Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 06-11-2023 4:35pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Khổng Tiết Mây Như – IVFMD
 
Sự hiện diện của 2 tiền nhân (pronulei – PN) kết hợp với sự tống xuất thể cực thứ hai cho thấy sự thụ tinh bình thường của một noãn. Sự hiện diện của ít hoặc nhiều hơn 2PN được xem là thụ tinh bất thường (abnormally fertilized oocyte – AFO) và phôi từ những hợp tử này không được khuyến cáo chuyển để tránh nguy cơ phát triển bất lợi. Tuy nhiên, phần AFO có thể là lưỡng bội từ cha và mẹ. Phôi từ hợp tử 0PN hoặc 1PN có thể phát triển đến trẻ sinh ra khỏe mạnh; trái lại, hợp tử với >2PN thì gây ra sẩy thai và thai trứng từ kết quả của bào thai tam bội. Mặc dù báo cáo về trường hợp sinh thường với phôi từ 3PN cũng như phôi từ 2,1PN đã có nhưng nguy cơ liên quan đến chuyển phôi đa bội đã nhấn mạnh được tầm quan trọng của xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (preimplantation genetic testing – PGT). Khoảng 10% hợp tử có ít hoặc nhiều hơn 2PN nhưng thường bị loại bỏ vì chỉ hữu dụng trong trường hợp không có phôi từ hợp tử thụ tinh bình thường, đặc biệt là bệnh nhân lớn tuổi, dự trữ buồng trứng kém hoặc tiền sử điều trị vô sinh thất bại nhiều chu kỳ. Trong bài báo cáo này là trường hợp đầu tiên, cặp vợ chồng có tiền sử vô sinh lâu, kết quả sinh một bé trai khỏe mạnh sau PGT và chuyển 1 phôi nang từ hợp tử 4PN. 

Bệnh sử của bệnh nhân:
-Hai vợ chồng 36 tuổi. Chỉ định chính là điều trị vô tinh.
-9 chu kỳ ICSI sử dụng tinh trùng từ TESE, không có thai sau chuyển.
-6 chu kỳ IUI sử dụng tinh trùng hiến tặng, không có thai sau chuyển.
-Chất lượng phôi kém. Cả 2 vợ chồng có karyotype bình thường.

Lựa chọn tốt nhất là sử dụng cả noãn và tinh trùng hiến tặng. ICSI 11 noãn MII của người hiến nuôi cấy Time-lapse, chỉ có 1 hợp tử có 2PN, 4 hợp tử 3PN và 1 hợp tử 4PN. Phôi N3 (2PN) có 8 tế bào (loại I) được chuyển cho bệnh nhân nhưng không có thai. Các phôi còn lại nuôi N5 và thực hiện tNGS PGT-A. Kết quả là 1 phôi 3PN lệch bội (monosomy 22); 2 phôi 3PN còn lại là tam bội và tứ bội; 1 phôi 4PN nguyên bội. Bệnh nhân được chuyển phôi trữ 4PN nguyên bội với một loạt siêu âm, xét nghiệm và theo dõi chặt chẽ trong suốt thai kỳ, bào thai phát triển bình thường và sinh một bé trai khỏe mạnh ở 40,6 tuần. Bé trai nay 4 tuổi và phát triển bình thường.

Như vậy, tỉ lệ AFO cao trong lần hiến tặng noãn đầu tiên có liên quan đến quá trình trưởng thành tế bào chất dưới mức tối ưu trong nhóm noãn đặc biệt này. Sự phát triển vượt trội của những phôi này là một dấu hiệu đầy hứa hẹn, vì phôi 3PN lưỡng bội đã được báo cáo là biểu hiện hình thái gần với phôi 2PN hơn là phôi 3PN tam bội. Phôi 3PN và 4PN lưỡng bội đạt đến giai đoạn 8 tế bào sớm hơn lần lượt là 45,3 giờ và 48,3 giờ sau ICSI so với phôi 3PN tam bội và tứ bội là 53,6 giờ và 55,3 giờ sau ICSI. Thêm vào đó, phôi 4PN lưỡng bội và nguyên bội được chọn để chuyển đã phát triển đến giai đoạn phôi nang hoàn chỉnh (89,5 giờ sau ICSI) sớm hơn 7,2 giờ so với phôi 3PN tam bội và sớm hơn 9,4 giờ so với phôi 3PN tứ bội. Một số nghiên cứu cho thấy hợp tử 1PN và 3PN biểu hiện các kiểu hình thái giống như 2PN như vị trí kề nhau giữa các PN nhưng PN xuất hiện trễ hơn 4 giờ ở nhóm 3PN, thời điểm hòa màng giữa 2 tiền nhân cha và mẹ ở nhóm 1PN muộn hơn 5-13 giờ so với nhóm 2PN và 3PN. Vì vậy, các nghiên cứu chuyên sâu về hình thái phôi có thể đặt ra những câu hỏi lâm sàng quan trọng để đưa ra hướng giải quyết cho những phôi thụ tinh bất thường.

Bài báo cáo trường hợp này đã minh họa kết quả thành công trong giải cứu phôi nang khả dụng có nguồn gốc từ AFO mà thường sẽ bị loại bỏ. Các dạng PGT-A chuẩn hiện tại như aCGH và NGS chỉ có thể phát hiện phôi đa bội nếu mang NST Y, tỉ lệ X:Y (1:1) nghĩa là lưỡng bội, trong khi tỉ lệ 2:1 và 1:2 nghĩa là tam bội; việc xác định các mẫu tứ bội khó khăn hơn. Trên thực tế, việc xác định chính xác tất cả các dạng tứ bội chỉ dựa trên phân tích tỉ lệ B-allene mà không có sự hỗ trợ của DNA cha mẹ. Phôi nang 46, XY được chuyển thành công trong trường hợp này được phát triển từ hợp tử 4PN, PGT-A không thể phân biệt được lưỡng bội 46, XY từ karyotype tứ bội 92, XXYY vì cả hai đều dẫn đến tỉ lệ X:Y là 1:1 và do quá trình chuẩn hóa tất cả các NST nên sẽ dẫn đến số lượng bản sao bằng 2.

Tóm lại, phương pháp PGT-A kết hợp phân tích mức độ lệch bội và bội thể mang lại lợi ích to lớn và đặc biệt đối với phôi có nguồn gốc từ hợp tử có nhiều hơn 2PN để giảm thiểu nguy cơ nghiêm trọng liên quan đến tam bội hoặc tứ bội.
 
Nguồn: Bredbacka P, Capalbo A, Kananen K, Picchetta L và Tomas C. Healthy live birth following embryo transfer of a blastocyst of tetrapronuclear (4PN) origin: a case report. 2023 Jul 16.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK