Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 10-05-2024 9:44am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH Nguyễn Lê Hữu Tài, Ths Nguyễn Huỳnh Cẩm Tú, Ths Nguyễn Huyền Minh Thụy – IVF Tâm Anh
 
Giới thiệu
Vô sinh nam chưa rõ nguyên nhân (Idiopathic Male Infertility - IMI) là những trường hợp nam giới suy giảm chất lượng tinh trùng nhưng chưa xác định được nguyên nhân. Hiện nay, IMI vẫn còn là một vấn đề khó chẩn đoán và điều trị. Khoảng 30% - 80% nam giới vô sinh có hiện tượng tăng các gốc oxi hóa tự do trong tinh trùng, ảnh hưởng đến khoảng 37,2 triệu nam giới vô sinh. Vì vậy, việc sử dụng chất chống oxi hóa (CCOH) để chống lại stress oxi hóa (Oxidative Stress – OS) trong điều trị vô sinh là một lựa chọn tiềm năng.
Nhiều nghiên cứu cho thấy tác dụng có lợi của CCOH lên các thông số tinh trùng. Mặc dù có rất nhiều thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên (Randomized Controlled Trials – RCT) chứng minh hiệu quả của CCOH khi so sánh với giả dược nhưng lại có rất ít nghiên cứu so sánh các CCOH với nhau và chỉ có một vài thông số tinh trùng được khảo sát. Thêm vào đó, các kết quả hiện tại chưa xác định được CCOH nào sẽ cho hiệu quả tốt hơn đối với thông số tinh trùng nhất định, cũng như hiệu quả đối với tỉ lệ mang thai vẫn chưa rõ ràng. Vì vậy, phân tích tổng hợp hệ thống này (Network Meta-Analysis – NMA) được thực hiện để làm rõ những vấn đề trên và tìm ra loại thuốc hiệu quả nhất cho IMI.
 
Phương pháp
Các RCT được tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu của PubMed, Embase, Web of Science và Cochrane Library. Hiêụ quả của việc sử dụng các CCOH được đánh giá dựa trên độ di động, mật độ, hình dạng tinh trùng và tỉ lệ mang thai. Giá trị SUCRA (Surface Under The Cumulative Ranking) được sử dụng để xếp hạng tương đối các phương pháp điều trị.

Kết quả
Nghiên cứu tổng hợp trên 1.917 bệnh nhân với 23 nghiên cứu được thực hiện từ năm 1998 đến 2017 và 10 CCOH bao gồm L-Carnitine (LC), L-Carnitine+L-Acetylcarnitine (LC+LAC), Coenzym Q10 (Q10), Acid béo ω-3 (ω-3), Selen (Se), kẽm, vitamin C+vitamin E (C+E), folic, và N-axetyl-cystein. Tất cả các bệnh nhân được chẩn đoán IMI với các thông số tinh dịch đồ bất thường.
 
Độ di động của tinh trùng được báo cáo trong 18 RCT so sánh CCOH với giả dược. Kết quả cho thấy các CCOH sau giúp tăng độ di động của tinh trùng: LC: 6,52% (95% CI 2,55% - 10,50%); Q10: 4,92% (95%: CI 1,49% - 8,35%); LC+LAC: 4,21% (95% CI: 0,21% - 8,21%); ω-3: 4,21% (95% CI: 0,21% - 8,21%). Các CCOH còn lại không cho thấy sự khác biệt so với giả dược. Dựa trên giá trị SUCRA, LC cho hiệu quả tăng khả năng di động của tinh trùng cao nhất (87,2/2,2), tiếp theo là Q10 (73,1/3,4) và LC+LAC (64,0/4,2).
Mật độ tinh trùng được báo cáo trong 19 RCT. Chỉ có ω-3 giúp tăng đáng kể mật độ tinh trùng: 9,89×106/ml (95% CI: 7,01 - 12,77×106/ml). ω-3 có giá trị SUCRA cải thiện mật độ tinh trùng cao nhất (98,6/1,1).
 
Hình dạng tinh trùng được đề cập trong 14 RCT, chỉ có LC có hiệu quả điều trị 3,86% (95% CI: 0,91% - 7,53%). Mặt khác, trong LC có folic là có tác dụng vượt trội so với CCOH khác: 4,96% (95% CI: 0,20% - 9,73%). LC có giá trị SUCRA cao nhất (83,6/2,5).
 
Tác động của CCOH lên tỉ lệ thai sau điều trị được ghi nhận trong 12 RCT với 5 chất chống oxi khác nhau. Trong đó LC+LAC và CoQ10 được xếp hạng cao về hiệu quả điều trị nhưng không có ý nghĩa thống kê.
 
Bàn luận
Nghiên cứu này cho thấy LC là chất chống oxi hoá điều trị hiệu quả nhất để tăng khả năng di động của tinh trùng. LC và LAC giúp tăng cường chuyển hóa năng lượng nên có vai trò quan trọng đối với quá trình sinh tinh, sự trưởng thành và độ di động của tinh trùng.
 
Axit béo ω-3 là chất chống oxi hoá hiệu quả nhất giúp tăng mật độ tinh trùng. ω-3 có tác dụng chống viêm và chống oxi hóa, có khả năng bảo vệ thành phần và chức năng của màng tế bào. Hơn nữa, việc thụ tinh thành công của tinh trùng có liên quan đến thành phần lipid của màng tinh trùng.
 
LC có hiệu quả điều trị có ý nghĩa thống kê trong cải thiện hình thái tinh trùng, CoQ10 và ω-3 có tác dụng tương đương giả dược. Tuy nhiên, khi phân tích tổng hợp theo cặp cho thấy ω-3 và CoQ10 có hiệu quả có ý nghĩa thống kê so với giả dược. Cần nhiều RCT hơn để xác minh hiệu quả điều trị lên hình thái tinh trùng của ω-3 và CoQ10.
 
Tỉ lệ thai là chỉ số quan trọng để đánh giá hiệu quả của CCOH trong cải thiện khả năng sinh sản của nam giới, chỉ có 12 RCT đề cập đến kết quả này tuy nhiên không có khác biệt ý nghĩa thống kê.
 
Các RCT và phân tích tổng hợp trước đây không phân tích liều lượng, cách dùng và thời gian tối ưu của các CCOH vì thế cho đến nay vẫn chưa có phác đồ tối ưu.
 
Kết luận
Nghiên cứu cho thấy so với các chất chống oxi hoá khác thì LC được đánh giá cao về khả năng cải thiện độ di động và hình thái tinh trùng, axit béo ω-3 giúp tăng mật độ tinh trùng, coenzym Q10 tăng khả năng di động và mật độ tinh trùng. Tuy nhiên, cần thêm nghiên cứu để chứng minh hiệu quả của các CCOH khác nhau lên tỉ lệ thai.
 
Nguồn: Li KP, Yang XS, Wu T. The effect of antioxidants on sperm quality parameters and pregnancy rates for idiopathic male infertility: a network meta-analysis of randomized controlled trials. Frontiers in Endocrinology. 2022 Feb 21; 13:810242.
https://doi.org/10.3389/fendo.2022.810242
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK