Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Sunday 07-04-2024 2:34pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Dương Ngô Hoàng Anh - IVFMD Phú Nhuận, Bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO), 15% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản gặp vấn đề về khả năng sinh sản và khoảng một nửa là do yếu tố nam giới. Vô tinh được đặc trưng bởi sự vắng mặt của tinh trùng trong hai lần phân tích tinh dịch đồ liên tiếp theo hướng dẫn của WHO. Vô tinh được phân loại thành vô tinh do tắc nghẽn (Obstructive Azoospermia – OA) và vô tinh không do tắc nghẽn (Non-Obstructive Azoospermia – NOA). Trong đó, bệnh nhân NOA vô căn (idiopathic Non-Obstructive Azoospermia – iNOA) do không rõ nguyên nhân chiếm đến gần 70%.

Phương pháp vi phẫu thuật trích xuất tinh trùng từ tinh hoàn (microdissection Testicular Sperm Extraction – mTESE) được sử dụng rộng rãi với khả năng thành công cao và ít tổn thương tinh hoàn. Thực tế tỷ lệ thu được tinh trùng của bệnh nhân iNOA thấp (~30%) và nhiều bệnh nhân có rất ít cơ hội để phẫu thuật điều trị, cũng như cơ hội cho những chu kỳ điều trị sau. Do đó, hiệu quả cuối cùng của phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (Intracytoplasmic Sperm Injection – ICSI) đặc biệt được cả bệnh nhân và bác sĩ quan tâm. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có hai nghiên cứu cung cấp các mô hình dự đoán kết quả ICSI ở bệnh nhân vô tinh. Vì vậy, mục đích của nghiên cứu là đánh giá hiệu quả của mTESE-ICSI đối với các cặp bệnh nhân iNOA.

Đây là nghiên cứu hồi cứu được thực hiện từ tháng 9 năm 2013 đến tháng 7 năm 2021 trên 1.215 bệnh nhân mắc iNOA được điều trị bằng mTESE tại một trung tâm hỗ trợ sinh sản. Chồng sẽ được đánh giá nội tiết tố gồm có hay không sự hiện diện của tinh trùng trong ít nhất hai lần xét nghiệm tinh dịch đồ liên tiếp, thể tích tinh hoàn, nồng độ FSH và các xét nghiệm siêu âm để loại bỏ nguyên nhân vô tinh do bế tắc và do những nguyên nhân khác. Tiêu chuẩn loại của nghiên cứu là các cặp vợ chồng có vợ trên 37 tuổi và các chu kỳ sử dụng tinh trùng hiến tặng, hoặc noãn rã đông. Kết cục của nghiên cứu là tỷ lệ trẻ sinh sống.

Nghiên cứu ghi nhận được 411/1.215 trường hợp thu nhận thành công tinh trùng (33,83%). Trong đó, 377/411 cặp vợ chồng được điều trị bằng 482 chu kỳ mTESE-ICSI phù hợp với tiêu chuẩn nhận của nghiên cứu.
Tỷ lệ trẻ sinh sống trên mỗi chu kỳ mTESE-ICSI là 39,21% (189/482). Sau khi phân tích theo mô hình hồi quy logistic đa biến, thể tích tinh hoàn lớn liên quan đến tỷ lệ trẻ sinh sống cao hơn (OR:1,040, 95%, KTC: 1,006 – 1,075). Tương tự, nhiều phôi chất lượng tốt trong chu kỳ ICSI (OR:1,160, 95%, KTC: 1,070 – 1,258) và tăng ET-hCG (OR:1,155, 9%%, KTC: 1,004 – 1,329) cũng nâng cao tỷ lệ trẻ sinh sống thành công. Kết quả cũng ghi nhận mối tương quan giữa số lượng tinh trùng di động và tỷ lệ trẻ sinh sống, khi thiếu tinh trùng di động trong mTESE có thể gây bất lợi đến kết cục này (OR: 0,223, 95%, KTC: 0,099 – 0,505). Tóm lại, nghiên cứu đã chỉ ra bốn yếu tố gồm sự hiện diện của tinh trùng di động trong mTESE, thể tích tinh hoàn, độ dày nội mạc tử cung vào ngày sử dụng hCG và số lượng phôi tốt sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ trẻ sinh sống. Khi phân tích biểu đồ, mức chặn ước tính là -1,653 (KTC 95%: -13,403 – 10,096), độ dốc là 1,043 (KTC 95%: 0,777 – 1,308) và diện tích dưới đường cong AUC của nghiên cứu đạt 0,71 ± 0,05, cho thấy đây mô hình dự đoán tỷ lệ trẻ sinh sống ở các cặp vợ chồng iNOA có độ chính xác nhất định.

mTESE-ICSI là phác đồ điều trị tiêu chuẩn cho bệnh nhân NOA. Tuy nhiên, mTESE là phương pháp phẫu thuật xâm lấn và nhiều bệnh nhân có rất ít cơ hội để phẫu thuật. Do đó, hiệu quả ICSI cho những bệnh nhân NOA được quan tâm. Các yếu tố được sử dụng để tiên lượng cho trẻ sinh sống thành công như tuổi vợ, thời gian hiếm muộn, vô sinh nguyên phát/thứ phát, độ di động của tinh trùng. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu khác cung cấp mô hình tiên lượng tỷ lệ trẻ sinh sống hoặc mang thai ở các cặp bệnh nhân vô tinh như nguyên nhân vô tinh, kích thước tinh hoàn, FSH – LH – Testosterone chồng, tuổi vợ, AFC và AMH của vợ. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, yếu tố tuổi vợ bị loại khỏi mô hình tiên lượng.

Đối với bệnh nhân NOA, những thay đổi về cấu trúc và chức năng của một số ống sinh tinh có thể dẫn đến rối loạn chức năng sinh tinh cục bộ. Chức năng sinh tinh lúc này sẽ được các ống sinh tinh còn lại trong tinh hoàn hoạt động. Do đó, thể tích tinh hoàn lớn tăng khả năng sinh tinh và mức độ rối loạn chức năng sinh tinh thấp hơn. Một số nghiên cứu đã báo cáo về mối liên quan giữa số lượng phôi chất lượng cao và độ dày nội mạc tử cung sẽ tăng cơ hội mang thai trong điều trị IVF, từ đó cải thiện tỷ lệ trẻ sinh sống. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy sự di động của tinh trùng sau mTESE có tương quan với khả năng mang thai thành công. Những bệnh nhân iNOA không có tinh trùng di động trong mTESE có thể bị rối loạn chức năng sinh tinh nghiêm trọng, và thậm chí nghiêm trọng đến mức tinh trùng thu nhận được phần lớn là dị dạng, không thực hiện được chức năng. Bên cạnh đó, tinh trùng bị lệch bội và có độ phân mảnh DNA cao cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả lâm sàng ở những nhóm bệnh nhân này.

Đây là nghiên cứu có cỡ mẫu lớn nhất về hiệu quả ICSI của các cặp bệnh nhân iNOA. Ngoài ra, điểm mạnh của nghiên cứu còn nằm ở việc xây dựng mô hình các yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ trẻ sinh sống bằng phân tích hiệu chuẩn và hồi quy logistic đa biến, mang lại ý nghĩa trong thực hành lâm sàng. Tuy nhiên, hạn chế của nghiên cứu là mô hình được thiết kế không thể áp dụng cho cặp bệnh nhân có vợ trên 37 tuổi và quần thể bệnh nhân từ các trung tâm khác. Bên cạnh đó, dữ liệu về hình dạng và độ di động của tinh trùng được sử dụng cho ICSI cũng chưa được cung cấp trong nghiên cứu này.

Mô hình dự đoán trong nghiên cứu có ý nghĩa lâm sàng đối với các cặp bệnh nhân iNOA được điều trị bằng mTESE-ICSI. Tuy nhiên, những nghiên cứu sâu hơn từ các bệnh nhân iNOA đa trung tâm cần được thực hiện để xác nhận khả năng dự đoán của mô hình.

Nguồn: Zhang, Li, et al. "Novel predictors for livebirth delivery rate in patients with idiopathic non-obstructive azoospermia based on the clinical prediction model." Frontiers in Endocrinology 14 (2023): 1233475.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK