Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 22-04-2024 5:48am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Huỳnh Yến Vy – IVFMD Phú Nhuận – Bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận
 
Trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, việc lựa chọn phôi tốt sẽ tối ưu hóa tỷ lệ trẻ sinh sống trong mỗi lần chuyển, đặc biệt khi chỉ chuyển một phôi thay vì nhiều phôi để giảm nguy cơ đa thai. Ngoài việc đánh giá phôi thông qua đặc điểm hình thái thì đánh giá tình trạng nhiễm sắc thể của phôi cũng giúp làm tăng tỷ lệ thành công cho chu kì điều trị. Sự hiện diện của lệch bội có thể dẫn đến thất bại làm tổ hoặc sẩy thai. Do đó, hiện nay, xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (Pre-implantation genetic testing for aneuploidy - PGT-A) được thực hiện nhằm cung cấp thông tin về di truyền học của phôi, là cơ sở trong việc lựa chọn phôi nguyên bội chuyển cho bệnh nhân để giảm nguy cơ sẩy thai, nguy cơ dị tật bẩm sinh và rút ngắn thời gian điều trị. Tuy nhiên, việc sử dụng PGT-A có làm tăng tỉ lệ sinh sống tích lũy (Cumulative live birth rate - CLBR) vẫn chưa được chứng minh một cách nhất quán vì thực chất việc PGT-A không làm tăng số lượng phôi nguyên bội cũng như không làm giảm số lượng phôi lệch bội trong một chu kì. Các nghiên cứu đánh giá lợi ích của PGT-A thường phân tích tỷ lệ sinh sống trên mỗi lần chuyển phôi, do đó loại trừ khỏi phân tích các chu kỳ không có phôi có thể chuyển được. Kết quả là, loại phân tích này có thể thổi phồng một cách quá mức lợi ích của PGT-A trong việc cải thiện CLBR.
 
Mục tiêu: Nghiên cứu này được thực hiện để đánh giá tác động của PGT-A đối với tỷ lệ sinh sống cộng dồn với giả thuyết rằng sẽ không có sự khác biệt về CLBR giữa có hoặc không có PGT-A.
 
Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu hồi cứu được thực hiện dựa trên dữ liệu của Hiệp hội công nghệ hỗ trợ sinh sản Hoa kỳ (Society for Assisted Reproductive Technology Clinic Outcome Reporting System - SART CORS) từ năm 2014 đến 2016. Các chu kỳ kích thích buồng trứng tự thân ở mỗi bệnh nhân trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 1 năm 2014 đến ngày 31 tháng 12 năm 2015 và tất cả các chu kỳ chuyển phôi liên từ ngày 1 tháng 1 năm 2014 đến ngày 31 tháng 12 năm 2016 đều được đưa vào nghiên cứu.

Tiêu chuẩn loại của nghiên cứu là những chu kỳ tế bào trứng của người hiến tặng, chu kỳ phôi của người hiến tặng và chu kỳ ngân hàng phôi. Ngoài ra, những chu kì chuyển phôi phân chia, các chu kỳ bao gồm cả chuyển phôi tươi (Fresh embryo transfer- ET) và chuyển phôi đông lạnh (Frozen embryo transfer – FET) đã bị loại trừ để tránh khả năng chuyển đồng thời cả phôi được xét nghiệm PGT-A và phôi không xét nghiệm.

Trong tổng 133.494 chu kì IVF tự thân của phụ nữ dưới 40 tuổi bao gồm 83.387 chu kì đủ điều kiện tham gia vào nghiên cứu, chia thành 2 nhóm:
Nhóm (1) PGT-A: 21.375 chu kì
Nhóm (2) không PGT-A: 62.012 chu kì

Các bệnh nhân được chia thành các nhóm dựa theo độ tuổi <35 tuổi, từ 35-37 tuổi, từ 38-40 tuổi.
 
Kết quả:
  • Ở tất cả các nhóm tuổi ngoại trừ những người > 40 tuổi, tỷ lệ trẻ sinh sống tích lũy trong mỗi chu kỳ ở nhóm PGT-A thấp hơn so với những bệnh nhân không sử dụng PGT-A (p < 0,01). Sự khác biệt này rõ rệt nhất ở những người < 35 tuổi (4015/9683 (57,4%) ở nhóm PGT-A so với 26.510/38.558 (70,1%) ở nhóm không PGT-A). Ngoài ra, nghiên cứu chứng minh rằng CLBR cao và khác nhau giữa các nhóm tuổi, dao động từ 71,2% ở độ tuổi < 35 đến 50,2% ở độ tuổi > 42 (p < 0,01).
  • Khi đánh giá về đa thai, những bệnh nhân < 42 tuổi chuyển phôi tươi ET, tỷ lệ sinh đơn cao hơn 6 - 10% đối với những người có PGT-A so với những người không sử dụng PGT-A (p<0.01) Ngoài ra, tỷ lệ sinh đôi thấp hơn đáng kể được ghi nhận ở những người sử dụng PGT-A ở mọi nhóm tuổi ngoại trừ ở độ tuổi > 42 tuổi, so với những bệnh nhân không sử dụng PGT-A (p < 0,01).
  • Tỷ lệ sinh non < 37 tuần, < 34 tuần và < 28 tuần giảm ở những bệnh nhân sử dụng PGT-A và thực hiện chuyển phôi trữ (FET), so với nhóm chuyển phôi nang không PGT-A (24,6% so với 32,6% ở < 37 tuần, 7% so với 10,2% ở < 34 tuần và 1,2% so với 2,2% ở < 28 tuần tương ứng) (p<0.0001). Ngoài ra, tỷ lệ sẩy thai sớm ở tuổi thai < 13 tuần nói chung là 7% ở nhóm PGT-A so với 12,5% không có PGT-A (p < 0,0001). Ở mọi lứa tuổi, PGT-A liên quan đến giảm tỷ lệ sẩy thai sớm, so với không có PGT-A (p < 0,0001). Sự khác biệt này đặc biệt rõ rệt ở độ tuổi > 42 (3,4% đối với PGT-A so với 12,6% nếu không có PGT-A).
  • Không có sự khác biệt về tỷ lệ giới tính nam ở trẻ sơ sinh giữa bệnh nhân sử dụng PGT-A (51,6%) so với không sử dụng PGT-A (51,6%), không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê ở bất kỳ nhóm tuổi.
  • Nhìn chung, những bệnh nhân sử dụng PGT-A có tỷ lệ sinh nhẹ cân (Low birth weight - LBW) < 2500g (18,4%) giảm so với những bệnh nhân không sử dụng PGT-A (27,5%). Sự khác biệt này cũng được ghi nhận khi đánh giá tỷ lệ trẻ có cân nặng khi sinh rất thấp (Very low birth weight - VLBW) < 1500g (tương ứng là 3% đối với PGT-A so với 4,9% đối với không có PGT-A) (p < 0,0001). Việc sử dụng PGT-A có liên quan đến việc tăng cân nặng trung bình khi sinh so với nhóm không sử dụng PGT-A. Sự khác biệt này trung bình là 199g và có ý nghĩa thống kê (p < 0,01) ở mọi lứa tuổi ngoại trừ độ tuổi > 42 (p = 0,09).
 
Kết luận: Đối với nhóm bệnh nhân trẻ tuổi đặc biệt là < 35 tuổi, PGT-A dường như không mang lợi ích mà còn có sự giảm đáng kể về CLBR trong chu kỳ. Đối với nhóm bệnh nhân > 42 tuổi, CLBR cao hơn trong các chu kỳ PGT-A nhưng sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê. Tuy nhiên, PGT-A có liên quan đến giảm tỷ lệ đa thai, sẩy thai sớm và tỷ lệ trẻ nhẹ cân so với các chu kỳ không PGT-A. Chính vì thế, việc tư vấn cho bệnh nhân về việc sử dụng PGT-A phải tùy thuộc vào độ tuổi và cá nhân hóa cụ thể là bệnh nhân nên được tư vấn về lợi ích của PGT-A không chỉ dựa trên tuổi mẹ mà còn dựa trên bất kỳ yếu tố có thể xảy ra đối với sẩy thai.
 
Nguồn: Kucherov, A., Fazzari, M., Lieman, H., Ball, G. D., Doody, K., & Jindal, S. (2023). PGT-A is associated with reduced cumulative live birth rate in first reported IVF stimulation cycles age≤ 40: an analysis of 133,494 autologous cycles reported to SART CORS. Journal of Assisted Reproduction and Genetics40(1), 137-149.
 
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK