Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 26-04-2024 2:17am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. Đào Hữu Nghị - IVFMD Phú Nhuận, Bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận
 
Phân mảnh DNA tinh trùng (Sperm DNA fragmentation - SDF) là sự tổn thương cấu trúc di truyền của tinh trùng, đặc trưng bởi sự đứt gãy mạch đôi hoặc mạch đơn DNA. SDF có liên quan đến nhiều yếu tố như: giãn tĩnh mạch thừng tinh, lối sống, tiếp xúc với môi trường độc hại, lão hoá, nhiễm trùng,…Việc đánh giá tính toàn vẹn DNA của tinh trùng bằng chỉ số phân mảnh DNA (DNA fragmentation index - DFI) đã trở nên phổ biến ở nam giới vô sinh trong nhiều năm qua, cũng như các trường hợp sẩy thai liên tiếp. Một số nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng DFI cao có liên quan đến giảm tỷ lệ thụ tinh, chất lượng phôi, tỷ lệ thai lâm sàng và tỷ lệ trẻ sinh sống. Do đó, đã có nhiều gỉải pháp được đề xuất để giúp cải thiện tính toàn vẹn DNA nhằm cải thiện kết quả điều trị trong hỗ trợ sinh sản (Assisted reproductive technology – ART) và kết quả thai tự nhiên ở những nam giới có DFI cao. Việc xác định được những nguyên nhân cụ thể gây ra DFI cao sẽ có thể góp phần trong điều trị làm giảm mức DFI, tuy nhiên, hầu hết các trường hợp có DFI tăng cao thì vẫn chưa xác định rõ được nguyên nhân. Do đó, cần phải có những nghiên cứu thêm để có thể xây dựng phương pháp điều trị phù hợp cho những bệnh nhân có mức DFI bất thường không rõ nguyên nhân. Một trong những cơ chế được cho là có thể làm tăng SDF do sự tiếp xúc của tinh trùng với các loại phản ứng oxy hóa (Reactive oxigen species - ROS) khi được lưu trữ trong mào tinh và túi tinh. Do đó, việc rút ngắn thời gian tiếp xúc của tinh trùng với ROS để giúp làm giảm SDF đã được tiếp cận và nghiên cứu. Mặc dù đã có một số nghiên cứu báo cáo rằng thời gian kiêng xuất tinh ngắn sẽ giúp cải thiện DFI, nhưng những dữ liệu này vẫn còn hạn chế về hiệu quả của phương pháp này ở nhóm nam giới vô sinh. Vì vậy, việc thiết lập cơ sở cho các phương pháp điều trị để giúp cải thiện DFI trong các trường hợp vô sinh do yếu tố nam là rất cần thiết. Do đó, mục đích của nghiên cứu này là tập trung vào nhóm nam giới bị vô sinh do yếu tố nam, với những mẫu tinh dịch có chất lượng bất thường để khảo sát xem liệu DFI có cải thiện trong mẫu tinh dịch được thu nhận trong khoảng thời gian kiêng xuất tinh ngắn (3–4 giờ) hay không.
 
Đây là nghiên cứu đoàn hệ tiến cứu được thực hiện từ năm 2012 đến 2016 trên 52 nam giới tại Bệnh viện Mount Sinai, Toronto, Canada, thỏa các tiêu chí sau:

Tiêu chí nhận:
  • Những trường hợp vô sinh nguyên phát hoặc thứ phát.
  • Chất lượng tinh dịch bất thường (WHO 2010).
  • Thời gian kiêng xuất tinh từ 2-5 ngày.
Tiêu chí loại:
  • Azoospermia.
  • Phơi nhiễm với hóa trị, xạ trị.
  • Ung thư tinh hoàn hay tiền sử phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn.
  • Hội chứng Klinefelter.
 
Kết quả phân tích dữ liệu được thực hiện để so sánh sự thay đổi các thông số của tinh trùng và mức độ DFI giữa các mẫu; và giữa những nam giới có DFI trên và dưới 30%.
 
Tổng cộng có 52 người đàn ông xuất tinh hai lần cách nhau 3–4 giờ. Kết quả phân tích về thông số tinh trùng cho thấy thể tích tinh dịch ở nhóm mẫu thứ hai (1,5 ± 0,9ml) thấp hơn ở nhóm mẫu thứ nhất (2,3 ± 1,4ml), p<0,001, trong khi các thông số còn lại là tương đương nhau, p>0,05.
 
Kết quả phân tích DFI cho thấy, nhóm mẫu thứ hai (35,1 ± 21,6%) giảm đáng kể so với nhóm mẫu thứ nhất (38,9% ± 21,4%), p<0,001. Trong đó:
  • Có 40/52 nam giới đã cải thiện mức độ DFI; 4/52 có cùng mức DFI (thay đổi <1%); và 8/52 có mức độ DFI cao hơn ở mẫu thứ hai. Trong số những nam giới có DFI được cải thiện, mức giảm DFI trung bình là 6,0 ± 4,0% (giảm 15,0%).
  • Có 22/52 nam giới có mức giảm DFI >5% và 7/52 giảm >10% ở mẫu thứ hai.
Kết quả đánh giá sự thay đổi các thông số tinh trùng ở nam giới có DFI ≤ 30% so với DFI >30% cho thấy:
  • Nhóm DFI >30% giảm mức DFI nhiều hơn trong mẫu thứ hai so với nhóm có DFI ≤30% (−4,5 ± 6,9% so với −2,7 ± 3,1%, p<0,001). Sự thay đổi về từng thông số tinh trùng giữa các mẫu là tương tự nhau ở các nhóm này, ngoại trừ sự thay đổi về tỷ lệ sống được cải thiện trong mẫu thứ hai ở nhóm DFI >30% (2,6 ± 8,6%) so với nhóm DFI ≤30% (−3,9% ±11,3% ), p=0,03.
 
Nghiên cứu này cho thấy có sự cải thiện đáng kể về DFI trong mẫu thứ hai (3 - 4 giờ) ở nam giới bị vô sinh. Điều này có thể là do thời gian kiêng xuất tinh ngắn sẽ giúp cải thiện SDF, bởi vì: cơ chế chính hình thành SDF là sự tiếp xúc của tinh trùng với ROS, tinh trùng chết và bạch cầu trong quá trình di chuyển từ tinh hoàn đến mào tinh hoàn và lưu trữ ở đó sẽ dẫn đến đứt gãy DNA tinh trùng; và thời gian di chuyển đến mào tinh có thể bị ảnh hưởng bởi tần suất xuất tinh, do đó việc kiêng xuất tinh trong thời gian ngắn có thể liên quan đến việc di chuyển nhanh hơn và giảm SDF. Ngoài ra, các chất chuyển hóa trong tinh tương được tiết ra và tích lũy theo sẽ giảm khi thời gian kiêng xuất tinh ngắn.
 
Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng có một số hạn chế: (1) - Cỡ mẫu nhỏ, thiếu nhóm đối chứng và thông tin về kết quả sinh sản đối với mẫu thứ hai. (2) - DFI chỉ phản ánh sự đứt gãy DNA, không cung cấp thông tin các sai sót về số lượng hoặc cấu trúc nhiễm sắc thể. (3) - Một số đối tượng nghiên cứu đã dùng các chất chống oxy hóa và vitamin tổng hợp trước hoặc sau khi đến khám.
 
Tóm lại, nghiên cứu này cho thấy có sự cải thiện đáng kể về DFI trong mẫu tinh dịch thứ hai (3 - 4 giờ) ở nam giới bị vô sinh với hơn 75% nam giới đã có kết quả cải thiện mức độ DFI. Bên cạnh đó, ở nhóm DFI >30% cho thấy DFI giảm nhiều hơn và phần lớn những nam giới có DFI từ khoảng 30 - 40% sẽ giảm xuống <30% ở mẫu thứ hai. Tuy nhiên, cần có các thử nghiệm có kiểm soát để xác định xem liệu kết quả sinh sản có được cải thiện hay không khi sử dụng mẫu xuất tinh thứ hai ở nam giới vô sinh có giá trị DFI ban đầu cao.
 
Nguồn: KARAVANI, Gilad, et al. Improved sperm DNA fragmentation levels in infertile men following very short abstinence of 3–4 hours. Translational Andrology and Urology, 2023, 12.10: 1487.
Link bài báo: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC10643391/
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK