Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 09-05-2024 10:41am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Trần Phương Duyên – IVFMD Tân Bình

GIỚI THIỆU
Kích thích buồng trứng có kiểm soát là một phần thiết yếu trong công nghệ hỗ trợ sinh sản (assisted reproductive technology –  ART). Nhờ những tiến bộ đáng kể trong ART, tỷ lệ thai lâm sàng, tỷ lệ làm tổ và tỷ lệ trẻ sinh sống trên mỗi lần chuyển phôi đã được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ sinh sống tích lũy (cumulative live birth rate – CLBR), được định nghĩa là trẻ sinh sống đầu tiên sau khi sử dụng tất cả phôi của cùng một chu kỳ chọc hút (bao gồm cả chu kỳ phôi tươi và trữ) thay đổi đồng bộ theo số noãn chọc hút được. CLBR có mối liên quan chặt chẽ với số lượng noãn thu được, với nghiên cứu cho thấy CLBR có thể đạt tới 70% ở phụ nữ chọc hút được 25 noãn.
 
Tuy nhiên, số lượng noãn tối ưu cần thiết để đạt được tỷ lệ trẻ sinh sống cao nhất ở phụ nữ lớn tuổi sau mỗi chu kỳ điều trị vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuổi tác là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công của ART. Phụ nữ trên 35 tuổi có tỷ lệ mang thai và tỷ lệ trẻ sinh sống thấp hơn đáng kể so với phụ nữ trẻ tuổi. Điều này là do chức năng buồng trứng và chất lượng noãn suy giảm theo độ tuổi. Phụ nữ lớn tuổi có khả năng thu được ít noãn hơn và có nguy cơ cao phôi lệch bội. Vì vậy, nghiên cứu này nhằm mục đích xác định mối tương quan giữa số lượng noãn thu được và tỷ lệ trẻ sinh sống tích lũy (CLBR) ở các nhóm tuổi khác nhau.
 
VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP
Đặc điểm bệnh nhân
Nghiên cứu hồi cứu 17.931 phụ nữ trải qua chu kỳ IVF/ ICSI. Tiêu chí nhận: chu kỳ IVF/ ICSI đầu tiên; có trẻ sinh sống từ chuyển phôi tươi hoặc đông lạnh hoặc không có trẻ sinh sống sau khi đã sử dụng toàn bộ phôi. Tiêu chí loại: chu kỳ IVF/ICSI không phải lần đầu; không thu được noãn; chu kỳ có xét nghiệm di truyền tiền làm tổ; chu kỳ đông lạnh noãn; không quay lại chuyển phôi.
  • Về độ tuổi của bệnh nhân chia thành 2 nhóm: Nhóm A (14.567 chu kỳ): phụ nữ ≤ 35 tuổi; Nhóm B (3364 chu kỳ): phụ nữ ≥ 36 tuổi. Nhóm B được chia thành ba mức tuổi: 36–37 tuổi (1361 chu kỳ), 38–39 tuổi (895 chu kỳ) và ≥ 40 tuổi (1108 chu kỳ).
  • Về số lượng noãn thu được phân thành 4 nhóm, nhóm a: 5 noãn, b: 6–9 noãn; c: 10–14 noãn; d: ≥ 15 noãn.

KẾT QUẢ
Phân tích dữ liệu của 17.931 phụ nữ trải qua chu kỳ IVF/ICSI đầu tiên cho thấy những điểm khác biệt đáng kể về đặc điểm lâm sàng và kết quả điều trị giữa nhóm phụ nữ dưới 35 tuổi và nhóm trên 35 tuổi
 
Đặc điểm lâm sàng:
  • Nhóm trên 35 tuổi:
    • Thời gian vô sinh dài hơn (5,0 ± 4,0 năm so với 3,3 ± 2,3 năm, p < 0,001).
    • Nồng độ FSH cơ bản cao hơn (8,4 ± 3,4 IU/L so với 7,1 ± 2,6 IU/L, p < 0,001).
    • Nồng độ E2 cơ bản cao hơn (43,0 ± 27,4 pg/mL so với 41,0 ± 28,2 pg/mL, p < 0,001).
Kết quả IVF/ICSI:
  • Nhóm trên 35 tuổi:
    • Tỷ lệ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cao hơn (71,6% so với 69,2%) (p < 0,01).
    • Số lượng noãn thu được thấp hơn so với nhóm dưới 35 tuổi (5,8 ± 4,6 so với 10,5 ± 6,5), nhưng tỷ lệ phôi chất lượng tốt cao hơn (49,1% so với 47,3%).
    • Tỷ lệ mang thai thấp hơn đáng kể (39,9% so với 61,0%, OR: 2,351; KTC 95%: 2,199–2,512; p < 0,001).
    • Tỷ lệ làm tổ thấp hơn (27,5% so với 44,8%, OR: 2,143; KTC 95%: 2,031–2,261; p < 0,001).
    • Tỷ lệ sinh sống thấp hơn (19,6% so với 37,2%, OR: 2,429; KTC 95%: 2,288–2,577; p < 0,001).


So sánh tỷ lệ mang thai và trẻ sinh sống tích lũy ở phụ nữ dưới và trên 35 tuổi

Tỷ lệ mang thai tích lũy (cumulative pregnancy rate – CPR) và tỷ lệ trẻ sinh sống tích lũy (CLBR)
  • Nhóm phụ nữ trên 35 tuổi có tỷ lệ CPR và CLBR thấp hơn đáng kể so với nhóm dưới 35 tuổi.
    • CPR: 45,0% so với 74,9% (OR: 3,639; KTC 95%: 3,367–3,932; P < 0,001).
    • CLBR: 34,4% so với 68,3% (OR: 4,125; KTC 95%: 3,811–4,466; P < 0,001).
  • CLBR tăng theo số lượng noãn thu được, nhưng giảm dần theo độ tuổi ở mỗi mức noãn nhất định.
Phân tích hồi quy logistic đa biến:
  • Phân tích hồi quy logistic đa biến cho thấy tuổi và số lượng noãn thu được là những yếu tố dự đoán độc lập cho CLBR, ngay cả sau khi điều chỉnh các yếu tố khác.
  • OR của CLBR giảm dần theo độ tuổi:
    • Nhóm 35 tuổi: 3,695 (KTC 95%: 2,960–4,611).
    • Nhóm 36-37 tuổi: 3,164 (KTC 95%: 2,563–3,906).
    • Nhóm 38-39 tuổi: 2,230 (KTC 95%: 1,785–2,786).
 
THẢO LUẬN
Kết quả của nghiên cứu này chỉ ra rằng CLBR tỷ lệ thuận với số lượng noãn thu được bất kể nhóm tuổi nào. Đáng chú ý, tuổi của phụ nữ có tác động tiêu cực đến mối tương quan giữa số lượng noãn thu được và CLBR. CLBR và noãn thu được thấp hơn khi độ tuổi càng tăng. Hơn nữa, phụ nữ lớn tuổi có tỷ lệ trẻ sinh sống (LBR) và tỷ lệ trẻ sinh sống tích lũy thấp hơn đáng kể trong chu kỳ chuyển phôi tươi hoặc trữ so với phụ nữ trẻ tuổi. CLBR giảm mạnh từ 68,3% ở nhóm ≤ 35 tuổi xuống 34,4% ở nhóm ≥ 36 tuổi, thậm chí có thể giảm xuống dưới 20% ở nhóm ≥ 40 tuổi.
 
Nghiên cứu này hoàn toàn phù hợp với hai nghiên cứu gần đây xem xét ảnh hưởng của số lượng noãn thu được cũng như số lần chuyển phôi trữ trên CLBR. Polyzos và cộng sự (2018) xác nhận rằng CLBR có thể đạt tới 70% khi số lượng noãn thu được nhiều hơn 25. Tuy nhiên, theo phân tích trong nghiên cứu này, CLBR có thể đạt đến mức 80% miễn là số lượng noãn thu được lớn hơn 25, tỷ lệ cao hơn do trẻ sinh sống tích lũy trong nghiên cứu chủ yếu đến từ chuyển phôi trữ. CLBR 88,9% ở nhóm ≤ 35 tuổi và 87,8% ở nhóm ≥ 36 tuổi. Kể từ khi kỹ thuật thủy tinh hóa ra đời, tỷ lệ phôi sống sau đông lạnh phôi là 97%, gần 60% tỷ lệ mang thai sau chuyển phôi trữ, 35% tỷ lệ thai làm tổ và 29% tỷ lệ trẻ sinh sống trên mỗi phôi.

Theo phân tích của nghiên cứu, tỷ lệ thụ tinh và tỷ lệ phôi chất lượng cao của IVF/ICSI ở nhóm ≤ 35 tuổi thấp hơn đáng kể so với nhóm ≥ 36 tuổi nhưng tỷ lệ thai lâm sàng, tỷ lệ tạo phôi, tỷ lệ sinh sống và CLBR lại cao hơn. Do đó, đối với những bệnh nhân lớn tuổi, việc tích lũy phôi qua nhiều chu kỳ là thật sự cần thiết, từ đó làm tăng cơ hội sinh con sống. Đáng chú ý, nguy cơ phôi lệch bội trong nghiên cứu này cho thấy sẽ tăng đáng kể sau 35–36 tuổi, điều này cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm tỷ lệ trẻ sinh sống tích lũy sau tuổi 35.

Như đã biết, số lượng noãn thu được và tuổi của bệnh nhân là những yếu tố độc lập quan trọng nhất ảnh hưởng đến CLBR. Phù hợp với các nghiên cứu khác, nghiên cứu này đã xác nhận tính chất độc lập của chúng sau khi kiểm soát các yếu tố gây nhiễu bao gồm “tỷ lệ thụ tinh”, “tỷ lệ phôi chất lượng tốt” và “phương pháp thụ tinh IVF/ ICSI”. Phân tích tương quan giữa số lượng noãn thu được và CLBR ở mỗi mức tuổi cho thấy số lượng noãn thu được có giá trị dự đoán tiềm năng CLBR. Đối với bệnh nhân ≤ 35 tuổi, CLBR có thể đạt hơn 60% miễn là số lượng noãn bào từ 6 đến 8; nhưng bệnh nhân ở độ tuổi 36–37 cần 9–13 noãn để đạt CLBR trên 60%. Đối với những bệnh nhân ở độ tuổi 38–39, CLBR trên 60% chỉ có thể đạt được khi số lượng noãn lớn hơn 14 trong khi CLBR ở những bệnh nhân ≥ 40 tuổi khó có thể đạt tới 60% ngay cả khi số noãn lớn hơn 14.

KẾT LUẬN
Tuổi và số lượng noãn thu được là hai yếu tố quan trọng độc lập ảnh hưởng đến tỷ lệ trẻ sinh sống tích lũy. Tỷ lệ trẻ sinh sống tích lũy ở bệnh nhân ≤ 35 tuổi có thể đạt trên 60% miễn là số lượng noãn thu được lớn hơn 6, cho thấy việc thực hành kiểm soát phác đồ kích thích buồng trứng để đảm bảo tỷ lệ trẻ sinh sống tối ưu là rất cần thiết. Tuy nhiên, những bệnh nhân lớn tuổi, đặc biệt là những người ≥ 38 tuổi, cần thu trên 14 noãn để đạt tỷ lệ trẻ sinh sống cao hơn. Vì vậy, đối với bệnh nhân lớn tuổi thực hiện nhiều chu kỳ và tích lũy phôi là hết sức cần thiết.

Tài liệu tham khảo
Wang P, Zhao C, Xu W, Jin X, Zhang S, Zhu H. The assoKTCation between the number of oocytes retrieved and cumulative live birth rate in different female age strata. SKTC Rep. 2023 Sep 4;13(1):14516. doi: 10.1038/s41598-023-41842-7. PMID: 37667038; PMKTCD: PMC10477298.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK