Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 12-03-2024 2:38pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Huỳnh Ngọc Uyên - IVFMD Phú Nhuận, Bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận
 
Từ những năm 1980 tinh tương được cho rằng có khả năng làm tăng tỷ lệ làm tổ sau IVF. Các nghiên cứu ở cả động vật và người đã chỉ ra các yếu tố hoạt động miễn dịch trong tinh tương có khả năng thay đổi khả năng tiếp nhận của nội mạc tử cung, như các cytokine tiền viêm (Ví dụ: interferon gamma và interleukins-6 và -8) và các phân tử tăng cường khả năng dung nạp miễn dịch ở phụ nữ đối với phôi (ví dụ như yếu tố chuyển đổi tăng trưởng β - transforming growth factor-beta). Một số nghiên cứu đã được tiến hành nhằm so sánh hiệu quả khi sử dụng tinh tương lên kết quả thai lâm sàng. Hai phân tích tổng hợp với cỡ mẫu nhỏ cho kết quả tinh tương làm tăng đáng kể tỷ lệ mang thai so với giả dược. Và chỉ có 4 nghiên cứu thực hiện phân nhóm ngẫu nhiên bệnh nhân nhưng các nghiên cứu này không đủ mạnh đối với một số biến số và có các định nghĩa khác nhau về kết quả chính là tỷ lệ có thai lâm sàng.
 
Phân tích tổng hợp của Saccone và cộng sự đã chỉ ra ở nhóm bơm tinh tương vào cổ tử cung và âm đạo sau chọc hút cho tỷ lệ thai lâm sàng cao hơn, nhưng tỷ lệ trẻ sinh sống không tăng nên cần thêm các nghiên cứu để chứng minh về kết quả thai lâm sàng.
 
Do đó nghiên cứu này thực hiện với thiết kế nghiên cứu ngẫu nhiên có nhóm chứng mù đôi, tại 1 trung tâm duy nhất. Mục tiêu là chứng minh việc bơm tinh tương vào âm đạo sau chọc hút có làm tăng khả năng tiếp nhận của nội mạc tử cung và tỷ lệ thai sinh sống hay không.
 
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu mù đôi, ngẫu nhiên có nhóm chứng. Tổng cộng có 792 cặp vợ chồng tham gia nghiên cứu trong 5 năm từ tháng 11 năm 2016 đến tháng 9 năm 2021 tại Trung tâm Y học Sinh sản tại Bệnh viện Đại học Linköping, Thụy Điển. Các cặp vợ chồng được phân nhóm ngẫu nhiên sử dụng tinh tương hoặc nước muối bơm vào âm đạo sau khi chọc hút.
 
  • Nhóm tinh tương: bơm 0,5-1mL tinh tương được chuẩn bị bằng phương pháp gradient nồng độ với Pure Sperm 40/80%. 
  • Nhóm đối chứng: bơm 1mL NaCl 0,9%.
 
Kết quả chính là tỷ lệ trẻ sinh sống, kết quả phụ bao gồm tỷ lệ thử thai dương tính và tỷ lệ thai lâm sàng.
Kết quả nghiên cứu
  • Tổng cộng có 792 cặp vợ chồng tham gia nghiên cứu bao gồm: 393 bệnh nhân (49,6%) sử dụng tinh tương và 399 bệnh nhân (50,4%) sử dụng nước muối. Độ tuổi trung bình của nữ giới và nam giới lần lượt là 32 và 34 tuổi. 
  • Kết quả thử thai dương tính ở nhóm sử dụng tinh tương và nhóm đối chứng lần lượt là 35,4% và 37.3% (RR 0.93, 95% CI 0.78-1.10). Tỷ lệ thai lâm sàng ở nhóm sử dụng tinh tương là 28.8% và ở nhóm đối chứng là 33.6% (RR 1.00, 95% CI 0.97-1.03). Tỷ lệ trẻ sinh sống ở nhóm sử dụng tinh tương là 26.5% và nhóm chứng là 29.8% (RR 0.86, 95% CI 0.70-1.07). Kết quả cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa về các kết quả tỷ lệ thử thai dương tính, thai lâm sàng và tỷ lệ trẻ sinh sống giữa 2 nhóm.
  • Tỷ lệ Thai sinh hóa chiếm 18,7% (26/139) ở nhóm tinh tương và 10,1% (15/149) ở nhóm đối chứng (p=0,036). Tỷ lệ sảy thai lần lượt là 8,0% (9/113) và 11,2% (15/134) (p=0,39) ở nhóm sử dụng tinh tương và nhóm dùng nước muối. Điều này tương ứng với tỷ lệ sảy thai trước tuần thứ 23 của thai kỳ là 25,2% đối với nhóm tinh tương và 20,1% đối với nhóm đối chứng (p=0,31).
 
Kết luận
Việc bơm tinh tương trực tiếp vào âm đạo sau chọc hút không làm tăng tỷ lệ trẻ sinh sống và tỷ lệ thai lâm sàng. Các yếu tố miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong quá trình làm tổ của phôi, nhưng không có sự cải thiện về tỷ lệ sinh sống trong điều trị IVF đối với việc bơm tinh tương vào âm đạo sau khi chọc hút.
 
Nguồn: Liffner, S., Bladh, M., Rodriguez-Martinez, H., Sydsjö, G., Zalavary, S., & Nedstrand, E. (2024). Intravaginal exposure to seminal plasma after ovum pick up does not increase live birth rates after IVF or ICSI: a double-blind, placebo-controlled randomized trial. Fertility and Sterility.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK