Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 15-01-2024 8:39am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phạm Ngọc Đan Thanh
IVFMD, bệnh viện Tân Bình

Tỷ lệ trẻ sinh sống (Live birth rate – LBR) trên mỗi phôi là điểm khởi đầu cơ bản để xác định nguy cơ sinh đôi hoặc nhiều hơn 2 trẻ. Mặc dù Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ (SART) đã công bố hướng dẫn về số lượng phôi tối đa cần chuyển, nhưng dữ liệu định lượng còn hạn chế về nguy cơ đa thai đối với một lần chuyển phôi theo kế hoạch. Nhiều nghiên cứu được công bố bị hạn chế bởi cỡ mẫu nhỏ và phương pháp thống kê chưa phù hợp. LBR trên mỗi phôi có thể được sử dụng làm điểm cuối trung gian để đánh giá các quy trình kích thích thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) và theo dõi chất lượng nuôi cấy phôi của mỗi trung tâm. Phương pháp hồi quy logistic thường được sử dụng để xác định LBR phù hợp nhất cho phôi. Phương pháp này tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân tích đa biến bậc cao của các tập dữ liệu nhỏ hơn không thể duy trì phân tích phân tầng, nhưng nó yêu cầu các giả định về mô hình có thể không được đảm bảo trong phân tích giải quyết việc chuyển nhiều phôi có hình thái khác nhau. Một cách tiếp cận khác là sử dụng đại số tuyến tính để lập mô hình chuyển phôi. Mặc dù được sử dụng phổ biến hơn cho các ứng dụng kỹ thuật, đại số tuyến tính phù hợp để lập mô hình chuyển phôi và tránh được nhiều thách thức gặp phải khi hồi quy logistic.
 
Mục tiêu
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định tỷ lệ sinh sống phù hợp nhất trên mỗi phôi dựa trên tuổi mẹ, giai đoạn phát triển của phôi và hình thái phôi. Kết cục phụ là tạo ra một mô hình dự đoán tỷ lệ sinh sống và đa thai sau khi chuyển nhiều phôi.
 
Thiết kế nghiên cứu
Đây là nghiên cứu hồi cứu thực hiện tại Mỹ từ 2016 đến 2018, trên 223.377 chu kỳ chuyển phôi với 336.888 phôi. Phân tích đánh giá dữ liệu trẻ sinh sống sau khi chuyển phôi giai đoạn phân chia và phôi nang. Đánh giá hình thái phôi dựa theo tiêu chuẩn được trình bày bởi SART (2010) tại đồng thuật Istanbul (2011). SART sử dụng tiêu chuẩn đánh giá phôi phân chia dựa trên số lượng tế bào (1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 hoặc >8), độ phân mảnh (0%, 1-10%, 11%-25%, hoặc > 25%) và tính đối xứng (hoàn hảo, không đối xứng vừa phải hoặc không đối xứng nghiêm trọng). Độ nở rộng của phôi nang được chia thành giai đoạn phôi nang sớm (early), nở hoàn toàn (expanded) hoặc thoát màng (hatching). Khối tế bào (inner cell mass – ICM) và tế bào lá nuôi phôi (trophectoderm – TE) được cho điểm tốt (good), khá (fair) hoặc kém (poor).
 
Kết quả
Tuổi mẹ trung bình trong nghiên cứu là 34 tuổi, mỗi chu kỳ chuyển phôi tươi có tỷ lệ sinh sống lần lượt là 19%, 38%, 26% và 27% đối với phôi ngày 3, 5, 6 và ngày 7. Ở 34 tuổi, chu kỳ chuyển phôi tươi ngày 5 có 43% phôi loại tốt, 30% phôi loại khá và 21% phôi loại kém. Đối với chuyển 2 phôi nang tươi ngày thứ 5, tỷ lệ đa thai mỗi lần mang thai là 47% ở 25 tuổi, 44% ở 30 tuổi, 35% ở 35 tuổi và 23% ở 40 tuổi. Đối với nhóm chuyển phôi phân chia, chuyển phôi tươi có tỷ lệ LBR xu hướng cao hơn chuyển phôi đông lạnh (19% so với 15%). Tỷ lệ LBR cao nhất ở bệnh nhân trẻ tuổi, chuyển 1 phôi nang, tương tự giữa nhóm phôi tươi và phôi đông lạnh. Nhóm > 35 tuổi có tỷ lệ LBR ở chu kỳ chuyển phôi đông lạnh thấp hơn nhóm trẻ tuổi.
 
 
Bàn luận
Hướng sử dụng kết quả
LBR trên mỗi phôi được báo cáo có 5 công dụng chính. Đầu tiên có thể sử dụng trong tư vấn cho bệnh nhân trước khi bắt đầu kích thích thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và sau khi hoàn thành chu kỳ kích trứng mới. Công dụng thứ hai là xác định số lượng phôi an toàn để chuyển cho bệnh nhân. Công dụng thứ ba là đánh giá hiệu quả của quy trình kích thích IVF. Ví dụ: tổng của tất cả các LBR riêng lẻ của tất cả các phôi được tạo ra có thể được sử dụng làm thước đo hiệu suất. Công dụng thứ tư là để đánh giá hiệu suất nuôi cấy phôi của mỗi trung tâm. LBR tổng hợp của tất cả các phôi ở giai đoạn phân cắt và phôi nang có thể được sử dụng để đánh giá định lượng hiệu suất nuôi cấy phôi. Cuối cùng, LBR dự kiến trên mỗi phôi được chuyển có thể được sử dụng để kiểm soát tuổi mẹ và chất lượng phôi khi đánh giá hiệu suất của quy trình chuyển phôi đông lạnh.
 
Xu hướng quan sát được
Nghiên cứu quan sát thấy một số phát hiện thú vị trong các phân nhóm chuyển phôi cụ thể. Trong chu kỳ chuyển phôi nang tươi và đông lạnh, LBR trên mỗi phôi cao nhất là ở nhóm khoảng 26 tuổi. Ở nhóm trên 40 tuổi thực hiện chuyển phôi nang, nhóm chuyển phôi đông lạnh có LBR cao hơn nhóm chuyển phôi tươi. Nhóm chuyển phôi tươi ngày 7 chỉ có 79 ca chuyển phôi và độ tuổi trung bình là 33,7 tuổi. Có 123 phôi tươi ngày thứ 7 được chuyển (trung bình 1,6 phôi mỗi lần chuyển) và 33 ca sinh sống cho kết quả LBR là 27% mỗi phôi. Sau 34 tuổi, tỷ lệ sinh sống trên mỗi phôi giảm. Điều này cho thấy hồi quy logistic có thể không phù hợp để phân tích dữ liệu trải rộng trên toàn bộ phạm vi độ tuổi sinh sản do giả định logit không được đáp ứng.
 
Kết luận
Phôi giai đoạn phân chia có 8 tế bào có tỷ lệ trẻ sinh sống cao nhất. Phôi ngày 5 chất lượng tốt ở bệnh nhân trẻ tuổi có LBR khoảng 50%. Các phôi nang có điểm tổng thể thuộc loại tốt (good) có LBR cao hơn khoảng 10% so với những phôi có điểm khá (fair). Tỷ lệ sinh đôi sau khi chuyển phôi ở giai đoạn phân chia đơn hoặc phôi nang vào khoảng 1,5%. Nguy cơ sinh đôi sau khi chuyển 2 phôi tươi ngày thứ 3 là khoảng 25% ở phụ nữ <35 tuổi. Nguy cơ sinh đôi sau khi chuyển 2 phôi ngày 5 tươi hoặc đông lạnh là khoảng 40% ở phụ nữ <35 tuổi. LBR trên mỗi phôi được trình bày có thể được sử dụng để tư vấn cho bệnh nhân, kiểm soát chất lượng nuôi cấy phôi, đánh giá hiệu suất kích thích IVF và kiểm soát chất lượng phôi trong việc đánh giá hiệu suất của các quy trình chuyển phôi.
 
Nguồn: Awadalla, M. S., Ho, J. R., McGinnis, L. K., Ahmady, A., Cortessis, V. K., & Paulson, R. J. (2022). Embryo morphology and live birth in the United States. F&S Reports, 3(2), 131-137.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK