Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Sunday 07-04-2024 2:32pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Dương Ngô Hoàng Anh - IVFMD Phú Nhuận, Bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận

Tỷ lệ mắc ung thư vú ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản ngày càng tăng. Tùy vào giai đoạn ung thư, bệnh nhân có thể được chỉ định hóa trị tân bổ trợ – hóa trị trước phẫu thuật (Neoadjuvant Chemotherapy – NAC) hoặc hóa trị bổ trợ – hóa trị sau phẫu thuật (Adjuvant chemotherapy – AC). Hóa trị liệu trực tiếp ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của phụ nữ, và khả năng sinh sản của họ sau khi điều trị thành công là hai vấn đề lớn mà bệnh nhân quan tâm.

Thủy tinh hóa noãn/phôi sau khi kích thích buồng trứng có kiểm soát (controlled ovarian stimulation – COS), sau khi trưởng thành noãn non trong ống nghiệm (In Vitro Maturation – IVM) hay đông lạnh mô buồng trứng (Ovarian Tissue Cryopreservation – OTC) đều là các kỹ thuật đông lạnh tiến bộ trong bảo tồn sinh sản. Việc lựa chọn phương pháp bảo tồn sinh sản sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, như tình trạng của bệnh nhân, loại ung thư ác tính. Trong đó, bảo tồn sinh sản sau COS là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất, ít xâm lấn và hiệu quả tốt. Tuy nhiên, COS cần thời gian kích thích buồng trứng dài (trung bình 2 tuần), không đủ dữ liệu về an toàn cho bệnh nhân chưa loại bỏ khối u do liên quan đến việc tăng Estradiol huyết thanh. Vì vậy, OTC hoặc IVM trở thành phương pháp thay thế mặc dù hiệu quả thấp hơn và khả năng xâm lấn cao. Mục tiêu của nghiên cứu này là đánh giá liệu thủy tinh hóa noãn sau COS ở bệnh nhân NAC có ảnh hưởng đến thời gian từ lúc chẩn đoán ung thư ác tính đến khi bắt đầu hóa trị so với các phương pháp bảo tồn sinh sản khác hay không.

Đây là nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu bao gồm 197 bệnh nhân ung thư vú được chỉ định NAC (từ 18 – 40 tuổi) từ tháng 1 năm 2016 đến tháng 12 năm 2020. Bệnh nhân được tư vấn về phương pháp bảo tồn sinh sản trong vòng 24 đến 48 giờ, tùy theo tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. COS là lựa chọn đầu khi các bác sĩ ung thư và bệnh nhân đồng ý. IVM được xem xét khi bệnh nhân không thể COS, và IVM-OTC chỉ được đề xuất cho trường hợp bệnh nhân dưới 37 tuổi. Bệnh nhân sẽ là người quyết định lựa chọn phương pháp nào. Bệnh nhân ung thư vú di căn bị loại khỏi nghiên cứu. Hai phân nhóm chính trong nghiên cứu là nhóm COS (STIM) và nhóm IVM ± OTC (IVM). Nhóm STIM tiếp tục được chia thành nhóm có sử dụng letrozole đồng thời với gonadotropin (let-COS) và nhóm không dùng letrozole (COS).

Tổng số 57/197 bệnh nhân thực hiện COS (nhóm STIM) và 140/197 bệnh nhân thực hiện IVM ± OTC (nhóm IVM). Về đặc điểm sinh lý của bệnh nhân, nhóm STIM có độ tuổi nghiên cứu lớn hơn (33,3 tuổi so với 31,7 tuổi, P-value = 0,02) và có giá trị dự trữ buồng trứng thấp hơn đáng kể so với nhóm IVM (AFC tương ứng 23,0 so với 27,7, P-value = 0,02 và AMH tương ứng 3,1 ng/mL so với 3,8 ng/mL, P-value = 0,01). Nghiên cứu không ghi nhận sự khác biệt về tỷ lệ âm tính ung thư vú ba lần cũng như mức độ ung thư ở hai nhóm. Bên cạnh đó, kích thích buồng trứng thu được số lượng noãn trưởng thành có thể thực hiện thủy tinh hóa hoặc thụ tinh cao hơn so với IVM (10,7 so với 5,8, P-value < 0,001).

Trong nhóm STIM, 29/57 bệnh nhân thuộc nhóm let-COS và 28/57 bệnh nhân thuộc nhóm COS. Nồng độ Estradiol trong huyết thanh trước khi trigger ở những bệnh nhân thuộc nhóm let-COS thấp hơn những bệnh nhân không dùng letrozole (449,8 ng/mL so với 1745,4 ng/mL, P-value < 0,001).
Kết quả cũng cho thấy nhóm STIM rút ngắn thời gian giữa chẩn đoán ung thư vú và tư vấn bảo tồn sinh sản so với phân nhóm còn lại (19,6 ngày so với 22,2 ngày, P-value = 0,003). Ngược lại, thời gian từ khi tư vấn bảo tồn sinh sản đến khi chọc hút (13,4 ngày so với 5,2 ngày, P-value < 0,001) và đến khi bắt đầu NAC (17,7 ngày so với 14,3 ngày, P-value = 0,028 ) ở nhóm STIM dài hơn so với nhóm IVM. Tuy nhiên, tổng thời gian từ khi chẩn đoán đến khi bắt đầu hóa trị trước phẫu thuật là tương đương giữa hai nhóm (37,3 ngày so với 36,8 ngày; P-value = 0,89). Bên cạnh đó, sự an toàn của các phác đồ và thời gian cần thiết để hoàn thành COS là hai mối quan tâm chính đối với bệnh nhân ung thư vú cần NAC khi chưa được loại bỏ khối u.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh Estradiol đóng vai trò quan trọng trong hình thành khối u ung thư vú. Các phác đồ kích thích buồng trứng kết hợp thuốc ức chế Aromatase với sử dụng FSH ngoại sinh được phát triển để hạn chế tình trạng tăng Estradiol máu do COS gây ra. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu chứng minh độ an toàn của COS khi giảm nguy cơ tái phát và tử vong so với nhóm bệnh nhân không bảo tồn sinh sản. Kết quả tương tự với bệnh nhân thực hiện COS trước khi NAC. Các công bố này cũng không ghi nhận được tác động bất lợi nào của COS đối với thời gian sống thêm không “biến cố”. Dù vậy, các bằng chứng về tính an toàn của COS đối với tiên lượng ung thư vẫn chưa đầy đủ và cần được nghiên cứu sâu hơn.

Vấn đề trì hoãn hóa trị liệu sẽ làm trầm trọng tình trạng mắc bệnh và tăng nguy cơ tử vong cho bệnh nhân. Việc bảo tồn sinh sản có trì hoãn thời điểm bắt đầu NAC vẫn còn đang tranh cãi. Một nghiên cứu gần đây công bố thời gian từ khi chẩn đoán ung thư vú đến khi bắt đầu NAC ≥ 61 ngày sẽ gây bất lợi đến tỷ lệ sống sót. Điều này cũng phù hợp với nghiên cứu khi không có mốc thời gian nào vượt quá 61 ngày. Đây là nghiên cứu đầu tiên không so sánh giữa hai nhóm đối tượng bệnh nhân được bảo tồn sinh sản với không được bảo tồn sinh sản. Nhược điểm của nghiên cứu nằm ở thiết kế hồi cứu. Tuy nhiên, một nghiên cứu so sánh ngẫu nhiên trong tương lai sẽ không phù hợp khía cạnh đạo đức đối với các bệnh nhân ung thư.

Tóm lại, thời gian trung bình từ khi chẩn đoán ung thư đến khi bắt đầu hóa trị tân bổ trợ là tương tự nhau giữa các bệnh nhân COS hoặc IVM trước khi thủy tinh hóa noãn. Điều này đồng nghĩa với việc thủy tinh hóa noãn/phôi từ kích thích buồng trứng (COS) cho bảo tồn sinh sản không gây bất lợi cho việc chỉ định NAC ở bệnh nhân ung thư vú. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương pháp bảo tồn sinh sản vẫn thuộc về bệnh nhân.

Nguồn: Sellami, Ines, et al. "Oocyte vitrification for fertility preservation following COS does not delay the initiation of neoadjuvant chemotherapy for breast cancer compared to IVM." Journal of Assisted Reproduction and Genetics 40.3 (2023): 473-480.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK