Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 07-09-2023 10:58am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN. Lê Thị Vân – IVFVH

Trong điều trị thụ tinh trong ống nghiệm, chuyển phôi có thể được thực hiện ở giai đoạn phôi phân chia hoặc phôi nang. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ làm tổ ở nhóm phôi nang cao hơn so với nhóm phôi phân chia. Ngày nay, chuyển đơn phôi nang đang là xu hướng tại các đơn vị hỗ trợ sinh sản do các điều kiện nuôi cấy phôi nang được cải thiện và việc giảm nguy cơ đa thai. Thông thường, trong nuôi cấy phôi in vitro thì phôi sẽ phát triển thành phôi nang vào ngày thứ 5 (D5) sau khi thụ tinh, nhưng một số phôi phát triển chậm hơn và phát triển thành phôi nang vào ngày thứ 6 (D6) hoặc muộn hơn. Kết quả mang thai của phôi nang chất lượng tốt cao hơn đáng kể so với phôi nang chất lượng kém, trong khi hình thái phôi nang chất lượng kém có liên quan đến tỷ lệ thai lâm sàng (clinical pregnancy rate – CPR) và tỷ lệ sinh sống (live birth rate – LBR) thấp hơn đáng kể. Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chuyển phôi nang D5 có CPR cao hơn so với chuyển phôi nang D6 trong chu kỳ chuyển phôi tươi. Tuy nhiên, kết quả thai lâm sàng của việc chuyển phôi nang D5 và D6 không nhất quán trong chu kỳ chuyển phôi trữ (frozen-thawed embryo transfer – FET). Hầu hết các nghiên cứu đã so sánh kết quả của phôi nang D5 và D6 có chất lượng tương tự hoặc phôi nang có chất lượng khác nhau trong cùng một ngày phát triển. Tuy nhiên, kết quả lâm sàng của phôi nang chất lượng kém D5 so với phôi nang chất lượng tốt D6 chưa được nghiên cứu. Trong thực tế, một số bệnh nhân chỉ có phôi nang chất lượng kém D5 và phôi nang chất lượng tốt D6 và vẫn chưa rõ lựa chọn nào tốt hơn khi lựa chọn phôi để chuyển. Trong nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đã thực hiện phân tích hồi cứu để so sánh kết quả lâm sàng giữa phôi nang chất lượng kém D5 với phôi nang chất lượng tốt D6 trong chu kỳ FET.


Phương pháp: Nghiên cứu này phân tích 462 chu kỳ chuyển phôi trữ (FET) được thực hiện tại trung tâm Y học Sinh sản, bệnh viện Đa khoa Quảng Đông, Trung Quốc từ tháng 1 năm 2014 đến tháng 12 năm 2019. Các chu kỳ được chia thành hai nhóm: nhóm chuyển phôi nang chất lượng kém ngày 5 (nhóm A) và nhóm chuyển phôi nang chất lượng tốt ngày 6 (nhóm B). Phôi được nuôi cấy trong tủ ấm ở 6% CO2 , 5% O2 và 370C. Sau đó đánh giá theo tiêu chí Gardner, phôi nang có độ nở rộng từ 4 - 6 với ICM và TE là BC hoặc CB được xác định là phôi nang chất lượng kém, và phôi nang chất lượng tốt là AA, AB, BA hoặc BB. Tất cả các phôi được trữ lại để chuẩn bị nội mạc tử cung rồi tiến hành chuyển vào tử cung.
 
Kết quả: Trong nghiên cứu này, 133 chu kỳ ở nhóm A và 329 chu kỳ ở nhóm B được phân tích. Trong đó, các yếu tố như tuổi mẹ, nguyên nhân gây vô sinh giữa hai nhóm không có khác biệt có ý nghĩa thống kê. Ở nhóm A và B tương ứng, tỷ lệ có thai lâm sàng (61,65% so với 67,17%, p = 0,258), tỷ lệ làm tổ (61,65% so với 67,17%, p = 0,258) và tỷ lệ trẻ sinh sống (69,51% so với 77,83%, p = 0,134) cho thấy không có sự khác biệt đáng kể. 
 
Tóm lại, kết quả lâm sàng của phôi nang chất lượng kém ngày 5 và phôi nang chất lượng tốt ngày 6 là tương tự nhau. Điều này cho thấy tốc độ phát triển của phôi có thể quan trọng hơn chất lượng phôi trong việc dự đoán kết quả lâm sàng của việc chuyển đơn phôi nang trong chu kỳ FET.
 
Nguồn:
Zhang, Guang-li, et al. "The pregnancy outcomes of day-5 poor-quality and day-6 high-quality blastocysts in single blastocyst transfer cycles." Clinical and Experimental Reproductive Medicine 50.1 (2023): 63.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK