Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 10-05-2024 9:50am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Liên Mỹ Dinh – IVFMDSIH - Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn
 
Giới thiệu
Vào hơn 40 năm trước, chu kỳ cho - nhận noãn đầu tiên thành công có trẻ sinh sống đã tạo tiền đề cho việc hiến tặng noãn trở nên phổ biến và được tiếp cận nhiều hơn. Vào năm 2019, các chu kỳ cho nhận noãn đã chiếm khoảng 13% trong toàn bộ chu kỳ hỗ trợ sinh sản ở Hoa Kỳ với tỉ lệ trẻ sinh sống khoảng 40% - 45% (dựa trên số liệu báo cáo của Hiệp hội Hỗ trợ sinh sản – SART vào năm 2019). Để một chu kỳ cho-nhận noãn được thành công, việc sàng lọc người cho noãn là phụ nữ trẻ, khoẻ, được dự đoán sẽ đáp ứng tốt với kích thích buồng trứng được xem là việc quan trọng. Chỉ số hormone antimüllerian (AMH) được sử dụng để sàng lọc vì đây là thước đo gián tiếp và đáng tin cậy về dự trữ buồng trứng (DTBT) và còn giúp dự đoán được mức độ đáp ứng với kích thích buồng trứng (KTBT). Mặc dù việc sàng lọc người cho noãn là quan trọng , tuy nhiên, từ góc độ người nhận, kết quả quan trọng nhất có thể kể đến là số lượng phôi hữu dụng và kết quả thai kỳ thuận lợi sau chuyển phôi (embryo transfer – ET).
 
Nghiên cứu vào năm 2020 ở các chu kỳ cho-nhận noãn cho thấy mối liên hệ nghịch giữa việc nhiều noãn thu nhận được từ người cho và tỉ lệ noãn sống sau rã đông, được thụ tinh và phát triển thành phôi hữu dụng. Những phát hiện này có thể được giải thích bởi sự tác động tiêu cực của việc  KTBT mạnh lên chất lượng của noãn và/hoặc chất lượng noãn vốn thấp sẵn ở những BN có đáp ứng với KTBT cao.
 
Nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá mối liên quan giữa chỉ số AMH của người cho noãn và tỷ lệ thai diễn tiến (Ongoing pregnancy rate – OPR), cũng như kết quả phát triển phôi từ noãn đông lạnh-rã đông của người cho. Ngoài ra để đánh giá sâu hơn, nghiên cứu tiến hành xem xét liệu chỉ số AMH cao và những thay đổi liên quan đến nội tiết tố có làm thay đổi chất lượng noãn hay không, BN được xét nghiệm di truyền tiền làm tổ để tìm thể lệch bội (PGT-A) và đánh giá kết quả thai ở người nhận sau khi PGT-A.
 
Vật liệu và phương pháp
Đây là nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu trên các chu kỳ cho-nhận noãn đông lạnh sử dụng dữ liệu quốc gia liên kết từ một ngân hàng noãn lớn vào năm 2013 đến năm 2021 (sau khi đã được chấp thuận).
 
Nghiên cứu chỉ lấy số liệu ở lần nhận lô noãn đầu tiên ( người nhận noãn lần 2 từ cùng người cho hoặc nhận từ người cho khác sau khi IVF thất bại ở người cho đầu tiên sẽ bị loại trừ). Một lô noãn đơn chứa từ 6-7 noãn hiến tặng. Kết quả thai cũng được lấy chỉ ở lần chuyển phôi đầu tiên bất kể là chuyển phôi tươi hay đông lạnh. Sự phát triển phôi và kết quả thai ở người nhận noãn được phân loại dựa trên các chỉ số AMH của người cho noãn như sau: AMH của người hiến ≥ 5 ng/mL : nhóm AMH cao ; AMH của người hiến <5 ng/mL: nhóm chứng. Điểm cut-off ở mức AMH ≥ 5 ng/mL được lựa chọn dựa trên các nghiên cứu trước đó và biểu đồ của phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có rụng trứng bình thường.
 
Các đặc điểm cơ bản của người cho bao gồm độ tuổi từ 21-33 tuổi, không hút thuốc, xét nghiệm DTBT bình thường (chỉ số AMH  ≥ 1 ng/mL, chỉ số nang noãn thứ cấp AFC ≥ 16), chỉ số khối ≤ 30 kg / m2. Những người cho noãn được sàng lọc bằng cách khai thác tiền sử bệnh của gia đình nhiều thế hệ, sàng lọc người mang mầm bệnh mở rộng, bệnh truyền nhiễm, xét nghiệm việc sử dụng thuốc kích thích và đánh giá tâm lý.
 
Kết quả
Tổng cộng có 3.871 chu kỳ hiến tặng noãn đông lạnh-rã đông đã được đưa vào phân tích. Cụ thể có 1.821 (47,1%) người cho noãn thuộc nhóm AMH cao và 2.050 (52,9%) BN còn lại thuộc nhóm chứng. Số lượng phôi hữu dụng trên mỗi lô noãn tăng đáng kể ở nhóm AMH cao so với nhóm chứng. Thống kê cho thấy rằng mỗi đơn vị AMH tăng sẽ tăng 1% số lượng phôi hữu dụng. Tuy nhiên, nhìn chung trong nhóm những người nhận noãn ET theo kế hoạch ở lần đầu tiên cho thấy không có sự khác biệt về tỷ lệ OPR giữa nhóm AMH cao (45,4%) và nhóm chứng (43,5%). Về nhóm BN xét nghiệm PGT-A (13,3% BN thuộc nhóm AMH cao và 15,4% thuộc nhóm chứng trong tổng số chu kỳ được phân tích) cho thấy tỷ lệ lệch bội ở phôi là tương tự nhau ở mức 66,7% (50%–100%) ở cả hai nhóm. Tỷ lệ OPR trên mỗi chu kỳ ET ở những BN làm xét nghiệm PGT-A cũng tương đương nhau, ở mức 52% ở nhóm AMH cao và 54,1% ở nhóm chứng.
 
Kết luận
Tác giả bài báo cho rằng có 2 vấn đề quan trọng trong quá trình chọn người hiến noãn. Đầu tiên là tầm quan trọng của DTBT cao ở người cho noãn và ý nghĩa của nó đối với sự phát triển phôi. Hiện tại vẫn chưa biết liệu có một ''ngưỡng sinh học'' cho số lượng noãn KTBT được ở người có DTBT cao hoặc liệu noãn có nguồn gốc từ chu kỳ KTBT cao có bị suy giảm khả năng trưởng thành và phát triển thành phôi hay không. Nghiên cứu này đã cho thấy mối liên hệ thuận giữa mức AMH cao của người hiến và số lượng phôi hữu dụng. Vấn đề thứ hai được đề cập là liệu DTBT cao ở những người hiến tặng noãn có liên quan đến kết quả thai của người nhận hay không. Kết cục của nghiên cứu này phù hợp với các nghiên cứu trước đây cho rằng tỷ lệ thai sau lần ET đầu không liên quan đến AMH của người hiến noãn. Các nghiên cứu trước đây cho thấy rằng DTBT cao dẫn đến tỉ lệ làm tổ, thai lâm sàng, tỉ lệ sinh sống thấp hơn vì một vài lý do như tỉ lệ huỷ bỏ chu kỳ chuyển phôi cao trước nguy cơ quá kích buồng trứng; hoặc do môi trường nội tiết tố bị thay đổi đáng kể trong quá trình kích thích ở những BN có AMH cao có thể ảnh hưởng đến sự phát triển nang noãn, dẫn đến suy giảm chất lượng tế bào noãn và phôi; hoặc do sự thay đổi khả năng tiếp nhận của nội mạc tử cung. Việc báo cáo này nghiên cứu trên đối tượng người cho noãn có thể đánh giá mối liên quan giữa nồng độ AMH cao, chất lượng noãn và kết quả thai mà không bị chi phối bởi các nguyên nhân trên.
 
Nghiên cứu này có một vài điểm mạnh có thể kể đến như: quy mô đoàn hệ lớn, sử dụng mô hình ngân hàng noãn. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng có một vài hạn chế như: dữ liệu chỉ bao gồm số liệu về thai diễn tiến và không bao gồm tỉ lệ sinh sống, noãn hiến từ ngân hàng noãn nên tác giả không kiểm soát được tiêu chuẩn đầu vào của người hiến (tình trạng phụ khoa như hội chứng PCOS), chỉ số AMH được xét nghiệm từ các labo khác nhau dẫn đến sự dao động về kết quả.
 
Tóm lại, nghiên cứu này cho thấy rằng noãn từ người hiến có chỉ số AMH cao có tỉ lệ OPR tương đương với noãn từ người hiến có AMH < 5 ng/ mL. Ngoài ra, AMH của người cho noãn cao có liên quan đến số lượng phôi hữu dụng tăng đáng kể. Từ những kết quả trên đã gợi ý rằng những người cho noãn có AMH cao có thể được kỳ vọng sẽ mang lại kết quả ít nhất là tốt như những người hiến noãn có AMH <5 ng/mL. Hơn nữa, những người cho noãn có AMH cao thậm chí có thể được ưu tiên sử dụng ngân hàng noãn do tổng số noãn trưởng thành và số phôi hữu dụng sẽ tăng lên mà không có sự suy giảm rõ ràng về khả năng sinh sản của phôi.
 
Nguồn: Sarkar P, Zalles L, Caswell W, Stratton M, Devine K, Harris BS, Romanski PA. Optimal antimüllerian hormone levels in oocyte donors: a national database analysis. Fertil Steril. 2024 Feb;121(2):221-229. doi: 10.1016/j.fertnstert.2023.11.003. Epub 2023 Nov 8. PMID: 37949348.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK