Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 10-05-2024 9:49am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CVPH. Lê Thị Quỳnh – IVFMD SIH – Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn

TỔNG QUAN
Việc lựa chọn phôi có tiềm năng làm tổ cao nhất là rất quan trọng trong phòng thí nghiệm IVF, chủ yếu dựa trên các đặc điểm phát triển và hình thái theo sự đồng thuận Istanbul (2011). Nuôi cấy phôi kéo dài hiện được coi là lựa chọn không xâm lấn tốt nhất để chọn lọc phôi. Mặc dù được sử dụng trong thực hành lâm sàng thường quy trên toàn thế giới, nhưng vẫn còn tranh cãi về lợi ích của việc nuôi cấy phôi kéo dài và chuyển phôi giai đoạn phôi nang (ngày 5/6 – N5/6) so với chuyển phôi giai đoạn phôi phân chia (ngày 3 – N3).
Có hai lập luận chính ủng hộ việc nuôi cấy phôi kéo dài. Chuyển phôi nang (N5/6) có thể cải thiện tính đồng bộ của tử cung và phôi, dẫn đến tỷ lệ làm tổ cao hơn. Thứ hai, chỉ những phôi có khả năng sống sót cao nhất mới có thể phát triển thành phôi nang, điều đó có nghĩa là do quá trình tự chọn lọc, phôi nang có khả năng làm tổ cao hơn so với phôi ở giai đoạn phân chia. Bên cạnh đó, có hai nhược điểm trong quá trình nuôi cấy phôi kéo dài: (1) Các cặp vợ chồng được tư vấn nuôi cấy phôi nang có tỷ lệ hủy chuyển phôi cao hơn do phôi không phát triển và (2) số lượng phôi được đông lạnh giảm.

Chuyển phôi nang giúp rút ngắn thời gian mang thai hơn so với chuyển phôi phân chia. Tuy nhiên việc đông lạnh phôi phân chia lại giúp bệnh nhân (BN) có nhiều lần chuyển phôi hơn nhưng việc này có thể làm tăng thêm gánh nặng về chi phí cho bệnh nhân. Mặt khác, tỷ lệ hủy chuyển phôi tăng lên khi chuyển phôi nang cũng có thể gây tổn hại về mặt cảm xúc cho BN.

Trong nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng này (RCT), nhóm nghiên cứu so sánh tỷ lệ thai tích lũy của hai chiến lược: BN sẽ được chuyển phôi tươi N3, sau đó phôi dư N3 sẽ được trữ đông, hoặc được nuôi tiếp và trữ vào N5/6.

VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP
Lựa chọn BN
Các BN tham gia vào nghiên cứu được sàng lọc từ tháng 1 năm 2018 cho đến tháng 8 năm 2020. BN ở lại nghiên cứu cho đến khi có thai lâm sàng. Trường hợp không có thai lâm sàng, BN tiếp tục ở lại cho đến khi tất cả phôi tươi và phôi đông lạnh của các chu kỳ IVF đã được chuyển hoặc cho đến khi BN muốn ngừng nghiên cứu.

Tiêu chuẩn BN tham gia nghiên cứu: <38 tuổi, sử dụng noãn tự thân, có kế hoạch điều trị IVF/ICSI, có nồng độ FSH và AMH bình thường. Những BN muốn sinh thiết phôi, có BMI >30 và lạc nội mạc tử cung giai đoạn III hoặc IV đều bị loại trừ.

Sau khi đồng thuận, BN được phân chia nhóm ngẫu nhiên bằng hệ thống máy tính. Sau khi được chọn và phân bổ vào một nhóm, số phôi dư sẽ được trữ lại vào N3 hoặc nuôi tiếp để trữ vào N5/6 tương ứng. Việc chuyển phôi tươi ở cả hai nhóm được thực hiện vào ngày thứ 3.

KẾT QUẢ
Đặc điểm BN và điều trị
Từ tháng 1 năm 2018 đến tháng 8 năm 2020, 161 BN đã đồng ý và được chọn ngẫu nhiên và phân bổ vào nhóm Thủy tinh hóa N3 (n = 80) hoặc nhóm Thủy tinh hóa N5/6 (n = 81). Sau đó, 7 BN đã bị loại khỏi phân tích do không đáp ứng các tiêu chí nhận. Có 154 BN được đưa vào phân tích: 77 BN ở nhóm Thủy tinh hóa N3 và 77 BN ở nhóm Thủy tinh hóa N5/6.

Cuối cùng, có 125 BN ở lại nghiên cứu cho đến khi chuyển toàn bộ phôi tươi và đông lạnh của 2 chu kỳ IVF liên tiếp hoặc cho đến khi có thai lâm sàng. Trong đó, 29/154 BN đã rời khỏi nhóm phân tích sau khi không có thai ở chu kỳ đầu tiên sau tất cả các lần chuyển phôi tươi và đông lạnh.
Phần lớn BN đang trong chu kỳ IVF đầu tiên khi bắt đầu nghiên cứu: 55/77 (70,5%) ở nhóm Thủy tinh hóa N3 so với 59/77 (76,6%) ở nhóm Thủy tinh hóa N5/6. Tuổi trung bình của nữ ở lần IVF đầu tiên là 31 tuổi ở cả hai nhóm (31,5 ± 3,6 so với 31,6 ± 3,5).
Tổng cộng có 255 chu kỳ chuyển phôi trữ được đưa vào phân tích: 140 chu kỳ ở nhóm Thủy tinh hóa N3 và 115 chu kỳ ở nhóm Thủy tinh hóa N5/6.

Kết quả lâm sàng của chuyển phôi tươi và chuyển phôi trữ
Đến tháng 12 năm 2021, 233 ca chuyển (96 tươi + 137 đông lạnh) ở 77 BN đã được thực hiện trong nhóm Thủy tinh hóa N3 và 201 ca chuyển (88 tươi + 113 đông lạnh) đã được thực hiện trong nhóm Thủy tinh hóa N5/6.
Chuyển phôi tươi được thực hiện vào ngày thứ 3 ở cả hai nhóm nghiên cứu. Tỷ lệ thai diễn tiến ở nhóm Thủy tinh hóa N3 (24,0%) cao hơn so với nhóm Thủy tinh hóa N5/6 (18,2%). Chuyển phôi trữ ở giai đoạn phôi nang (nhóm Thủy tinh hóa N5/6) có tỉ lệ thai diễn tiến cao hơn (28/113 (24,8%)) so với giai đoạn phôi phân chia (nhóm Thủy tinh hóa N3) (19/137 (13,9%); P < 0,05).

KẾT LUẬN
Nuôi cấy phôi kéo dài và chuyển phôi giai đoạn phôi nang được áp dụng tốt ở các phòng khám hỗ trợ sinh sản trên toàn thế giới nhưng vẫn chưa rõ liệu phương pháp này có cải thiện tỷ lệ thai tích lũy hay không. Tỷ lệ thai tích lũy cung cấp đánh giá thực tế hơn về tỷ lệ thành công bằng cách chuyển tất cả phôi tươi và phôi đông lạnh. Trong nghiên cứu này, tỷ lệ thai tích lũy tương tự nhau ở nhóm Thủy tinh hóa N3 (57,3%) và nhóm Thủy tinh hóa N5/6 (57,8%). Đây là nghiên cứu RCT đầu tiên báo cáo tỷ lệ thai tích lũy và sử dụng phương pháp thủy tinh hóa làm phương pháp bảo quản lạnh. Trước đây không có nghiên cứu RCT nào chứng minh sự khác biệt về tỷ lệ thai tích lũy giữa chuyển phôi giai đoạn phân chia và giai đoạn phôi nang.
Trong phân tích này, nhóm tác giả đã cho thấy kết quả tỷ lệ thai tích lũy cao hơn ở nhóm N5, tuy nhiên sự khác biệt với nhóm N3 là không đáng kể. Một trong những điểm mạnh của RCT này là thiết kế nghiên cứu trong đó BN được chọn ngẫu nhiên trước khi bắt đầu chu kỳ, bất kể số lượng noãn, hợp tử hay phôi chất lượng tốt vào N3.

Mặc dù không có sự khác biệt đáng kể giữa cả hai nhóm nhưng chiến lược N5/6 được nhận định hiệu quả hơn. Mặt khác, về tỷ lệ phôi hữu dụng và cơ hội mang thai mỗi phương pháp điều trị mang lại, ở nhóm Thủy tinh hóa N3 cao hơn đáng kể so với nhóm Thủy tinh hóa N5/6. Điều này có thể được giải thích bằng quá trình tự chọn lọc: chỉ những phôi có khả năng sống sót cao nhất mới phát triển thành phôi nang. Mặc dù số lần chuyển phôi cần thiết để có thai diễn tiến không khác biệt đáng kể, tuy nhiên nếu phôi dư được thủy tinh hóa vào N5/6 sẽ có nhiều cơ hội mang thai hơn phôi dư được thủy tinh hóa vào N3.

Đối với quan điểm của các trung tâm hỗ trợ sinh sản, cần thiết giảm gánh nặng tài chính cho BN bằng cách tập trung vào việc đạt được kết quả tốt, do đó chiến lược thủy tinh hóa N5/6 có thể được ưu tiên.

Tài liệu tham khảo: A Mengels et al., Cumulative pregnancy rates of two strategies: Day 3 fresh embryo transfer followed by Day 3 or Day 5/6 vitrification and embryo transfer: a randomized controlled trial, Human Reproduction, Volume 39, Issue 1, January 2024, Pages 62–73.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK