Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 03-06-2024 12:26am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. Đào Hữu Nghị - IVFMD Phú Nhuận, Bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận
 
Những cải tiến trong môi trường nuôi cấy và phương pháp đông lạnh đã làm tăng tỷ lệ chuyển phôi nang đông lạnh. Các trung tâm hỗ trợ sinh sản (HTSS) gần đây đã chuyển sang chuyển đơn phôi để giảm thiểu tỷ lệ đa thai có thể dẫn đến các biến chứng sản khoa. Do đó, số lượng chu kỳ chuyển đơn phôi nang đông lạnh bằng thủy tinh hóa (Single vitrified-warmed blastocyst transfer - SVBT) đã gia tăng. Vì vậy, cần phải phát triển các tiêu chí lựa chọn phôi nang thủy tinh hóa chính xác hơn. Hiện nay, việc phân loại chất lượng phôi nang dựa trên ba yếu tố sau: độ nở rộng của khoang phôi, kích thước và độ nén của khối tế bào nội mô (inner cell mass – ICM), sự liên kết và số lượng tế bào lớp lá nuôi (trophectoderm – TE). Tuy nhiên, hệ thống phân loại này vẫn còn hạn chế để đánh giá những phôi nang đã thoát màng hoàn toàn. Ngoài ra, hệ thống phân loại phôi nang hiện tại mang tính chủ quan giữa các chuyên viên phôi học. Vì vậy, cần thiết phải xác định được tiêu chí định lượng và mục tiêu quan trọng để phân loại phôi nang.
 
Phôi nang thoát màng là một sự kiện quan trọng quyết định sự thành công trong quá trình làm tổ của phôi từ đó quyết định sự thành công trong mang thai tự nhiên hay điều trị IVF. Các nghiên cứu vẫn còn nhiều tranh cãi liên quan đến tác động của phôi nang đang thoát màng hoặc phôi nang đã thoát màng hoàn toàn đối với tỷ lệ làm tổ của phôi. Một số nghiên cứu trước đây cho thấy phôi nang đã thoát màng hoàn toàn có tác động tích cực đến kết quả mang thai. Tuy nhiên, cũng có nghiên cứu đã báo rằng không có sự khác biệt đáng kể về kết quả này. Gần đây, có nghiên cứu cho thấy rằng phôi nang đã thoát màng hoàn toàn sau rã đông có tỷ lệ làm tổ thấp hơn so với phôi nang thoát màng một phần. Do đó, ảnh hưởng của tình trạng thoát màng đến kết quả IVF vẫn chưa rõ ràng. Vì vậy, mục đích của nghiên cứu này là khảo sát xem liệu tình trạng thoát màng có ảnh hưởng đến kết quả lâm sàng của SVBT hay không. Sau đó, xác định tác động của mức độ phôi thoát màng đến tỷ lệ trẻ sinh sống bằng cách chia nhỏ một cách khách quan các giai đoạn thoát màng và đánh giá tình trạng thoát màng như là một yếu tố dự đoán kết quả mang thai sau SVBT.

Đây là nghiên cứu hồi cứu bao gồm 817 chu kỳ SVBT được thực hiện từ tháng 01/2016 đến 12/2017 thỏa các tiêu chí sau:
Tiêu chí nhận:
  • Bệnh nhân chuyển đơn phôi nang đông lạnh bằng thủy tinh hóa.

Tiêu chí loại:
  • Bệnh nhân >40 tuổi.
  • Chu kỳ xin noãn.
  • Thời gian vô sinh trên 10 năm và đã trải qua các chu kỳ IVF, sàng lọc di truyền tiền làm tổ.
  • Dị tật tử cung hoặc nội mạc tử cung mỏng (<7 mm)
  • Phôi chuyển được phân loại theo mức độ thoát màng như sau:
  • Nhóm I (n=147): phôi nang không thoát màng.
  • Nhóm II (n=484): phôi nang đang thoát màng. Trong nhóm này, phôi nang đang thoát màng được chia thành ba nhóm dựa trên tỷ lệ đường kính phôi nang bên ngoài (D2) và bên trong màng trong suốt (D1), bao gồm: giai đoạn sớm (n=185, EH – early-hatching), giai đoạn giữa (n=103, MH – mid-hatching) và giai đoạn muộn (n=196, LH – late-hatching).
  • Nhóm III (n =186), phôi nang thoát màng hoàn toàn.
Các kết quả chính bao gồm tỷ lệ mang thai lâm sàng (clinical pregnancy rate – CPR) và tỷ lệ trẻ sinh sống (live birth rate – LBR). Các kết quả phụ bao gồm: tỷ lệ làm tổ (implantation rate – IR), tỷ lệ đa thai (multiple pregnancy rate – MPR), tỷ lệ sẩy thai và kết quả sơ sinh (cân nặng, ngày sinh và dị tật).

Kết quả lâm sàng của SVBT theo tình trạng thoát màng cho thấy IR, CPR và LBR cao nhất ở nhóm III, cụ thể: IR (28,6%; 43,6% và 53,8%; p<0,001), CPR (27,9%; 42,8% và 53,2%; p< 0,001) và LBR (23,1%; 32,0% và 42,5%; p< 0,001). Trong đó, ở nhóm II cho thấy phân nhóm LH có IR và CPR cao nhất, cụ thể: IR (33,5%; 46,6% và 51,5%, p=0,002), CPR (33,0%, 45,6% và 50,5%; p = 0,002). Bên cạnh đó, kết quả về tỷ lệ MPR và tỷ lệ sẩy thai là tương tự nhau giữa ba nhóm. Ngoài ra, kết quả sơ sinh của SVBT theo mức độ thoát màng của phôi cũng không ghi nhận sự khác biệt về số lượng trẻ sinh ra, tuổi thai và cân nặng trung bình giữa các nhóm.

Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng tình trạng thoát màng có liên quan tích cực đến sự cải thiện tỷ lệ thai lâm sàng và trẻ sinh sống mà không có tác động tiêu cực đến kết quả sơ sinh. Mặc dù theo lý thuyết, phôi nang đang thoát màng hoặc phôi nang đã thoát màng hoàn toàn được cho là dễ bị tổn thương cơ học nếu không có màng trong suốt bao bọc bảo vệ. Tuy nhiên, trong nghiên lại cho thấy rằng việc chuyển phôi nang đang thoát màng hoặc thoát màng hoàn toàn không có tác động tiêu cực nào đối với kết quả IVF. Do đó, cơ chế tác động của tình trạng thoát màng đến này vẫn còn chưa được làm rõ.

Điểm mạnh của nghiên cứu của này là phân tích một số lượng tương đối lớn phôi nang đã thoát màng hoàn toàn và được thực hiện tại một trung tâm duy nhất.  Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng có một số hạn chế, bao gồm: (1) – Thiết kế hồi cứu. (2) - Không xác nhận liệu thể đa bội phôi nang có được phân tích hay không. Vì vậy, cần có một nghiên cứu tiến cứu được thiết kế tốt hơn và cần phải phân tích sâu hơn đối với việc mang thai ở phụ nữ lớn tuổi.
 
Tóm lại, việc chuyển phôi nang có tình trạng thoát màng cao đã cải thiện đáng kể tỷ lệ mang thai lâm sàng và tỷ lệ trẻ sinh sống mà không có tác động tiêu cực đến kết quả sơ sinh. Điều này gợi ý rằng việc chuyển phôi nang đã thoát màng hoàn toàn nên được khuyến khích chuyển trước trong chu trình SVBT. Nếu tất cả phôi đang ở giai đoạn đang thoát màng thì nên ưu tiên chuyển phôi nang ở giai đoạn LH. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có thể cải thiện hệ thống phân loại phôi nang bằng cách tiếp cận một cách khách quan về mức độ thoát màng của phôi. Những kết quả này cung cấp dữ liệu hữu ích cho các bác sĩ lâm sàng để xác định giai đoạn phôi nang tối ưu cho SVBT.
 
Nguồn: HAN, E. Jung, et al. Spontaneously hatching human blastocyst is associated with high development potential and live birth rate in vitrified‐warmed single blastocyst transfer: A retrospective cohort study. International Journal of Gynecology & Obstetrics

Link: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/37728025/

Các tin khác cùng chuyên mục:
Giang mai trong thai kỳ - Ngày đăng: 19-05-2024
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK