Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 27-09-2023 9:15pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNXN. Nguyễn Thị Thanh Huệ
Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột
 
Cryptozoospermia được tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa là trường hợp quan sát thấy những tinh trùng đơn lẻ trong mẫu tinh dịch tươi sau khi tìm kiếm kĩ bằng kính hiển vi hoặc quan sát thấy tinh trùng trong cặn lắng sau ly tâm của mẫu. Cryptozoospermia chiếm 8,73% trường hợp vô sinh nam. Có nhiều nguyên nhân gây ra bao gồm bất thường di truyền, nội tiết, viêm nhiễm, phẫu thuật, xạ trị… Phương pháp điều trị tối ưu là tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (Intracytoplasmic Sperm Injection - ICSI). Mặc dù số lượng tinh trùng tươi có thể đủ để ICSI, tuy nhiên ICSI thường vẫn thất bại. Tinh trùng được thu nhận từ tinh hoàn giảm sự phân mảnh DNA do tránh được những tác động trong quá trình di chuyển đến mào tinh. Tuy nhiên vẫn còn tranh cãi về việc liệu tinh trùng thu nhận từ tinh hoàn có mang lại lợi ích trong trường hợp đặc biệt này hay không. Do vậy, nghiên cứu này được nhóm tác giả thực hiện với mục đích mô tả kinh nghiệm và đánh giá các yếu tố dự đoán thành công ở bệnh nhân Cryptozoospermia được phẫu thuật lấy tinh trùng từ tinh hoàn bằng phương pháp vi phẫu (Microdissection Testicular Sperm Extraction – mTESE).
 
Nghiên cứu được phân tích trên 28 cặp bệnh nhân trải qua mTESE từ 2007 đến 2021. Trong đó, bệnh nhân nam Cryptozoospermia (được đánh giá dựa theo cẩm nang xử lý tinh dịch đồ WHO 2010) và nữ sinh sản bình thường đã từng thất bại trong điều trị ICSI trước đó hoặc tinh trùng chất lượng kém không phù hợp cho ICSI.
 
Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mang thai lâm sàng và tỷ lệ sinh sống lần lượt là 50% và 42,8%. Dựa vào kết quả, nhóm nghiên cứu được chia làm 2 nhóm phụ: mang thai (n=14) và không mang thai (n=14). Nhận thấy rằng, không có sự khác biệt đáng kể nào giữa hai nhóm liên quan đến tuổi, thời gian vô sinh, kết quả xét nghiệm (FSH, LH, Testosterone), hút thuốc lá, giãn tĩnh mạch thừng tinh hay bất thường di truyền. Tuy nhiên, bệnh lý giảm sinh tinh cao hơn ở nhóm mang thai (65,3%) và bệnh xơ hoá cao đáng kể ở nhóm không mang thai (7,6%, p=0,028). Đồng thời, không ghi nhận biến chứng sau phẫu thuật.
 
Tóm lại, sử dụng tinh trùng thu nhận từ tinh hoàn bằng phương pháp vi phẫu ở bệnh nhân Cryptozoospermia đã từng thất bại trong điều trị ICSI trước đó mang lại tỷ lệ mang thai và tỷ lệ sinh sống cao hơn. Mặc dù vẫn còn nhiều nghiên cứu mâu thuẫn, gây tranh cãi, tuy nhiên thu nhận tinh trùng từ phẫu thuật và không gây biến chứng là lựa chọn khả thi cho những bệnh nhân Cryptozoospermia với ICSI thất bại hoặc chất lượng mẫu tươi kém không phù hợp để ICSI.
 
TLTK: Kaiyal, Raneen Sawaid, et al. "Clinical outcomes of cryptozoospermic patients undergoing surgical sperm retrieval." Frontiers in Urology 3 (2023): 1160122.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK