Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 21-07-2023 1:44am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CN Lê Thị Vân – IVFVH

Vô sinh nam chiếm khoảng 50% các trường hợp vô sinh ở các cặp vợ chồng. Để xác định khả năng sinh sản của nam giới khi điều trị hiếm muộn, phân tích tinh dịch đồ là một tiêu chuẩn vàng cho phép đánh giá được mật độ tinh trùng, khả năng di động cũng như hình dạng của tinh trùng. Tuy nhiên, xét nghiệm này không cung cấp được bất kỳ thông tin nào về cấu trúc di truyền của tinh trùng, đặc biệt là sự phân mảnh của DNA tinh trùng, đây là yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển phôi sau này. Ngay cả những nam giới có kết quả tinh dịch đồ bình thường bị vô sinh không rõ nguyên nhân thì sự phân mảnh DNA tinh trùng cũng có thể ở mức rất cao.


Xét nghiệm phân mảnh DNA tinh trùng

Phân mảnh DNA có thể xảy ra trong tinh hoàn, mào tinh và sau khi phóng tinh. Tuy nhiên mức độ phân mảnh lớn thường xảy ra trong giai đoạn tinh trùng ở trong mào tinh và sau khi phóng tinh. Nguyên nhân dẫn đến tổn thương này có thể do các yếu tố nội tiết như apoptosis thất bại, quá trình tái tổ hợp bị khuyếm khuyết, stress oxy hóa hoặc sự mất cân bằng protamine. Ngoài ra còn có các yếu tố khác như nhiễm trùng, nhiệt độ tinh hoàn quá cao, điều kiện bảo quản tinh trùng sau phóng tinh,... Ngày nay có rất nhiều nghiên cứu chứng minh rằng tỷ lệ phân mảnh DNA tinh trùng (sperm DNA fragmentation - SDF) càng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thất bại thụ tinh, phôi phát triển kém, giảm tỷ lệ làm tổ của phôi cũng như tăng tỷ lệ sẩy thai khi điều trị thụ tinh trong ống nghiệm. Nguyên nhân là do tinh trùng không có cơ chế sửa chữa tổn thương DNA. Do đó, hoạt động sửa chữa DNA tinh trùng phụ thuốc vào noãn khi diễn ra quá trình thụ tinh. Mức độ SDF và chất lượng noãn quyết định khả năng sửa chữa phân mảnh, góp phần ảnh hưởng đến kết quả của các chu kỳ ICSI. Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều nghiên cứu đánh giá kết quả điều trị hỗ trợ sinh sản về tỷ lệ phân mảnh của DNA tinh trùng khi kết hợp với những bất thường của noãn. Chính vì vậy, mục đích của nghiên cứu này là điều tra xem ảnh hưởng của sự phân mảnh DNA của tinh trùng đối với kết quả ICSI có phụ thuộc vào tỷ lệ bất thường noãn hay không.


Các đặc điểm bất thường của noãn

Phương pháp: Nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu được thực hiện tại một trung tâm thụ tinh ống nghiệm ở Brazil từ tháng 6 năm 2016 đến tháng 7 năm 2019. Tổng cộng 2942 noãn đã thụ tinh từ 525 bệnh nhân được gửi đến từ các chu kỳ ICSI đã được đánh giá.  Các mẫu tinh dịch được chia thành hai nhóm sau tùy thuộc vào chỉ số phân mảnh DNA của tinh trùng: nhóm có chỉ số phân mảnh thấp (<30% SDF, n = 2248) và nhóm có chỉ số phân mảnh cao (≥30% SDF, n = 694). Những thay đổi bất thường của người chồng như bất sản ống sinh tinh, giãn tĩnh mạch thừng tinh hoặc bất kỳ dấu hiệu đáng ngờ nào phát hiện khi kiểm tra đều được loại bỏ khỏi nghiên cứu. Đồng thời bậnh nhân không sử dụng thuốc cải thiện chất lượng tinh dịch hoặc giảm SDF trước và trong quá trình thực hiện ICSI. Ngoài ra, các noãn trưởng thành đều được đánh giá hình thái trước khi tiêm tinh trùng và các bất thường noãn như: tế bào chất sẫm màu (DC), CLG, không bào, SER, PVS rộng, phân mảnh PB, bất thường ZP, hình dạng noãn bất thường đều được ghi nhận lại. Phôi được nuôi cấy và chuyển cho bệnh nhân vào ngày thứ 5, số phôi chuyển từ một đến hai tùy vào chất lượng (một phôi tốt hoặc hai phôi kém). Các kết quả lâm sàng như tỷ lệ làm tổ, tỷ lệ mang thai cũng được đưa vào đánh giá.

Kết quả: Trong nghiên cứu nhận thấy sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ thụ tinh, phôi chất lượng tốt, làm tổ và mang thai ở các chu kỳ có sự phân mảnh DNA của tinh trùng <30% so với các chu kỳ có sự phân mảnh DNA của tinh trùng ≥30% (bất kể sự hiện diện khiếm khuyết nào của noãn). Tỷ lệ thụ tinh thấp nhất được quan sát thấy khi chỉ số phân mảnh DNA của tinh trùng cao có liên quan đến sự hiện diện của tế bào chất sẫm màu, không bào. Tỷ lệ làm tổ và mang thai thấp nhất được quan sát thấy khi chỉ số phân mảnh DNA của tinh trùng cao có liên quan đến sự hiện diện của không bào, PVS rộng và thể cực bị phân mảnh. Các phôi được chuyển không có sự hiện diện của các bất thường về SER, DC, ZP bất thường, không bào được báo cáo là không có trường hợp nào sảy thai.

Kết luận: Chỉ số phân mảnh DNA của tinh trùng cao làm tăng khả năng sảy thai, giảm tỷ lệ thụ tinh, làm tổ của phôi trong các chu kỳ tiêm tinh trùng vào bào tương noãn, một tác động có thể được phóng đại bởi sự hiện diện của các bất thường noãn.

Nguồn: Braga, Daniela Paes Almeida Ferreira, et al. "The effect of sperm DNA fragmentation on ICSI outcomes depending on oocyte quality." Andrology (2023).

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK