Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 31-10-2023 10:30pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Như Quỳnh – IVF Vạn Hạnh

Kĩ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (intracytoplasmic sperm injection – ICSI) là phương pháp hiệu quả giúp hỗ trợ trong các trường hợp vô sinh do yếu tố nam. Trong hơn 30 năm qua, ICSI đã trở thành phương pháp phổ biến trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản. Bên cạnh chỉ định áp dụng cho trường hợp vô sinh do yếu tố nam, ICSI còn được áp dụng trong các trường hợp thụ tinh cho noãn trữ đông, noãn trưởng thành in vitro, hoặc trong các trường hợp bệnh nhân cần thực hiện xét nghiệm di truyền tiền làm tổ, cũng như trong nhiều trường hợp thất bại thụ tinh nhiều lần ở các chu kì thực hiện IVF cổ điển (conventional IVF – c-IVF).

Việc lựa chọn áp dụng ICSI hay c-IVF đối với trường hợp vô sinh không do yếu tố nam vẫn đang là vấn đề có nhiều tranh cãi. Lí do lựa chọn ICSI đối với nhóm bệnh nhân này là nhằm giảm nguy cơ thất bại thụ tinh hoàn toàn. Tỉ lệ thụ tinh và tỉ lệ phôi tốt cao hơn rõ rệt khi noãn được thụ tinh bằng ICSI so với c-IVF ở nhóm bệnh nhân vô sinh không do yếu tố nam. Tuy nhiên, nhóm các nhà khoa học khác lại không đồng ý về hiệu quả vượt trội của ICSI so với c-IVF về tỉ lệ thụ tinh, chất lượng phôi tốt, tỉ lệ thai và tỉ lệ trẻ sinh sống.
 
Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm đánh giá hiệu quả giữa c-IVF và ICSI ở nhóm bệnh nhân lớn tuổi hoặc có số lượng noãn chọc hút ít. Giả thiết của nhóm nghiên cứu là kết quả ICSI không vượt trội hơn c-IVF ở đối tượng vô sinh không do yếu tố nam.
 
Vật liệu – Phương pháp
Đối tượng nhận của nghiên cứu: nữ ³ 40 tuổi, và/hoặc có £ 4 noãn chọc hút. Ngoài ra, bệnh nhân có các thông số tinh dịch đồ bình thường hoặc vô sinh không do yếu tố nam cũng được bao gồm trong nghiên cứu. Yếu tố nam không nghiêm trọng được định nghĩa khi các thông số tinh dịch đồ trên ngưỡng tham khảo do tổ chức y tế thế giới đề xuất, có ít nhất 1 triệu tinh trùng di động tiến tới và ³ 75% tinh trùng di động tiến tới được quan sát thấy sau khi đã lọc rửa tinh trùng vào ngày chọc hút noãn.
 
Nghiên cứu không khảo sát những bệnh nhân có tỉ lệ thụ tinh ở lần điều trị trước < 50%. Những chu kì có sử dụng tinh trùng từ phẫu thuật, noãn hiến hoặc tinh trùng hiến, bệnh nhân có xét nghiệm di truyền tiền làm tổ cũng bị loại khỏi nghiên cứu.  
 
Nhóm bệnh nhân được nhận vào nghiên cứu sẽ được phân chia ngẫu nhiên vào hai nhóm là c-IVF và ICSI. Quá trình thụ tinh được thực hiện sau khi chọc hút noãn khoảng 4 – 6 giờ. Đối với c-IVF, đồng nuôi cấy với 3 x 105 tinh trùng di động trong 1 ml môi trường nuôi cấy với 1 – 6 noãn trong thời gian 16 – 18 giờ. Phôi được chuyển ở giai đoạn phôi phân chia hoặc phôi nang tuỳ thuộc vào số lượng phôi, độ tuổi bệnh nhân và kết quả của các chu kì điều trị trước. Nếu bệnh nhân ³ 40 tuổi hoặc không thể mang thai trong 2 lần chuyển phôi trước đó, số lượng phôi chuyển sẽ lớn hơn 1 phôi.
 
Kết quả
Số chu kì thực hiện c-IVF và ICSI trong nghiên cứu này lần lượt là 169 và 167. Không có sự khác biệt đáng kể về độ tuổi bệnh nhân, nguyên nhân vô sinh và đặc điểm chu kì giữa 2 nhóm. Tuy nhiên, số lượng phôi chuyển ở nhóm c-IVF cao hơn (không đáng kể) nhóm ICSI. Mật độ tinh trùng, tỉ lệ tinh trùng di động và tổng số tinh trùng di động trong mẫu xuất tinh cũng như mẫu sau lọc rửa tương đương giữa 2 nhóm.
 
          - Tỉ lệ thụ tinh ở nhóm c-IVF cao hơn đáng kể so với nhóm ICSI (61,7% và 53,4%, p = 0,001). Tỉ lệ thất bại thụ tinh hoàn toàn là 12,4% ở nhóm c-IVF và 11,4% ở nhóm ICSI. Tuy nhiên, sự khác biệt là không đáng kể (p = 0,767).
          - Tỉ lệ chuyển phôi ở giai đoạn phôi nang tương đương giữa 2 nhóm (18,6% và 21,8%, p = 0,496). Số lượng phôi chuyển (ở giai đoạn phân chia hay ở giai đoạn phôi nang) đều không có sự khác biệt giữa 2 nhóm.
          - Tỉ lệ làm tổ ở nhóm c-IVF là 13,1% và nhóm ICSI là 10,4% (p = 0,326). Tỉ lệ thai lâm sàng ở nhóm c-IVF và nhóm ICSI lần lượt là 24,3% và 19,0% (p = 0,282).
          - Tỉ lệ đa thai, tỉ lệ trẻ sinh sống và tỉ lệ sảy thai giữa 2 nhóm là tương đương nhau.
         
Bên cạnh 2 nhóm chính, nghiên cứu còn phân tích trên 3 nhóm phụ:
  • Nhóm A: số lượng noãn chọc hút £ 4 noãn
  • Nhóm B: bệnh nhân ³ 40 tuổi
  • Nhóm C: số lượng noãn chọc hút £ 4 noãn và bệnh nhân ³ 40 tuổi
Kết quả ghi nhận cho thấy số chu kì bị thất bại thụ tinh hoàn toàn tương đương giữa 3 nhóm. Tỉ lệ thụ tinh cao hơn đáng kể khi thực hiện c-IVF so với ICSI khi số lượng noãn chọc hút ít (nhóm A: 62,7% và 51,5%, p < 0,001) và khi bệnh nhân lớn tuổi đồng thời có số lượng noãn chọc hút ít (nhóm C: 61,5% và 47,8%, p = 0,014). Tỉ lệ làm tổ và tỉ lệ thai lâm sàng không có khác biệt đáng kể giữa c-IVF và ICSI ở nhóm A và B. Tuy nhiên, c-IVF có kết quả khả quan hơn so với ICSI ở nhóm C (tỉ lệ làm tổ: 11,7% và 2,6%, p = 0,027; tỉ lệ thai lâm sàng: 18,5% và 4%, p = 0,020). Tỉ lệ trẻ sinh không có khác biệt đáng kể giữa c-IVF và ICSI ở cả ba nhóm.
 
Kết luận
Như vậy, theo kết quả nghiên cứu này, IVF cổ điển có thể mang lại kết quả thụ tinh cao hơn, xu hướng bệnh nhân có thai lâm sàng cao hơn và tỉ lệ trẻ sinh sống tương đương với ICSI ở trường hợp vô sinh không do yếu tố nam. Khi độ tuổi bệnh nhân cao và số lượng noãn chọc hút ít, kĩ thuật ICSI được cho là có kết quả thụ tinh và kết quả thai lâm sàng thấp hơn. Những kết quả nghiên cứu này cho thấy rằng ICSI không ưu thế hơn IVF về tỉ lệ thụ tinh, chất lượng phôi, tỉ lệ làm tổ và tỉ lệ thai ở đối tượng bệnh nhân lớn tuổi hoặc số lượng noãn chọc hút ít, mặc dù chất lượng tinh trùng ở ngưỡng bình thường hoặc thấp hơn (không đáng kể) so với ngưỡng tham khảo.
 
Nguồn tham khảo: Fancsovits, P., Lehner, A., Kaszas, Z., Nemes, A., Dudas, B., Murber, A., Berkes-Bara, E., Fekecs, G. and Urbancsek, J., 2023. Intracytoplasmic sperm injection does not improve the outcome of IVF treatments in patients with advanced maternal age or low oocyte number: a randomized controlled trial. Journal of Gynecology Obstetrics and Human Reproduction, p.102625.
 
 
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK