Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 27-09-2023 9:11pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Quảng Thị Phước Tín - IVFMD SIH - Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn

Vô sinh nam chiếm khoảng 20-30% và chiếm ít nhất 50% các trường hợp vô sinh khi kết hợp cả yếu tố vô sinh nữ. Vô sinh nam liên quan đến nhiều nguyên nhân như: nhiễm trùng, rối loạn nội tiết, tinh hoàn ẩn, di truyền và giãn tĩnh mạch thừng tinh, nhưng có tới 50% trường hợp vô sinh nam vẫn chưa xác định được nguyên nhân. Một yếu tố quan trọng gây vô sinh ở nam giới là sự phân mảnh DNA của tinh trùng, nhưng không được đánh giá thường xuyên trước hoặc trong khi điều trị vô sinh.

Người ta đã chứng minh rằng > 20% nam giới có tinh trùng bình thường có chỉ số phân mảnh DNA (DNA fragmentation index – DFI) >27%, dẫn đến giảm cơ hội có thai trong IUI. Hơn nữa, tỷ lệ thành công của IVF thấp hơn ở nam giới có DFI cao. Một phân tích tổng hợp gần đây so sánh tỷ lệ thành công của IVF và/hoặc ICSI ở nam giới có DFI thấp và cao cho thấy tỷ lệ thai lâm sàng cao hơn ở nhóm DFI thấp. Ngoài ra, việc sử dụng tinh trùng từ tinh hoàn sẽ tốt hơn so với tinh trùng xuất tinh khi thực hiện ICSI ở bệnh nhân (BN) có mức DFI >29% giúp làm tăng tỷ lệ trẻ sinh sống, đặc biệt đối với những BN sử dụng tinh trùng xuất tinh đã thất bại trong chu kỳ ICSI trước đó. Stress oxy hóa (Oxidative stress – OS) là một trong những nguyên nhân làm tăng DFI. Một phương pháp đánh giá gián tiếp cho mức độ OS tinh dịch là khả năng oxy hóa-khử (oxidation-reduction potential – ORP). Đây là phương pháp tự động ít tốn thời gian và hiệu quả hơn để đánh giá sự cân bằng oxy hóa khử hoàn chỉnh của tất cả các chất oxy hóa và chất chống oxy hóa đã biết và chưa biết trong tinh dịch. Tuy nhiên, cho đến nay, các kết quả còn mâu thuẫn nhau về mối tương quan giữa mức ORP trong tinh dịch, các thông số tinh dịch đồ và DFI.

Sự phân mảnh DNA tinh trùng (Sperm DNA fragmentation – SDF) và stress oxy hóa tinh dịch là những nhân tố mới có thể đo lường được khả năng gây vô sinh ở nam giới. Những yếu tố này có thể được cải thiện khi sử dụng các biện pháp can thiệp. Nghiên cứu này đã đánh giá tác động của việc thay đổi lối sống kết hợp với liệu pháp chống oxy hóa bằng đường uống đối với các trường hợp có tỷ lệ DFI >15%, khả năng khử oxy hóa tĩnh (sORP) ở nam giới bị vô sinh và mối tương quan giữa DFI và sORP.

Nghiên cứu tiến cứu được thực hiện trên 31 bệnh nhân nam (vô sinh vô căn hoặc không rõ nguyên nhân) có tiền sử thất bại IVF/ICSI, DFI >15% và 10 nam giới khỏe mạnh (độ tuổi trung bình là 31) làm nhóm chứng. Những mẫu trong nghiên cứu này đã được làm mù. Nhóm nam giới nghiên cứu trải qua kế hoạch thay đổi lối sống trong 3 tháng, chủ yếu là ăn kiêng và tập thể dục, kết hợp cùng liệu pháp chống oxy hóa đường uống với vitamin tổng hợp, coenzym Q10, omega-3 và các nguyên tố oligo. Sau đó, tiến hành đánh giá những thay đổi trong thông số tinh dịch đồ, % DFI và sORP, đồng thời so sánh kết quả DFI với kết quả của những nam giới trong nhóm chứng thu được cách mỗi 2 tuần mà không cần can thiệp vào lối sống. Tất cả bệnh nhân có DFI >15% được tham gia vào kế hoạch thay đổi lối sống trong 3 tháng dựa trên bảng câu hỏi gồm các thông số: hút thuốc, uống rượu, uống caffein, chế độ ăn uống, tập thể dục, trọng lượng cơ thể, căng thẳng do công việc.

Phân tích tinh dịch đồ theo hướng dẫn của WHO năm 2010. sORP tinh dịch được đo bằng cảm biến MiOXSYS (xét nghiệm điện hóa định tính để phát hiện stress oxy hóa trong mẫu tinh dịch tươi hoặc đông lạnh) và đưa vào máy phân tích. Giá trị sORP trên mức bình thường báo hiệu sự mất cân bằng giữa chất oxy hóa và chất chống oxy hóa và sự hiện diện của stress oxy hóa trong mẫu. SDF được đánh giá bằng xét nghiệm cấu trúc nhiễm sắc thể của tinh trùng (SCSA). Kết quả được biểu thị % DFI bằng phần mềm đo dòng chảy tế bào. 

Nghiên cứu pilot này đã ghi nhận được một số kết quả:
Kết quả các thông số DFI, sORP và thông số tinh dịch đồ của BN trước và sau 3 tháng thay đổi lối sống kèm với liệu pháp chống oxy hóa cho thấy sự cải thiện đáng kể. Trong đó, DFI trung bình giảm từ 25,8% xuống 18,0% sau can thiệp (P <0,0001). Đáng chú ý, tổng cộng 84% bệnh nhân (26/31) có DFI giảm và 29% bệnh nhân (9/31) có DFI £ 15%, trong khi đó chênh lệch trung bình giữa hai lần đo DFI của 2 mẫu tinh dịch được lấy cách nhau 14 ngày là 0,42% ở nhóm chứng (P <0,00001). Tổng cộng 13 bệnh nhân có DFI cơ bản trên 27%; sau can thiệp, 69% bệnh nhân (9/13) có DFI dưới 27%. Chỉ có 1 bệnh nhân ngừng chương trình can thiệp lối sống trước khi hoàn thành mà không rõ lý do.

Có 28 nam giới tham gia phân tích sORP trước và sau khi thay đổi lối sống đều có mật độ tinh trùng > 1 triệu/ml. Kết quả cho thấy một số nam giới có mức sORP tăng gấp 8 lần sau thay đổi lối sống, trong khi những số khác thì giảm 20 lần.

Tỷ lệ trung vị mật độ tinh trùng (median ratio 1,03; 95% CI: 0,8 - 1,4) và tổng số tinh trùng di động (median ratio: 0,89; 95% CI: 0,6 - 1,3) trước và sau khi thay đổi lối sống không khác biệt có ý nghĩa thống kê.

Trong phân tích mối tương quan sử dụng ngưỡng sORP ở mức 1,36 và ngưỡng giới hạn DFI ở mức 15% để đánh giá nhưng không thấy mối tương quan giữa sORP và DFI (OR=0,81; 95% CI; 0,34 đến 1,90) và không có bằng chứng nào chứng minh mối liên quan giữa DFI và sORP.

Nghiên cứu cho thấy rằng thay đổi lối sống trong ba tháng cùng với việc uống chất chống oxy hóa làm giảm DFI, trong khi không thấy tác dụng đáng kể nào đối với mật độ tinh trùng và tổng số lượng tinh trùng di động. Mức giảm DFI ở bệnh nhân IVF cao hơn đáng kể so với DFI ở nhóm chứng. Ngoài ra, không có tác dụng đáng kể nào của việc can thiệp lối sống và điều trị chống oxy hóa trên sORP; tuy nhiên, trong phân nhóm bệnh nhân có sORP cao >1,36 (N=12), quan sát thấy sORP thấp hơn đáng kể. Cuối cùng, mối tương quan giữa DFI và sORP ở mức cơ bản, không đáng kể giữa sORP và DFI.

Như vậy, việc thay đổi lối sống kéo dài 3 tháng kết hợp với liệu pháp chống oxy hóa đã làm giảm DFI ở nam giới vô sinh có SDF tăng cao và tiền sử thất bại trong điều trị IVF/ICSI.  Một lối sống lành mạnh kèm với sử dụng chất chống oxy hóa có thể cải thiện khả năng sinh sản ở những nam giới vô sinh thông qua việc giảm DFI. Tuy nhiên cần có các nghiên cứu với cỡ mẫu lớn hơn và thiết kế chặt chẽ để đánh giá kết quả sinh sản trước khi đưa ra kết luận chắc chắn.

Nguồn: HUMAIDAN, Peter, et al. The combined effect of lifestyle intervention and antioxidant therapy on sperm DNA fragmentation and seminal oxidative stress in IVF patients: a pilot study. International braz j urol, 2022, 48: 131-156.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK