Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 18-09-2023 8:54am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phan Thanh Chi - IVFMD Tân Bình
 

Điều kiện nuôi cấy an toàn và tiêu chí lựa chọn phôi đáng tin cậy là hai yếu tố then chốt trong chiến lược chuyển đơn phôi (single embryo transfer – SET) nhằm giảm nguy cơ đa thai trong IVF. Đánh giá chất lượng phôi dựa trên hình thái là phương pháp không xâm lấn chiếm vai trò chủ đạo trong IVF từ những ngày đầu, bao gồm việc quan sát tĩnh dưới kính hiển vi, tập trung vào đặc điểm tiên lượng tại một thời điểm cố định trong quá trình phát triển phôi giai đoạn tiền làm tổ. Tuy nhiên, sự phát triển của phôi là một quá trình phức tạp và có tính động lực học cao nên đánh giá hình ảnh phôi tại một thời điểm không cho biết các hoạt động phân chia bất thường nếu có. Bên cạnh đó, hệ thống time-lapse (Time-lapse microscopy – TLM) cho phép phân tích toàn diện hơn về động học của phôi qua cách tóm tắt thời gian và mô hình phát triển rõ ràng. Mặc dù có nhiều tranh cãi về giá trị lâm sàng của TLM nhưng không thể phủ nhận việc kết hợp TLM với các phương pháp khác như xét nghiệm lệch bội hay trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là nguồn thông tin vàng để lựa chọn phôi một cách hiệu quả. Lợi ích chính của việc tích hợp AI trong hệ thống TLM bao gồm tự động hóa và tăng cường trích xuất dữ liệu từ các video phát triển phôi để tạo ra các mô hình dự đoán chính xác hơn. Ngoài ra, việc sử dụng hợp lý các công cụ AI có thể tiết lộ các tính năng dự đoán mới như chuyển động của tế bào chất. Hơn cả là tiêu chuẩn hóa và khách quan hóa các phương pháp đánh giá hình thái phôi truyền thống với ít mức độ biến thiên giữa các trung tâm hơn. Vậy nên, mục đích của nghiên cứu này là khai thác AI để mô tả toàn diện sự kiện sụp khoang phôi và tái nở rộng tự phát của phôi nang. Hiện tượng này bao gồm một hoặc nhiều cơn co sụp gây ra bởi sự thoát ra và hấp thu tuần tự của dịch khoang phôi, có thể là do mất một phần và phục hồi điểm tiếp xúc giữa các tế bào lá nuôi (TE). Các cơ chế phân tử cơ bản và ý nghĩa phát triển của hiện tượng này vẫn chưa được hiểu rõ, mặc dù sự kiện sụp khoang phôi tự phát ở phôi nang động vật có vú đã được Lewis và Gregory báo cáo lần đầu tiên vào năm 1929 và được Marcos trình bày chi tiết ở người vào năm 2015. Một số tác giả khác cũng đã báo cáo phôi nang có biểu hiện sụp khoang phôi tự phát cho tỷ lệ làm tổ thấp.
 
Cụ thể, nghiên cứu này khai thác phần mềm AI CHLOETM (FairtilityTM, Tel-Aviv, Israel) để phân tích 2348 video phôi đạt đến giai đoạn phôi nang (thời điểm bắt đầu phôi nang, tSB) thuộc các chu kỳ có xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (PGT-A, n = 720) được thực hiện từ tháng 1 năm 2013 đến tháng 12 năm 2020. Trong đó, có 1943 video phôi đạt đến giai đoạn phôi nang nở rộng hoàn toàn, được sinh thiết để thực hiện PGT-A và sau đó được đông lạnh bằng phương pháp thủy tinh hóa. Với sự trợ giúp của AI các thông tin sau đều được tự động ghi nhận: tSB, thời gian phôi nang nở rộng (tEB), thời gian bắt đầu và kết thúc của mỗi lần sụp phôi, thời gian giữa các lần sụp liên tiếp, diện tích riêng của phôi, tỷ lệ co rút, tỷ lệ phôi:ZP khi phôi sụp, thời gian sinh thiết (t-sinh thiết) và diện tích phôi nang (tái) nở rộng hoàn toàn trước khi sinh thiết, thời gian từ lần sụp cuối cùng đến khi sinh thiết. Chất lượng hình thái phôi nang được xác định theo cả tiêu chí của Gardner và điểm cho khả năng làm tổ của phôi do AI tạo ra. Tỷ lệ nguyên bội trên mỗi phôi nang sinh thiết và tỷ lệ sinh sống (LBR) trên mỗi lần chuyển đơn phôi nguyên bội là kết quả chính. Tất cả các mối liên quan có ý nghĩa sẽ được xác nhận thông qua phân tích hồi quy cũng như tất cả các đặc điểm chính của cặp đôi, chu kỳ và phôi cũng được nghiên cứu để tìm mối liên quan có thể xảy ra với sự sụp khoang phôi tự phát của phôi nang.
 
Kết quả nghiên cứu cho thấy, ít nhất một phôi bị sụp (còn sống hoặc sau đó bị thoái hóa) đã được ghi nhận trong 559 chu kỳ (77,6%) và trong 498 chu kỳ (69,2%) nếu chỉ xem xét các phôi nang còn sống. Tỷ lệ phôi nang sụp tự phát sau tSB nhưng trước khi đạt mức nở rộng hoàn toàn là 50% (n = 1168/2348), bất kể đặc điểm chu kỳ và/hoặc cặp đôi. Tỷ lệ phôi nang bị thoái hoá ở phôi không sụp là 13%, trong khi tỷ lệ này ở phôi sụp là 18%, 20%, 26% và 39% tương ứng với số lần phôi sụp một lần, hai lần, ba lần hoặc từ 4 lần trở lên. Thêm vào đó, 47,3% (n = 918/1943) phôi nang còn sống đã trải qua ít nhất một lần sụp tự phát (trong khoảng từ 1 đến 9). Mặc dù bắt đầu từ tSB tương tự, số lần phôi sụp tự phát có liên quan đến sự chậm trễ cả về tEB và thời gian sinh thiết. Đáng chú ý, chất lượng của phôi nang càng kém khi sự sụp khoang phôi tự phát của nó càng nhiều và càng lâu. Sự sụp khoang phôi tự phát của phôi nang có liên quan đáng kể với tỷ lệ nguyên bội thấp hơn (47% ở trường hợp không sụp và 38%, 32%, 31% và 20% ở phôi nang sụp một lần, hai lần, ba lần hoặc 4 lần tương ứng; tỷ lệ chênh lệch đa biến là 0,78, KTC 95% 0,62-0,98, p = 0,03). Sự khác biệt về LBR không đáng kể giữa phôi nang không sụp (46%) và phôi nang sụp (39%).
 
Tóm lại, bằng chứng sẵn có cho thấy mối tương quan giữa sự sụp tự phát của phôi nang có liên quan đến khả năng phát triển và nhiễm sắc thể bình thường thấp hơn so với phôi không sụp. Ngoài ra, sự sụp tự phát của phôi nang không phụ thuộc vào tiềm năng tổng thể của nhóm noãn MII mà nó bắt nguồn từ. Thật vậy, các phôi nang bị sụp dễ bị thoái hóa trước khi đạt mức mở rộng hoàn toàn, chậm phát triển, giảm chất lượng hình thái và tỷ lệ lệch bội cao hơn so với phôi không sụp. Bài báo cáo này chưa thể trả lời liệu sự sụp tự phát của phôi nang có phải là một sự kiện ngẫu nhiên cho thấy khả năng thích ứng vốn có của mỗi phôi thấp hơn, một cơ chế chủ động/thụ động của phản ứng căng thẳng hay là kết quả của việc giảm khả năng thích ứng nội tại bắt nguồn từ giao tử. Do đó, cần nhiều nghiên cứu hơn để tiết lộ các tín hiệu phân tử và lực vật lý chi phối động lực mở rộng, sụp khoang phôi và tái nở rộng của phôi nang. Tuy nhiên, từ quan điểm khách quan, sự sụp khoang phôi tự phát của phôi nang xuất hiện là dấu hiệu của trạng thái 'bệnh lý', đặc biệt là trong trường hợp có nhiều sự kiện. Việc sử dụng TLM và AI giúp tự động phát hiện tất cả các sự kiện sụp khoang phôi với thông lượng phân tích và độ chính xác đáng kinh ngạc. Vậy nên, đề nghị đưa ra là các phôi nang bị sụp nên được theo dõi cẩn thận trong bối cảnh lâm sàng để mở rộng bằng chứng về mối liên hệ của chúng với LBR.
 
 
Nguồn: Danilo Cimadomo and others, Human blastocyst spontaneous collapse is associated with worse morphological quality and higher degeneration and aneuploidy rates: a comprehensive analysis standardized through artificial intelligence, Human Reproduction, Volume 37, Issue 10, October 2022, Pages 2291–2306, https://doi.org/10.1093/humrep/deac175

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK