Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 15-06-2024 4:37pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
BS Trần Thiện Khiêm, Đơn vị Hỗ trợ sinh sản IVFMD
 

Theo một nghiên cứu trên chuột và người, tinh trùng của người cha sẽ lưu lại dấu vết về chế độ ăn uống của họ và điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất của con trai người đó sau này.

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, chuột đực ăn chế độ ăn giàu chất béo sẽ làm gia tăng nồng độ một vài loại RNA trong tinh trùng và những chuột đực được sinh ra từ những con chuột này sẽ có vấn đề về chuyển hóa như rối loạn dung nạp đường, một đặc điểm của bệnh tiểu đường. Bên cạnh đó, dựa theo các phân tích dịch tễ học, con trai của những người đàn ông có chỉ số khối cơ thể cao cũng có những vấn đề tương tự.
 
Lưu vết lên tinh trùng
Các nghiên cứu cho thấy, các bà mẹ có thể truyền lại các dấu vết chuyển hóa cho con của họ. Người cha cũng vậy, năm 2016, Qi Chen, một nhà nghiên cứu về Sinh học – sinh sản tại đại học Utah ở thành phố Salt Lake và nhóm của ông đã chứng minh rằng trứng được thụ tinh bằng tinh trùng của chuột đực ăn chế độ ăn giàu chất béo sẽ phát triển các hội chứng chuyển hóa. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng những tác động lan tỏa trong chế độ ăn uống của cha mẹ tuy không thay đổi trên gen của người con nhưng tác động theo cơ chế di truyền biểu sinh.

Theo nghiên cứu Nature, chuột đực ăn chế độ ăn giàu chất béo trong 2 tuần, được ghi nhận có các thay đổi của RNA vận chuyển trong ty thể của tinh trùng, điều này ảnh hưởng đến quá trình phiên mã DNA thành protein. Cụ thể là tinh trùng của những chuột đực có chế độ ăn giàu chất béo bị phân mảnh RNA nhiều hơn những con chuột ăn ít chất béo. Những mảnh RNA này có thể ảnh hưởng đến di truyền biểu sinh – ví dụ tắt hoặc mở các gen trong ty thể.

Stress ty thể
Theo tác giả Raffaele Teperino, một nhà nghiên cứu về môi trường và biểu sinh tại Helmholtz Center Munich - Đức, cho biết khi ăn nhiều chất béo, có thể dẫn đến tình trạng stress ty thể và ty thể tạo ra nhiều RNA hơn để sản xuất được nhiều năng lượng hơn.

Phản ứng của ty thể là một sự đánh đổi. Khi ty thể gia tăng hoạt động, tinh trùng có đủ năng lượng để bơi đến trứng, tuy nhiên RNA dư thừa cũng được chuyển sang phôi và làm thay đổi thông tin mà phôi nhận được từ cha và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của phôi. Nhóm của Teperino không chỉ quan sát tế bào mà còn xem xét sức khỏe con của những trường hợp bố thừa cân hoặc chuột có bố ăn nhiều chất béo, và nhận thấy khoảng 30% sẽ bị các rối loạn chuyển hóa. Các thí nghiệm chuyên sâu hơn cho thấy những con chuột con này có nhiều tRNA ty thể từ bố của chúng hơn so với con của những con chuột bố có chế độ ăn ít chất béo. Các tác giả cũng phân tích dữ liệu từ 3431 trẻ em và phát hiện rằng, chỉ số BMI của người cha cao hơn khi thụ thai thì khả năng trao đổi chất của con sẽ kém hơn.
 
Hạn chế
Hạn chế về mặt kĩ thuật của phương pháp này là phương pháp giải trình tự được sử dụng trong các thí nghiệm chỉ phát hiện được toàn bộ phân tử RNA. Do đó không xác định được liệu các phân mảnh RNA có được chuyển từ cha sang phôi hay không.

Việc những con chuột bố trong nghiên cứu chỉ truyền lại các vấn đề về trao đổi chất cho chuột đực con, cho thấy tinh trùng X và tinh trùng Y mang thông tin khác nhau. Và tại sao điều này lại xảy ra vẫn là một câu hỏi rất hay cho các nghiên cứu trong tương lai.

Tóm lại chế độ ăn uống sẽ ảnh hưởng đến thông tin trong tinh trùng và sẽ ảnh hưởng đến thế hệ sau.
 
Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-024-01623-2
https://doi.org/10.1038/d41586-024-01623-2

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK