Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 21-07-2023 1:52am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Dương Thị Ngọc Nữ - IVFMD Tân Bình
 

Giới thiệu:
Sinh thiết phôi đã trở thành một quy trình chuẩn ở hầu hết các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Đây cũng là một trong những kỹ thuật xâm lấn nhất được thực hiện, do đó cần phải cẩn thận để tránh ảnh hưởng đến khả năng sống của phôi. Không phải tất cả các phôi đều có kết quả thông tin di truyền sau lần sinh thiết đầu tiên. Đôi khi, nhóm phôi thất bại chẩn đoán lần đầu này vẫn có thể được chuyển. Tuy nhiên, vì sinh thiết lại không được coi là một chiến lược thông thường để sàng lọc phôi, những phôi này thường bị loại bỏ do không chắc chắn về thông tin di truyền của chúng, do đó góp phần làm lãng phí phôi.
 
Chiến lược sinh thiết phôi lại không chỉ tốn thời gian mà còn đòi hỏi thêm nỗ lực và chi phí cho đơn vị phôi học. Hơn nữa, nó liên quan đến một vòng lặp các bước rã phôi, sinh thiết và trữ phôi, có thể làm giảm khả năng sống của phôi nang. Mặc dù có bằng chứng cho thấy rằng chuyển phôi tươi và phôi trữ có tỷ lệ mang thai tương đương, nhưng vẫn chưa rõ liệu trữ phôi nhiều lần có gây bất lợi cho sự phát triển của phôi hay không do những phát hiện mâu thuẫn đã được công bố. Ngoài ra, có rất ít thông tin về kết quả của phôi nang được sinh thiết hai lần do việc loại bỏ quá nhiều tế bào lá nuôi (TE) có thể ảnh hưởng đến sự làm tổ của phôi.
 
Nghiên cứu này nhằm mục đích xác định các đặc điểm phôi nang và quy trình trong labo phôi học liên quan đến khả năng phôi không kết luận được sau sinh thiết lần 1 cho xét nghiệm di truyền tiền làm tổ về lệch bội nhiễm sắc thể (PGT-A). Mặt khác, nhằm mục đích đánh giá tác động của sinh thiết lần thứ hai, bao gồm cả quy trình trữ - rã phôi về tỷ lệ sống sót, hiệu quả và kết cục lâm sàng ở phôi nguyên bội với kết quả không kết luận được sau lần sinh thiết TE đầu tiên.
 
Phương pháp nghiên cứu:
Đây là nghiên cứu hồi cứu được thực hiện trong một trung tâm IVF duy nhất, bao gồm tất cả các phôi nang đã trải qua sinh thiết TE cho PGT-A từ tháng 1/2016 đến 12/2021. Các chỉ định cho PGT-A bao gồm tuổi mẹ cao, sẩy thai liên tiếp, yếu tố nam nặng, thất bại làm tổ nhiều lần, và sàng lọc lệch bội. Phôi nang được sinh thiết vào ngày thứ 7 đã bị loại khỏi phân tích do số lượng ít. Những bệnh nhân đủ điều kiện vào nhóm xét nghiệm di truyền tiền làm tổ về bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể (PGT-SR) hoặc xét nghiệm di truyền tiền làm tổ cho các rối loạn đơn gene (PGT-M) cũng bị loại khỏi nghiên cứu. Tổng cộng 5171 chu kỳ PGT-A đã được thực hiện với 4295 bệnh nhân, tổng số 18.028 phôi nang được sinh thiết, trong đó có 517 phôi không kết luận được. Sau khi rã có 400 phôi còn nguyên vẹn và phù hợp để sinh thiết lại, trong đó có 71 phôi nang sinh thiết lại đã được chuyển. Tuổi trung bình của người mẹ là 37 tuổi (18-45 tuổi). Các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến khả năng phôi nang không kết luận được (ngày sinh thiết, giai đoạn phát triển, chất lượng ICM và TE, phương pháp sinh thiết) và các kết quả lâm sàng (tỷ lệ thai lâm sàng, tỷ lệ sẩy thai, tỷ lệ sinh sống) từ phôi nang được sinh thiết một lần và hai lần đã được đánh giá.
 
Vào ngày 3, phôi được hỗ trợ thoát màng bằng laser. Tất cả phôi nang có độ nở rộng khoang phôi độ 5 (iHB) và độ 6 (HB). Chất lượng hình thái ICM và TE xếp loại A, B (loại tốt theo tiêu chuẩn phân loại của Gardner) hoặc loại C (loại kém theo tiêu chuẩn phân loại của Gardner) được lựa chọn để sinh thiết. Khoảng 5-8 tế bào TE được thu nhận bằng phương pháp kéo (pulling) hoặc đẩy nhẹ (flicking) sử dụng kim sinh thiết và laser, sau đó được phân tích giải trình tự gene thế hệ mới (NGS). Các phôi có đánh giá nhiễm sắc thể không kết luận được là những phôi không có tín hiệu do không đủ vật liệu di truyền trong tế bào TE sinh thiết để khuếch đại hoặc do dữ liệu bị nhiễu. Các phôi này được rã để sinh thiết lại và sau đó trữ lạnh lại.
 
Kết quả:
Đánh giá các yếu tố nguy cơ dẫn đến kết quả không kết luận được sau PGT-A
Các biến số liên quan đến đánh giá phôi nang cho thấy phôi được sinh thiết ngày 5 (D5) cho tỷ lệ kết quả không thể kết luận thấp hơn đáng kể (2,7%) so với phôi phát triển chậm hơn được sinh thiết vào ngày 6 (D6) (3,3%) (P<0,05). Tương tự như vậy, giai đoạn phát triển của phôi nang có mối tương quan chặt chẽ với tỷ lệ kết quả chẩn đoán không thể kết luận, quan sát thấy ở iHB (2,7%) thấp hơn đáng kể so với HB (4,2%) (P<0,05).
 
Ngược lại, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa tỷ lệ kết quả không kết luận được và chất lượng TE, ICM. Bằng chứng là những phôi có TE và ICM chất lượng kém (loại C) cho tỷ lệ kết quả không kết luận được tương tự so với những phôi có TE, ICM chất lượng tốt (loại A+B) (3% với 2,8%) (P>0,05).
 
Về phương pháp sinh thiết, tỷ lệ kết quả không kết luận được cao hơn đáng kể ở nhóm kéo (pulling) (5,4%) so với nhóm đẩy nhẹ (flicking) (2,3%) (P>0.05).
 
Phân tích hồi quy logistic cho thấy không có mối tương quan giữa chất lượng ICM, TE hoặc tuổi mẹ đến nguy cơ chẩn đoán PGT-A không kết luận được. Ngược lại, ngày sinh thiết, giai đoạn phát triển phôi nang và phương pháp sinh thiết là những yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến nguy cơ chẩn đoán không kết luận được.
 
Đánh giá nhiễm sắc thể của phôi nang sinh thiết lại
Trong 400 phôi được sinh thiết lại, chẩn đoán có kết quả là 96% (384/400), 4% có kết quả không kết luận được lặp lại (16/400). Điều này có nghĩa là chỉ 0,1% trong số tất cả các phôi được sinh thiết ban đầu (16/18.028) vẫn ở trạng thái “không tín hiệu”.
 
56% phôi sinh thiết lần hai là phôi nguyên bội (224/400), cho thấy tỷ lệ phôi nguyên bội ở phôi sinh thiết lại cao hơn đáng kể so với phôi được sinh thiết một lần (42,2%=7603/18,028) (P<0,0001). Khác biệt này đã được quan sát thấy ở tất cả các nhóm tuổi mẹ ngoại trừ nhóm >42 tuổi (có thể là do số lượng nhỏ phôi sinh thiết lại).
 
So sánh kết cục lâm sàng giữa phôi sinh thiết một lần và phôi sinh thiết lại
238 trong số 384 phôi chẩn đoán thành công PGT-A sau khi sinh thiết lại có thể chuyển được. Tổng cộng có 71 phôi sinh thiết lại đã được chuyển, kết quả thu được tỷ lệ thai lâm sàng (CPR) là 45,1%, 16 ca sẩy thai (MR) 41%, và cho đến tháng 9 năm 2020, ghi nhận 12 ca sinh sống (tỷ lệ sinh sống (LBR) là 23,1%). Nhận thấy rằng tỷ lệ sinh sống thấp hơn và tỷ lệ sẩy thai cao hơn sau khi chuyển phôi nang đã được sinh thiết lại so với những phôi nang được sinh thiết một lần (43,58% và 24%).
 
Kết luận:
Mặc dù một vòng lặp quy trình sinh thiết và trữ lạnh lại có thể gây ra ảnh hưởng bất lợi đến khả năng sống của phôi, gây tổn hại đến tỷ lệ sinh sống và tỷ lệ sẩy thai, nhưng việc phân tích lại các phôi nang thất bại trong xét nghiệm PGT lần đầu góp phần làm tăng số lượng phôi nang nguyên bội có thể chuyển và những phôi này góp phần làm tăng số trẻ được sinh ra. Tuy nhiên, cần có nghiên cứu sâu hơn để đảm bảo tính an toàn của kỹ thuật này và theo dõi sự phát triển trẻ sinh ra từ phôi nang sinh thiết lại.
 
Nguồn: Nohales, M., Coello, A., Martin, A., Insua, F., Meseguer, M., & de Los Santos, M. J. (2023). Should embryo rebiopsy be considered a regular strategy to increase the number of embryos available for transfer?. Journal of Assisted Reproduction and Genetics, 1-9.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK