Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 12-07-2023 8:36am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Ngô Hoàng Tín _ IVFVH

Thất bại làm tổ liên tiếp (Recurrent implantation failure - RIF) là thách thức lớn trong công nghệ hỗ trợ sinh sản (Assisted reproductive technology - ART). Do các định nghĩa khác nhau về RIF, có rất ít dữ liệu thể hiện chính xác tỷ lệ xuất hiện hoặc mức độ phổ biến của nó. Trong báo cáo này, RIF được định nghĩa là việc bệnh nhân không có thai lâm sàng sau khi chuyển ít nhất bốn phôi tốt trong ít nhất ba chu kỳ chuyển phôi tươi hoặc trữ lạnh (FET) ở phụ nữ dưới 40 tuổi. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến RIF, trong đó hai yếu tố quan trọng nhất là sự tiếp nhận của nội mạc tử cung và chức năng của phôi, ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác. Chuyển phôi giai đoạn phôi nang có thể giúp cải thiện kết quả lâm sàng. Tuy nhiên, việc nuôi cấy phôi dài ngày có thể làm tăng nguy cơ không phôi và hủy chu kỳ. Do đó, chuyển phôi liên tiếp ở thời điểm phôi ở giai đoạn phân chia và phôi nang được đề xuất để tăng khả năng có thai ở bệnh nhân RIF đồng thời giảm nguy cơ hủy chu kỳ điều trị. Chuyển phôi liên tiếp được định nghĩa là chuyển phôi hai bước, chuyển một phôi phân chia vào ngày 3 và một phôi nang vào ngày 5 trong cùng một chu kỳ chuyển phôi. Hiệu quả của việc chuyển phôi liên tiếp vẫn còn gây tranh cãi và dữ liệu đã được công bố về vấn đề này còn nhiều hạn chế. Mục đích của nghiên cứu này là so sánh hiệu quả của chuyển phôi liên tiếp và chuyển cùng lúc hai phôi nang trên kết quả thai trong chu kỳ ICSI/chuyển phôi trữ lạnh (Frozen embryo transfer - FET) ở bệnh nhân RIF.
 
Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả tiến hành tiến cứu trên 224 bệnh nhân RIF thực hiện ICSI/FET và được chia ngẫu nhiên thành hai nhóm chuyển phôi liên tiếp và nhóm chứng. Trong nhóm chuyển phôi liên tiếp, chuyển phôi được tiến hành với phôi phân chia và phôi nang. Ở nhóm đối chứng, tiến hành chuyển hai phôi nang ngày 5 chất lượng tốt. Kết quả nghiên cứu được đánh giá dựa trên tỷ lệ làm tổ, tỷ lệ thai lâm sàng, tỷ lệ thai sinh hóa, tỷ lệ đa thai, tỷ lệ sảy thai và tỷ lệ thai ngoài tử cung.
 
Kết quả nghiên cứu cho thấy chuyển phôi liên tiếp với phôi phân chia và phôi nang làm tăng đáng kể tỷ lệ làm tổ, tỷ lệ thai lâm sàng và tỷ lệ thai diễn tiến ở bệnh nhân RIF (p = 0,0142, p = 0,0154, p = 0,0201, tương ứng) so với chuyển một lần hai phôi nang. Tuy nhiên, không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ thai sinh hóa, tỷ lệ đa thai, tỷ lệ sảy thai và tỷ lệ thai ngoài tử cung giữa các nhóm nghiên cứu. Theo nhóm tác giả, sự khác biệt này là do sự thay đổi thời gian của cửa sổ làm tổ. Một số báo cáo cho thấy có sự dịch chuyển của cửa sổ làm tổ trong giai đoạn hoàng thể xảy ra ở 25–30% bệnh nhân mắc RIF. Bên cạnh đó, cửa sổ làm tổ ở một số trường hợp có thể có độ dài và vị trí khác nhau cả trong cùng một chu kỳ kinh ở cùng một bệnh nhân. Do đó, chuyển phôi liên tiếp có thể khắc phục những vấn đề này bằng cách chọn thời điểm thích hợp để chuyển phôi. Ngoài ra, có ý kiến ​​cho rằng trong quá trình chuyển phôi liên tiếp, phôi phân chia được chuyển trước đó có thể điều chỉnh phản ứng miễn dịch và tạo ra môi trường nội mạc tử cung tốt hơn cho lần chuyển thứ hai.
 
Nghiên cứu cho thấy, chuyển phôi liên tiếp có tương quan đến việc cải thiện kết quả thai ở nhóm bệnh nhân RIF. Cần các nghiên cứu lớn với cỡ mẫu lớn hơn để hiểu rõ về hiệu quả  của chuyển phôi liên tiếp với kết quả điều trị ART.
 
Nguồn: Salehpour S, Hosseini S, Razghandi Z, Hosseinirad H, Ziaee H. Comparing the effect of sequential embryo transfer versus double blastocyst embryo transfer on pregnancy outcomes in intracytoplasmic sperm injection (ICSI) cycles in patients with repeated implantation failure: A randomized controlled trial. Taiwan J Obstet Gynecol. 2023;62(2):264-269. doi:10.1016/j.tjog.2022.10.009.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK