Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 27-04-2024 7:38am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Huỳnh Yến Vy – IVFMD Phú Nhuận – Bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận
 
Phân mảnh DNA tinh trùng (Sperm DNA fragmentation – SDF) là sự tổn thương cấu trúc DNA tinh trùng đặc trưng với sự đứt gãy chuỗi mạch đơn hoặc chuỗi mạch kép DNA, có thể dẫn đến suy giảm tỷ lệ hình thành phôi, tỷ lệ thai lâm sàng và tỷ lệ trẻ sinh sống khi sự phân mảnh DNA tăng cao. Nguyên nhân gây ra sự phân mảnh DNA của tinh trùng có thể từ nhiều yếu tố bao gồm sai sót trong quá trình hình thành tinh trùng, độ nén của chất nhiễm sắc kém, quá trình chết theo chương trình (apoptosis) của tinh trùng, enzyme caspase và endnuclease nội sinh, stress oxy hóa (reactive oxygen species - ROS), tác nhân hóa trị liệu, bức xạ, nhiễm trùng, lối sống và nhiều nguyên nhân khác. Chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng (DNA fragmentation index - DFI) đóng vai trò là thước đo để đánh giá tính toàn vẹn của DNA tinh trùng bằng cách định lượng mức độ phân mảnh nhiễm sắc thể trong tế bào tinh trùng. Chỉ số DFI tinh trùng thường được đánh giá trong các nghiên cứu liên quan đến sự thụ tinh, sự phát triển phôi, sự lệch bội, tỷ lệ mang thai. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng DFI có mối tương quan đến sẩy thai tự nhiên. Ngược lại, nghiên cứu cho rằng chỉ số DFI tinh trùng không có tác động đáng kể đến sự phát triển phôi hoặc tỷ lệ mang thai ở những bệnh nhân được tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (intracytoplasmic sperm injection – ICSI) bằng tế bào noãn được hiến tặng. Ngoài ra, một nghiên cứu chứng minh rằng DFI tinh trùng không ảnh hưởng đáng kể đến các kết quả thụ tinh, tỉ lệ thai lâm sàng, sẩy thai, mang thai liên tục hoặc cân nặng khi sinh ở các nhóm bệnh nhân khác nhau. Chính vì thế, vai trò của chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng (DFI) đối với kết quả mang thai, sự phát triển của phôi và kết quả lâm sàng vẫn còn nhiều tranh cãi.
 
Mục tiêu: Nghiên cứu về sự ảnh hưởng của chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng đến kết quả mang thai và các thông số về sự an toàn của con cái trong hỗ trợ sinh sản (Assited reproductive technology – ART). Từ đó, thiết lập biểu đồ đường cong thể hiện mối tương quan giữa DFI với kết quả mang thai và sự an toàn của con cái.
 
Thiết kế nghiên cứu: Nghiên cứu hồi cứu từ tháng 6 năm 2013 đến tháng 11 năm 2020, 6330 cặp vợ chồng chia thành 2 nhóm dựa vào phương pháp điều trị: IVF có 3730 cặp vợ chồng (chiếm 58,93%) và ICSI có 2660 cặp vợ chồng (chiếm 41,07%). Tất cả các bệnh nhân trải qua công nghệ hỗ trợ sinh sản đều được sử dụng phác đồ dài bằng thuốc chủ vận GnRH tác dụng kéo dài giai đoạn sớm nang noãn hoặc phác đồ đối kháng GnRH. Các cặp vợ chồng được chia thành ba nhóm dựa trên giá trị chỉ số phân mảnh DNA (DFI) của tinh trùng.
 
Ở nhóm IVF:
  • Nhóm A (DFI < 15%) gồm 3123 trường hợp, chiếm 49,34%,
  • Nhóm B (DFI 15 – 30%) gồm 561 trường hợp, chiếm 8,86%,
  • Nhóm C ( DFI ≥ 30%) có 46 trường hợp, chiếm 0,73%.
Ở nhóm ICSI: 
  • Nhóm A (DFI < 15%) gồm 1967 trường hợp, chiếm 31,07%,
  • Nhóm B (DFI 15 – 30%) gồm 462 trường hợp, chiếm 7,30%,
  • Nhóm C ( DFI ≥ 30%) gồm 171 trường hợp, chiếm 2,70%.
Nghiên cứu so sánh kết quả mang thai (bao gồm số lượng noãn, noãn trưởng thành, tỷ lệ trưởng thành của noãn, số phôi có thể chuyển, tỷ lệ thụ tinh, tỷ lệ có thai trên mỗi lần chuyển, tỷ lệ sẩy thai) và sự an toàn của con cái (tỷ lệ thai chết lưu, tỷ lệ sinh non, cân nặng khi sinh, tỷ lệ nhẹ cân, tỷ lệ dị tật bẩm sinh) giữa các nhóm.
 
Kết quả:
  • Không có sự khác biệt đáng kể về số lượng noãn, noãn trưởng thành, tỷ lệ trưởng thành, tỷ lệ thụ tinh và tỷ lệ mang thai giữa ba nhóm IVF/ICSI. Tuy nhiên, tỷ lệ sẩy thai ở nhóm IVF/ICSI có DFI > 30% và DFI 15 – 30% cao hơn đáng kể so với nhóm IVF/ICSI có DFI < 15% (P = 0,005) và tỷ lệ sẩy thai trong ICSI nhóm có DFI  > 30% cao hơn so với nhóm DFI 15 – 30% (P < 0,001).
  • Các thông số về sự an toàn của con cái như là tỷ lệ thai chết lưu, tỷ lệ sinh non, tỷ lệ nhẹ cân, tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở cặp vợ chồng thực hiện IVF/ICSI không có sự khác biệt ở 3 nhóm. Tuy nhiên có sự khác biệt giữa các nhóm về cân nặng trẻ khi sinh dựa trên chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng (DFI) (P < 0,001).
Ở nhóm IVF
  • Nhóm A (DFI <15%): 2824,9 ± 723,64 g
  • Nhóm B (DFI 15 – 30%): 2631,2 ± 701,39 g
  • Nhóm C ( DFI ≥ 30%): 2592,7 ± 678,52 g
Ở nhóm ICSI
  • Nhóm A (DFI <15%): 2852,3 ± 741,41 g
  • Nhóm B (DFI 15 – 30%): 2637,2 ± 711,28 g
  • Nhóm C ( DFI ≥ 30%): 2523,2 ± 692,77 g
  • Biểu đồ đường cong có mối tương quan thuận giữa tỷ lệ sẩy thai và DFI tinh trùng (OR 1,095; 95% KTC 1,068 – 1,123; P < 0,001). Ngoài ra, biểu đồ cũng cho thấy mối tương quan nghịch giữa cân nặng khi sinh và DFI tinh trùng (OR 0,913; 95% KTC 0,890 – 0,937; P < 0,001) (Hình 1).

Hình 1: Mối tương quan giữa chỉ số DFI với tỷ lệ sẩy thai và cân nặng của trẻ khi sinh
 
Kết luận: Nghiên cứu cho thấy chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng (DFI) có tác động đến cả tỷ lệ sẩy thai và cân nặng ở trẻ sơ sinh. Hơn nữa, dựa vào biểu đồ phân tích cho thấy mối tương quan thuận giữa tỷ lệ sẩy thai và chỉ số DFI tinh trùng, cũng như mối tương quan nghịch giữa cân nặng của trẻ sơ sinh và chỉ số DFI tinh trùng. Kết quả của nghiên cứu này có thể cung cấp thông tin có giá trị cho các bác sĩ lâm sàng trong việc tư vấn cho bệnh nhân về kết quả mang thai và sự an toàn cho con cái dựa trên chỉ số phân mảnh DNA của tinh trùng trong hỗ trợ sinh sản.
 
Nguồn: Li, F., Duan, X., Li, M., & Ma, X. (2024). Sperm DNA fragmentation index affect pregnancy outcomes and offspring safety in assisted reproductive technology. Scientific Reports14(1), 356.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK