Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 05-12-2023 3:21pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. Đào Hữu Nghị, ThS. Phạm Hoàng Huy - IVFMD Phú Nhuận, Bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận

Công nghệ hỗ trợ sinh sản (Assisted reproductive technology – ART) đã được chứng minh giúp cải thiện cơ hội mang thai ở các cặp vợ chồng vô sinh, với tỷ lệ mang thai trung bình khoảng 30–50% (theo cơ quan Đăng ký ART Canada – CARTR, năm 2006) nhưng tỷ lệ làm tổ của phôi vẫn còn ở mức thấp khoảng 20–30% (theo ủy ban Quốc tế về Giám sát Công nghệ Hỗ trợ Sinh sản – ICMART, năm 2007). Sự làm tổ của phôi là một quá trình sinh học rất phức tạp bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm: sự thoát màng, định vị, bám dính và xâm lấn. Trong đó, sự thoát màng của phôi là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến kết quả cấy ghép thành công. Trước đây, nuôi cấy in vitro và trữ lạnh phôi đã được báo cáo là có nguy cơ làm cứng hoặc dày màng trong suốt (zona pellucida – ZP) dẫn đến khả năng thoát màng của phôi bị suy giảm. Để giải quyết cho vấn đề này, một số phương pháp hỗ trợ phôi thoát màng (Assisted hatching – AH) đã được phát triển vào năm 1988 bởi Cohen và cộng sự. Hiện nay, có ba phương pháp AH thường được sử dụng để làm mỏng, tạo lỗ hay loại bỏ hoàn toàn ZP, bao gồm: phương pháp Cơ học, Hóa học và Laser. Trong đó, phương pháp AH bằng Laser (Laser-assisted hatching – LAH) đang được sử phổ biến do tính chính xác, thời gian thực hiện nhanh và an toàn.
 
Các kết quả của nhiều nghiên cứu trước đây về AH vẫn còn có nhiều sự khác biệt, không có sự đồng thuận liệu AH có cải thiện kết quả thai hay không. Những khác biệt về kết quả này, có thể là do tính không đồng nhất cao giữa các bệnh nhân, sự đa dạng của các phương pháp AH được sử dụng hoặc nhiều chỉ định khác nhau về AH ở các trung tâm. Một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu cỡ mẫu lớn vừa được công bố trên tạp chí hỗ trợ sinh sản và di truyền của Hoa Kỳ (JARG), sử dụng phương pháp xu hướng để so sánh kết quả thai khi sử dụng LAH trong các chu kỳ chuyển phôi trữ (frozen-thawed embryo transfer - FET) giai đoạn phôi ngày 3.
 
Nghiên cứu được thực hiện từ 01/2016 đến 12/2020 trên 5779 chu kỳ FET phôi ngày 3. Tiêu chuẩn nhận của nghiên cứu là các chu kỳ chuyển phôi trữ ngày 3. Tiêu chuẩn loại của nghiên cứu bao gồm: bệnh nhân có nội mạc tử cung mỏng, lạc nội mạc tử cung và dị tật tử cung, bệnh nhân có bệnh nội tiết (tiểu đường, tăng huyết áp và bệnh tuyến giáp). Sau khi thực hiện phương pháp so sánh điểm xu hướng (Propensity score matching – PSM) để điều chỉnh các đặc điểm cơ bản giữa các nhóm, tổng cộng có 3535 chu kỳ FET được chọn đưa vào nghiên cứu, bao gồm: 1238 chu kỳ có AH (LAH) và 2297 chu kỳ không AH (NLAH):
 
Các kết quả chính là tỷ lệ có thai lâm sàng và tỷ lệ trẻ sinh sống. Các kết quả phụ, bao gồm: tỷ lệ làm tổ, tỷ lệ thai sinh hóa, tỷ lệ thai ngoài tử cung, tỷ lệ sẩy thai, tỷ lệ đa thai và tỷ lệ sinh đôi cùng hợp tử.
 
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhóm LAH cho tỷ lệ trẻ sinh sống cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm NLAH (34,9% so với 31,4%, OR = 1,185, 95% KTC = 1,023, 1,374, p = 0,024). Ngoài ra, nhóm LAH còn cho thấy xu hướng giảm tỷ lệ sẩy thai (14,3% so với 18%, p = 0,078) và giảm tỷ lệ thai ngoài tử cung (0,7% so với 1,4%, p = 0,063) so với nhóm NLAH, nhưng không có ý nghĩa thống kê. Các kết quả còn lại là tương đương giữa hai nhóm LAH và NLAH.
 
Kết quả nghiên cứu cho thấy AH làm tăng tỉ lệ trẻ sinh sống trong các chu kỳ chuyển phôi trữ ngày 3. Xét về mặt lý thuyết, LAH có thể giúp cải thiện tỷ lệ thai lâm sàng bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thoát màng của phôi để phôi có thể gặp nội mạc tử cung sớm hơn so với phôi có ZP nguyên vẹn. Ngoài ra, trước khi thoát màng, lỗ trống được tạo ra do LAH có thể hoạt động như một lối trao đổi các chất chuyển hóa và các yếu tố tăng trưởng giữa phôi và nội mạc tử cung, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc làm tổ. Điểm mạnh của nghiên cứu này là cỡ mẫu lớn và điều chỉnh theo đặc điểm nền của bệnh nhân bằng phương pháp PSM. Tuy nhiên, nghiên cứu hồi cứu và thiếu dữ liệu về độ dày ZP, hạn chế khả năng phân tích sâu hơn.
AH bằng lazer có thể là một kỹ thuật hiệu quả để cải thiện tỉ lệ trẻ sinh sống trong chu kỳ FET của phôi giai đoạn phân chia. Tuy nhiên, vẫn cần thêm các nghiên cứu tiến cứu trong tương lai để xác nhận những phát hiện của nghiên cứu này.
 
Nguồn: WEI, Chaofeng, et al. Laser-assisted hatching improves pregnancy outcomes in frozen-thawed embryo transfer cycles of cleavage-stage embryos: a large retrospective cohort study with propensity score matching. Journal of Assisted Reproduction and Genetics, 2023, 40.2: 417-427.
 
Link bài báo: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9935798/

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK