Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 03-06-2024 12:28am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. Nguyễn Thị Thu Thảo - IVFMD Bình Dương

Ngày nay, mối quan hệ giữa lối sống, sức khỏe sinh sản và khả năng sinh sản ngày càng được quan tâm. Những năm gần đây, trong bối cảnh xã hội thay đổi, xu hướng trì hoãn làm mẹ ngày càng tăng, nhiều phụ nữ chọn cách đợi đến tuổi 30 hoặc 40 mới sinh con đầu lòng. Theo Viện Thống kê Quốc gia, độ tuổi trung bình của các bà mẹ Tây Ban Nha vào năm 2021 là 33,05 tuổi, cao hơn mức trung bình của châu Âu là 29,5 tuổi. Dữ liệu được thu thập này cũng chứng thực xu hướng trì hoãn làm mẹ ở Tây Ban Nha ngày càng tăng. Hơn nữa, ngày càng có nhiều cặp vợ chồng được chẩn đoán vô sinh hoặc các tình trạng gây khó khăn cho việc mang thai. Vô sinh ảnh hưởng đến khoảng 15% đến 20% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản ở các nước phát triển. Ở Tây Ban Nha, cứ sáu cặp vợ chồng thì có một cặp gặp vấn đề về khả năng sinh sản, điều này được phản ánh qua nhu cầu ngày càng tăng về các thủ thuật công nghệ hỗ trợ sinh sản (assisted reproductive technology - ART) trong những năm gần đây. Mối lo ngại về tỷ lệ vô sinh ngày càng tăng đã tăng cường nghiên cứu về nguyên nhân môi trường gây vô sinh, mặc dù hầu hết các nghiên cứu cho đến nay đều tập trung vào ảnh hưởng của vô sinh nam và các vấn đề liên quan đến tinh trùng. Nguyên nhân chính gây vô sinh ở nữ là không rụng trứng, lạc nội mạc tử cung, rối loạn ống dẫn trứng, dính vùng chậu, dị tật tử cung và giảm dự trữ buồng trứng.
 
Dự trữ buồng trứng đề cập đến số lượng và chất lượng noãn và là một chỉ số về khả năng sinh sản. Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất để đạt được thai kỳ tự nhiên và là yếu tố dự báo mạnh mẽ về thành công của điều trị ART. Dự trữ buồng trứng có mối tương quan nghịch với tuổi theo thời gian của người mẹ, yếu tố chính quyết định khả năng sinh sản và thành công. Lão hóa sinh sản tăng tốc sau tuổi 35. Vì vậy, đánh giá dự trữ buồng trứng là một bước quan trọng trong việc đánh giá và điều trị vô sinh. Các dấu hiệu dự trữ buồng trứng bao gồm số lượng nang noãn thứ cấp đầu chu kỳ (antral follicle count - AFC) và nồng độ trong huyết thanh của nhiều dấu ấn sinh học khác nhau, chẳng hạn hormone kháng ống Muller (anti-Müllerian hormone - AMH), hormone kích thích nang noãn (follicle-stimulating hormone - FSH), hormone kích thích hoàng thể (luteinizing hormone - LH) và estradiol (E2). Mặc dù những dấu hiệu này dễ đo lường nhưng một số nghiên cứu đã tìm hiểu nguyên nhân làm giảm dự trữ buồng trứng. Các yếu tố phổ biến liên quan đến việc giảm số lượng và chất lượng noãn là những thay đổi về di truyền, tình trạng phụ khoa chẳng hạn như lạc nội mạc tử cung, khối u, nhiễm trùng, phẫu thuật buồng trứng và rối loạn ăn uống, chẳng hạn như chán ăn tâm lý. Nghiên cứu gần đây cũng nhấn mạnh những tác động tiềm tàng của các yếu tố môi trường và lối sống, chẳng hạn như stress mãn tính, tiếp xúc với một số chất gây rối loạn nội tiết, chế độ ăn uống và tình trạng dinh dưỡng.
 
Tình trạng dinh dưỡng được đánh giá bằng cách sử dụng một loạt các thông số bao gồm chỉ số khối cơ thể (body mass index - BMI), thành phần mỡ trong cơ thể, số đo cơ thể và số đo vòng eo hoặc tỷ lệ eo/hông. BMI đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ để phân loại các cá nhân là thiếu cân, cân nặng bình thường, thừa cân hoặc béo phì. Thừa cân và béo phì có liên quan đến sự gia tăng tỷ lệ rối loạn sinh sản và các bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh tim mạch và một số bệnh ung thư. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chỉ số BMI nằm ngoài phạm vi bình thường sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ. Béo phì có liên quan đến rối loạn kinh nguyệt, không rụng trứng, rậm lông, tỷ lệ sẩy thai và vô sinh cao hơn.

Những đánh giá gần đây nhấn mạnh ảnh hưởng của các yếu tố môi trường và lối sống như stress, chế độ ăn uống và tình trạng dinh dưỡng đối với sức khỏe sinh sản. Dựa trên các bằng chứng cho thấy vai trò quan trọng của tình trạng dinh dưỡng tối ưu đối với khả năng sinh sản, tổng quan hệ thống này thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của tình trạng dinh dưỡng đến dự trữ buồng trứng ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

Nghiên cứu tiến hành xem xét tài liệu có hệ thống bằng phương pháp PRISMA. Chất lượng của các nghiên cứu được đánh giá bằng cách sử dụng công cụ Cochrane Collaboration Risk of Bias tool. Dữ liệu được trích xuất và kết quả được tóm tắt thành hai khối: theo kỹ thuật được sử dụng để đánh giá dự trữ buồng trứng và tình trạng dinh dưỡng, theo kết quả tìm thấy trong mối liên quan giữa dự trữ buồng trứng và tình trạng dinh dưỡng.
 
Kết quả cho thấy có tổng cộng 22 bài báo liên quan đến 5929 phụ nữ được đưa vào nghiên cứu. Trong 12 bài báo được đưa vào (54,5%), mối liên quan giữa tình trạng dinh dưỡng và dự trữ buồng trứng đã được chứng minh. Trong bảy công bố (31,8%), chỉ số BMI tăng dẫn đến giảm dự trữ buồng trứng, hai trong số đó (0,9%) ở bệnh nhân mắc hội chứng buồng trứng đa nang (polycystic ovary syndrome – PCOS) chỉ giảm nếu BMI > 25. Trong hai bài báo (0,9%), cho thấy có mối tương quan nghịch giữa dự trữ buồng trứng và tỷ lệ eo/hông và trong một bài báo (0,45%), có mối tương quan thuận được thể hiện giữa dự trữ buồng trứng và nồng độ testosterone, trong đó nồng độ testosterone có liên quan đến BMI. Trong năm bài báo (22,7%), BMI được sử dụng làm yếu tố gây nhiễu và có mối tương quan nghịch đến dự trữ buồng trứng và trong bốn bài báo khác (18%), không tìm thấy mối tương quan nào.
 
Nghiên cứu cho thấy dự trữ buồng trứng ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản dường như bị ảnh hưởng bởi tình trạng dinh dưỡng. Thừa cân và béo phì có tác động tiêu cực đến chức năng buồng trứng vì phụ nữ có chỉ số BMI cao có nồng độ AMH và AFC thấp hơn đáng kể so với những người có chỉ số BMI bình thường. Thừa cân và béo phì cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng noãn, dẫn đến tỷ lệ hiếm muộn và vô sinh cao hơn và nhu cầu điều trị ART cao hơn. Cần có những nghiên cứu sâu hơn trong tương lai để hiểu yếu tố nào trong chế độ ăn uống có ảnh hưởng lớn nhất đến dự trữ buồng trứng nhằm tăng cường sức khỏe sinh sản. Bên cạnh đó, nghiên cứu cung cấp thông tin cho việc thiết kế các chiến lược phòng ngừa và nâng cao sức khỏe nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
 
Tài liệu tham khảo: Laura Prieto-Huecas, Clara Ángela Piera-Jordán, Verónica Serrano De La Cruz-Delgado và cộng sự. Assessment of Nutritional Status and Its Influence on Ovarian Reserve: A Systematic Review. Nutrients. 2023.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK