Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Sunday 31-12-2023 9:53pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phan Thanh Chi - IVFMD Tân Bình
 
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một bệnh phổ biến liên quan đến vô sinh do những bất thường về nội tiết và chuyển hóa ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Các biểu hiện chính là thiểu kinh/vô kinh, thay đổi buồng trứng đa nang và tăng tiết androgen. Trong thập kỷ qua, các vấn đề sức khỏe cộng đồng như thừa cân và huyết áp cao đã trở nên phổ biến hơn. Căng thẳng trong cuộc sống và áp lực công việc tăng lên, cùng với đó là sự gia tăng tỷ lệ bị thiểu kinh/vô kinh và cường androgen ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Mặt khác, trong những năm gần đây, nhận thức của người dân Trung Quốc về PCOS ngày càng sâu sắc và việc mở rộng chẩn đoán trong dân số cũng là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc PCOS ngày càng gia tăng, hiện tại tỷ lệ này ở Trung Quốc đã lên tới 10,01%. Cụ thể, PCOS thường biểu hiện bằng tình trạng viêm mãn tính và béo phì. Chỉ số khối cơ thể (BMI) cao có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của tế bào trứng, tỷ lệ thụ tinh và chất lượng phôi, dẫn đến sẩy thai. Một nghiên cứu quan sát, tiến cứu, đa trung tâm trên bệnh nhân PCOS Trung Quốc, đã minh họa mối liên quan giữa chỉ số BMI tăng và tỷ lệ thai lâm sàng giảm, tuy nhiên những bệnh nhân thuộc các nhóm BMI khác nhau lại cho thấy tỷ lệ thai diễn tiến không có khác biệt.
 
Viêm mãn tính ở mức độ thấp là một đặc điểm được mô tả về bệnh béo phì và những bệnh nguy cơ liên quan đến béo phì. So với các nhóm đối chứng cả về độ tuổi và chỉ số BMI, nồng độ protein phản ứng C, interleukin (IL)-1β, IL-18, bạch cầu, protein-1 chất hóa học đơn nhân và protein-1α viêm đại thực bào đều tăng cao ở phụ nữ mắc PCOS. Cùng với việc có mức độ căng thẳng oxy hóa cao hơn, phụ nữ mắc PCOS có hàm lượng protein chống oxy hóa cũng như tình trạng chống oxy hóa tổng thể thấp hơn. Trong bài đánh giá hệ thống của Brouillet S và cộng sự (2020) có đề cập rằng các yếu tố viêm đóng vai trò trong một loạt các quá trình sinh sản của phụ nữ bao gồm rụng trứng, tăng nang trứng, thụ tinh và mang thai thành công. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cho thấy tế bào lympho và đại thực bào trong mô buồng trứng của bệnh nhân PCOS cao hơn người bình thường và một lượng lớn yếu tố hoại tử khối u alpha (TNF-α), IL-6, … được tiết ra, kích hoạt NF-κB, dẫn đến quá trình chết theo chương trình sớm của các tế bào hạt và ức chế sự hình thành các nang noãn vượt trội, ảnh hưởng đến sự rụng trứng và mang thai. Tuy nhiên, đã có tranh cãi về việc liệu sự không hài lòng với kết quả mang thai ở bệnh nhân PCOS có bị ảnh hưởng bởi tình trạng viêm mãn tính hoặc béo phì hay không.
Do các yếu tố viêm mãn tính không đặc hiệu đóng vai trò trong cả tình trạng béo phì và sự khởi phát của PCOS, nên mục đích của bài nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu này là phân tích mức độ của các yếu tố viêm ở bệnh nhân PCOS với các nhóm BMI khác nhau và các yếu tố dự báo hiệu quả về kết quả IVF/ICSI.
Dữ liệu của 7649 bệnh nhân PCOS vô sinh được điều trị IVF/ICSI lần đầu tiên tại Trung tâm Sinh sản của Bệnh viện Số 3 Đại học Bắc Kinh đã được thu thập từ tháng 1 năm 2017 đến tháng 6 năm 2022. Cùng với khoảng thời gian này, có 273 phụ nữ được chẩn đoán PCOS đã hoàn thành xét nghiệm yếu tố viêm trong huyết thanh. Cuối cùng, có 189 bệnh nhân thỏa các tiêu chí lựa chọn gồm: tuổi từ 19 đến 44, được chẩn đoán PCOS theo “Tiêu chí Rotterdam”, hoàn thành xét nghiệm yếu tố viêm trong huyết thanh và BMI ≥ 18,5 kg/m2. Cụ thể, 92 bệnh nhân PCOS được đưa vào nhóm có chỉ số BMI cao, trong khi 97 bệnh nhân được đưa vào nhóm có chỉ số BMI bình thường. Các đặc điểm cơ bản được thu thập và kết quả mang thai được so sánh giữa hai nhóm. Sau đó, ảnh hưởng của các yếu tố viêm trong huyết thanh đến kết quả thai kỳ IVF/ICSI được phân tích theo độ tuổi, Hormon kháng Mullerian (AMH) và BMI được điều chỉnh.
 
Kết quả nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân PCOS ở nhóm có chỉ số BMI cao có số lượng tế bào trứng thu được và phôi chất lượng tốt thấp hơn. Thêm vào đó, bệnh nhân PCOS nhóm BMI cao có nồng độ IL-6 cao hơn, tỷ lệ mang thai lâm sàng cộng dồn và trẻ sinh sống thấp hơn. Hơn nữa, nồng độ GM-CSF cao hơn ở nhóm chuyển chu kỳ đầu tiên và nhóm sẩy thai liên tiếp. TNF-α cao có tương quan nghịch với chu kỳ chuyển phôi đầu tiên và tỷ lệ thai lâm sàng cộng dồn sau tuổi, AMH và BMI cao được điều chỉnh. Ngoài ra, tỷ lệ sinh sống cộng dồn có tương quan nghịch với IL-6 cao, nhưng tỷ lệ chuyển chu kỳ đầu tiên và tỷ lệ sinh sống cộng dồn có tương quan thuận với IL-1β cao.
 
Tóm lại, nghiên cứu cho thấy chỉ số BMI cao có tác động tiêu cực đến kết quả mang thai ở bệnh nhân PCOS. Đối với bệnh nhân PCOS, ngoài chỉ số BMI, cũng cần chú ý đến các chỉ số viêm. Việc kiểm tra các yếu tố viêm nên được tập trung hơn. TNF-α và IL-6 cao có mối tương quan nghịch với kết quả mang thai, nhưng IL-1β cao có mối tương quan thuận với tỷ lệ sinh sống. Bệnh nhân PCOS có GM-CSF cao cần cảnh giác với nguy cơ sẩy thai. Tuy nhiên, cần thêm nhiều nghiên cứu trong tương lai để làm sáng tỏ vấn đề này.
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Indochine Palace, TP Huế, chiều thứ sáu 9.8.2024 (14:20 - 17:30)

Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Kính mời tác giả gửi bài cộng tác trước 15.12.2024

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK