 20% O2 + 5% CO2 hoặc 5% O2 + 5% CO2. Một mảnh mô của mỗi bệnh nhân sẽ là nhóm đối chứng không nuôi cấy. Các mảnh mô được cắt với kích thước 4x2x1mm3. Mỗi bệnh nhân sẽ được nuôi cấy 2 mảnh mô trong 2 nhóm O2. Môi trường nuôi cấy được thay sau mỗi 2 ngày nuôi cấy. Trong đó, nhóm đối chứng có 429 nang, 391 nang trong 20% O2 và 323 nang trong 5% O2. Kết quả cho thấy:
 
-Đối với PMF, tỉ lệ tăng sinh ở nhóm 20% O2 (20,62±8,7%) cao hơn đáng kể so với nhóm 5% O2 (9,9±6,35%). Thế nhưng khi so sánh mật độ PMF với nhóm đối chứng (80,83±3,65%) thì lại giảm đáng kể ở nhóm 20% O2 trong khi không có sự khác biệt ở nhóm 5% O2 với tỉ lệ lần lượt là (38,67±6,8%) và (55,17±6,36%).
-Mật độ nang đang phát triển tăng đáng kể ở cả 2 nhóm với tỉ lệ lần lượt là 43,17±8,68% và 37±7,82% so với nhóm đối chứng là 16,50±5,01%.
-Tỉ lệ nang thoái hóa (atresia) ở nhóm 20% O2 là 18,50±3,93% cao hơn nhiều so với nhóm 5% O2 (7,83±3,06%; P=0,01) và nhóm đối chứng (2,50±2,34%; P<0,001). Tương tự, tỉ lệ nang chết theo chương trình (apoptosis) ở nhóm 20% O2 cũng cao hơn so với 5% O2 (P=0,002).
-Tỉ lệ nang có không bào (vacuolated follicle) cao hơn nhiều trong nhóm 20% O2 (81±11,52%) so với nhóm 5% O2 (50,17±18,37%) và nhóm đối chứng chỉ có 6,83±4,44%.
-Tỉ lệ tế bào già hóa (senescent cells) ở nhóm 20% O2 cũng biểu hiện cao hơn nhóm 5% O2 lần lượt là 20,33±7,44% và 8±3,08%.
-Tỉ lệ phản ứng với stress oxy hóa biểu hiện trong phức hợp tế bào quanh noãn (granular-cumulus cell – GC) ở nhóm 20% O2 là 74,73±15,58% cũng cao hơn nhóm 5% O2 là 25,13±4,74%.
-Tỉ lệ tổn thương DNA trong GC cũng cho thấy cao hơn ở nhóm 20% O2 (34,75±9,92%) khi so với 5% (19,58±5,43%).
 
Như vậy, tất cả các tỉ lệ so sánh trên đều có sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê (P<0,001) và nuôi cấy ở điều kiện 5% O2 cho hiệu quả tốt hơn 20% O2 vì đạt tỉ lệ nang sống sót cao hơn. Trái lại, nồng độ cao 20% O2 lại có liên quan đến tỉ lệ ROS nội bào cao hơn gây ra tổn thương stress oxy hóa.
 
Tóm lại, nuôi cấy ở 5% O2 tạo một môi trường mô phỏng chính xác hơn với điều kiện sinh lý in vivo nên cải thiện được tỉ lệ nang tăng sinh và phát triển sớm in vitro. Vì vậy, các nghiên cứu trong tương lai cần thiết lập điều kiện nuôi cấy tối ưu cho hệ thống mô buồng trứng IVC trước khi kỹ thuật này được thực hành lâm sàng.   
 
Nguồn: Vitale F, Cacciottola L, Yu F.S, Barretta M, Hossay C, Donnez J, Dolmans M.M. Importance of oxygen tension in human ovarian tissue in vitro culture. 2023 May 30.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK