Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Sunday 19-05-2024 12:40pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. Trương Quốc Thịnh, ThS. Nguyễn Huyền Minh Thuỵ - IVF Tâm Anh

Giới thiệu
Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, ngày càng nhiều phòng lab IVF ứng dụng công nghệ nuôi cấy phôi liên tục, có tích hợp hệ thống camera (công nghệ timelapse-TL) cung cấp hình ảnh phôi dưới dạng video, giúp các chuyên viên phôi học có thể xem lại và đánh giá phôi tốt hơn, tránh bị lỡ mất các mốc sự kiện quan trọng trong quá trình phát triển của phôi. Ngoài ra, phôi được giữ ổn định trong điều kiện nuôi cấy liên tục mà không bị mang ra ngoài để đánh giá như phương pháp truyền thống, tránh tác động xấu từ việc thay đổi nhiệt độ, nồng độ khí và pH môi trường. Bên cạnh đó, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đánh giá tiềm năng phát triển phôi cũng là một bước tiến mạnh mẽ giúp nâng cao kết quả điều trị lâm sàng. Tuy nhiên, các chứng cứ khoa học hiện nay vẫn chưa đủ tin cậy để chứng minh hiệu quả của hệ thống nuôi cấy phôi liên tục hoặc hệ thống lựa chọn phôi dựa trên trí tuệ nhân tạo. Vì vậy, mục tiêu của nghiên cứu này là so sánh hiệu quả lâm sàng của hệ thống timelapse và thuật toán lựa chọn phôi tự động so với hệ thống nuôi cấy phôi truyền thống.

Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên, mù đôi trên ba nhóm đối tượng, được thực hiện ở 15 trung tâm IVF tại Hà Lan. Các cặp vợ chồng thực hiện thụ tinh ống nghiệm, có chuyển phôi tươi đơn phôi và được phân phối ngẫu nhiên vào 3 nhóm: nhóm 1 nuôi cấy liên tục trong tủ timelapse Geri+, có kết hợp đánh giá phôi bằng hệ thống đánh giá khả năng sống củaphôi giai đoạn sớm (early embryo viability assessment -  EEVA) (nhóm TLE; n = 577); nhóm 2 nuôi cấy trong tủ timelapse Geri+ và đánh giá hình thái phôi thông qua camera (nhóm TLR; n = 579); nhóm 3 nuôi cấy và đánh giá hình thái phôi thường quy bên ngoài tủ cấy (nhóm đối chứng; n = 575). Phôi được nuôi cấy đến ngày 3, được đánh giá chất lượng và lựa chọn 1 phôi tốt nhất để chuyển phôi tươi, các phôi còn lại được trữ lạnh cho các chu kỳ sau.

Kết quả
Tỉ lệ thai diễn tiến cộng dồn trong 12 tháng đầu không có sự khác biệt ở 3 nhóm nghiên cứu (nhóm TLE là 50,8%, nhóm TLR là 50,9% và nhóm chứng là 49,4% (p = 0,85)). Ở nhóm bệnh nhân có tiên lượng tốt, tỉ lệ thai diễn tiến sau chuyển đơn phôi tươi của nhóm TLE, TLR và nhóm đối chứng cũng không có sự khác biệt, lần lượt là 38,2%, 36,8% và 37,9% (p = 0,9). Không có sự khác biệt trong thời gian chờ đến khi có thai giữa 3 nhóm (p = 0,96).
Khi phân nhóm theo độ tuổi bệnh nhân nữ thì ở nhóm tuổi bệnh nhân lớn tuổi ( ³ 39 tuổi), tỉ lệ thai diễn tiến cộng dồn ở nhóm TLE là 40%, nhóm TLR là 23,7% và nhóm chứng là 31,5%. Trong độ tuổi này, nhóm TLE có tỉ lệ thai diễn tiến cộng dồn cao hơn nhóm TLR với OR 2,10 (95% KTC 1,05 – 4,21), và cao hơn nhóm chứng với OR 1,44 (95% KTC 0,76 – 2,71). Tỉ lệ thai diễn tiến cộng dồn giữa nhóm TLR với nhóm chứng không có sự khác biệt. Nghiên cứu cũng không ghi nhận sự khác biệt đáng kể ở hai nhóm tuổi dưới 35 và từ 35 đến 39 tuổi.

Bàn luận
Khi so sánh giữa nhóm TLE và TLR, các phôi ở cả 2 nhóm đều được áp dụng điều kiện nuôi cấy liên tục timelapse. Điểm khác nhau là ở nhóm TLE được đánh giá phôi bằng thuật toán tự động EEVA, còn nhóm TLR đánh giá hình thái phôi thông qua camera. Công nghệ nuôi cấy phôi liên tục timelapse và hệ thống lựa chọn phôi tự động EEVA được cho là giúp làm tăng kết quả điều trị lâm sàng. Tuy nhiên, tỉ lệ có thai sau chuyển phôi tươi, tỉ lệ thai diễn tiến cộng dồn và khoảng thời gian chờ đến khi có thai giữa 2 nhóm này không có sự khác biệt. Tương tự, khi so sánh giữa nhóm TLR là nhóm nuôi cấy liên tục trong timelapse và nhóm đối chứng là nhóm nuôi cấy phôi gián đoạn, nghiên cứu cũng không ghi nhận sự khác biệt trong tỉ lệ thai diễn tiến cộng dồn và tỉ lệ trẻ sinh sống. Trong một nghiên cứu phụ ở nhóm TLE, 62% trường hợp chuyên viên phôi học có quyết định phôi chuyển giống với thuật toán EEVA. Điều này cho thấy bộ tiêu chuẩn lựa chọn phôi chuyển dựa vào hình thái đã được tối ưu và hiệu quả. Cộng với việc phần lớn phôi chuyển đều được lựa chọn từ những phôi tốt, nên có thể giải thích cho việc tỉ lệ lâm sàng không có sự khác biệt giữa các nhóm
.
Điểm mạnh của nghiên cứu là thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên với số liệu lớn, đa trung tâm, nghiên cứu trên 3 nhóm đối tượng. Một điểm mạnh khác là nghiên cứu được thực hiện ở 15 trung tâm IVF, cùng sử dụng tủ timelapse Geri+, tuy nhiên hiệu chỉnh về nồng độ khí CO2 và nhiệt độ, cũng như là vật tư tiêu hao, môi trường nuôi cấy, quy trình thường quy, phương pháp đông lạnh khác nhau. Điều đó mang đến sự đa dạng cho nghiên cứu, mô phỏng quy trình nuôi cấy thường quy có sự khác biệt giữa các trung tâm. Tuy nhiên nghiên cứu không ghi nhận sự khác biệt giữa kết quả của 3 nhóm ở từng trung tâm.

Điểm hạn chế của nghiên cứu là chỉ áp dụng thuật toán EEVA để đánh giá trên những phôi tốt của nhóm TLE mà không phải là tất cả phôi, cũng như chỉ đánh giá đến ngày 3 của phôi. Bên cạnh đó, nghiên cứu chỉ mới thử nghiệm trên một loại tủ timelapse duy nhất, và gợi ý cần mở rộng phạm vi nghiên cứu do mỗi hệ thống nuôi cấy và thuật toán đánh giá phôi có các điều kiện áp dụng khác nhau.

Kết luận
Tỉ lệ thai diễn tiến cộng dồn và tỉ lệ trẻ sinh sống không có sự khác nhau giữa 3 nhóm nghiên cứu. Điều này đặt dấu hỏi về tính hiệu quả khi ứng dụng rộng rãi công nghệ nuôi cấy phôi liên tục timelapse và hệ thống lựa chọn phôi tự động nhằm làm cải thiện kết quả lâm sàng. Hơn nữa,về mặt tài chính, việc đầu tư hệ thống trên cũng cần được cân nhắc vì sẽ làm tăng cao chi phí điều trị của bệnh nhân.

Nguồn: Kieslinger DC, Vergouw CG, Ramos L, et al. Clinical outcomes of uninterrupted embryo culture with or without time-lapse-based embryo selection versus interrupted standard culture (SelecTIMO): a three-armed, multicentre, double-blind, randomised controlled trial. The Lancet. 2023 Apr 29;401(10386):1438-46.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK