Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 10-07-2023 5:14pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
Bs. Nguyễn Thanh Thảo – IVFMD Phú Nhuận

Mục tiêu của nghiên cứu
Ngoài giải phẫu bệnh là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán, adenomyosis còn có thể được chẩn đoán dựa trên MRI. Tuy nhiên, hiện nay chưa có các đồng thuận về tiêu chuẩn chẩn đoán nên việc chẩn đóan chính xác adenomyosis trên MRI còn là một thách thức. Độ dày vùng chuyển tiếp của tử cung (Junctional zone- JZ), mật độ tín hiệu cơ tử cung và kích thước tử cung là các chỉ số biểu thị cho adenomyosis trên MRI. Tuy nhiên, các chỉ số này chưa được xác định về khả năng chẩn đoán chính xác adenomyosis và mối liên quan của chúng với biểu hiện lâm sàng còn chưa được hiểu rõ. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm phát triển một mô hình dự đoán đa biến để chẩn đoán mô học adenomyosis dựa trên các chỉ số trên hình ảnh MRI và các tham số lâm sàng trước khi cắt tử cung.
 
Phương pháp nghiên cứu
Đây là một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu, được thực hiện bởi Rees và cộng sự (2023) tại một trung tâm phụ khoa ở Hà Lan từ năm 2007 đến 2022. Đối tượng nghiên cứu gồm các phụ nữ trải qua phẫu thuật cắt tử cung và có kết quả MRI vùng chậu trước đó. Tiêu chuẩn loại của đối tượng nghiên cứu: không có MRI vùng chậu, mãn kinh, bệnh lý phụ khoa ác tính, không có kết quả giải phẫu bệnh sau khi cắt tử cung hoặc không đồng ý tham gia nghiên cứu.
 
296 phụ nữ tham gia nghiên cứu được thực hiện MRI vùng chậu trước khi phẫu thuật cắt tử cung. Hai nghiên cứu viên đánh giá độc lập nhau về các dấu hiệu của adenomyosis trên MRI. Các dấu hiệu này bao gồm: độ dày vùng JZ >12 mm, điểm tăng mật độ tín hiệu (high signal intensity- HSI), tử cung lớn không đối xứng. Từ đó, nhóm nghiên cứu xây dựng mô hình hồi quy đa biến để chẩn đoán adenomyosis dựa trên hình ảnh MRI và các yếu tố lâm sàng từ các phân tích đa biến có p < 0,1.
 
Kết quả
Trong số 296 phụ nữ tham gia nghiên cứu, 131/296 phụ nữ (44,3%) được chẩn đoán adenomyosis dựa trên kết quả giải phẫu bệnh. Trong đó, 45/131 phụ nữ (34,4%) có u xơ cơ tử cung (UXCTC) đi kèm, 70/131 (53,4%) có lạc nội mạc tử cung (LNMTC) đi kèm (được chẩn đoán dựa trên hình ảnh MRI hoặc nội soi ổ bụng). Nhìn chung, các phụ nữ này có độ tuổi, BMI, tiền căn và triệu chứng lâm sàng tương tự nhau tại thời điểm phẫu thuật cắt tử cung giữa các phụ nữ có và không có adenomyosis, p > 0,05. Đặc biệt, các bệnh nhân được chẩn đoán adenomyosis trên mô học thường có tiền sử nạo buồng tử cung sau sẩy thai hoặc chấm dứt thai kỳ (22,1% so với 8,9%, p = 0,002), tăng độ dày trung bình vùng JZ (9,40 so với 8,35 mm, < 0,001), tăng độ dày tối đa vùng JZ (16,00 so với 13,40 mm, p < 0,001), tăng tỉ lệ vùng JZ: cơ tử cung trung bình (0,56 so với 0,49, p = 0,040) và chênh lệch vùng chuyển tiếp (8,60 so với 8,15 mm, p = 0,003). Sự hiện diện của điểm HSI là yếu tố tiên đoán mạnh nhất cho chẩn đoán adenomyosis (39,7% so với 8,9%, p < 0,001). Dựa trên tuổi, BMI, tiền sử nạo buồng tử cung, thống kinh, xuất huyết tử cung bất thường, giá trị JZ trung bình, chênh lệch JZ  5 mm, tỉ lệ JZ: cơ tử cung >40, hiện diện của điểm HSI, mô hình dự đoán được hình thành với khả năng chẩn đoán tốt (AUC = 0,776). Mô hình dự đoán chẩn đoán được tính theo công thức sau:

 
Bàn luận
Mô hình dự đoán đa biến này có thể phân biệt khá chính xác giữa bệnh nhân có và không có adenomyosis (AUC = 0,776). Năm yếu tố lâm sàng được đánh giá: tuổi, BMI, tiền sử nạo buồng tử cung, thống kinh, xuất huyết tử cung bất thường; Bốn chỉ số trên MRI: độ dày trung bình vùng JZ, chênh lệch JZ  5mm, tỉ lệ vùng JZ/ cơ tử cung > 0,4, hiện diện điểm HSI. Mô hình dự đoán dựa trên MRI này có giá trị trong thực hành lâm sàng trong những trường hợp adenomyosis không điển hình hoặc đi kèm với các bệnh lý khác, và ưu điểm hơn so với chẩn đoán dựa trên siêu âm ngả âm đạo do không phụ thuộc vào kinh nghiệm của bác sĩ siêu âm.
 
Việc nạo buồng tử cung vẫn còn được tranh cãi như nguyên nhân hoặc hậu quả của adenomyosis, bởi adenomyosis thường liên quan đến nguy cơ sẩy thai. Bên cạnh đó, nạo buồng tử cung được xem như nguy cơ hình thành adenomyosis bởi tổn thương gây ra sự xâm nhập tế bào nội mạc tử cung vào trong cơ tử cung.
 
Nghiên cứu thể hiện ưu điểm khi MRI vùng chậu được đánh giá độc lập bởi hai nghiên cứu viên trước khi có giải phẫu bệnh. Đồng thời, sự kết hợp các yếu tố lâm sàng và chỉ số MRI khiến mô hình này dễ áp dụng vào thực hành lâm sàng.
 
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng bao gồm các bệnh nhân có bệnh lý phối hợp như UXCTC khiến khả năng dự đoán chẩn đoán bị thu hẹp. Sự thay đổi hình dạng tử cung do UXCTC hoặc LNMTC cũng hạn chế khả năng đánh giá các chỉ số trên MRI. Ngoài ra, mô hình này có thể không chính xác do ảnh hưởng của chu kỳ kinh nguyệt. Mặc dù, độ dày JZ thay đổi trong chu kỳ, các pha chu kỳ kinh nguyệt tại thời điểm chụp MRI không được ghi nhận. Việc lựa chọn giải phẫu bệnh làm tiêu chuẩn tham chiếu được xem như sai số trong việc chọn mẫu. Nghiên cứu này không đánh giá giải phẫu bệnh toàn thể và mức độ nặng của adenomyosis trên mô học. Trong tương lai, việc đánh giá khả năng áp dụng của mô hình này trên bệnh nhân không có chỉ định cắt tử cung là cần thiết.
 
Tóm lại, đây là nghiên cứu đầu tiên phát triển công cụ chẩn đoán adenomyosis dựa trên hình ảnh MRI và các tham số lâm sàng. Mô hình này có thể trở thành công cụ chẩn đoán lâm sàng hữu ích ở phụ nữ nghi ngờ adenomyosis.
 
Nguồn:
Rees, C.O., van de Wiel, M., Nederend, J., Huppelschoten, A., Mischi, M., van Vliet, H.A.A.M. and Schoot, B.C. 2023. Prediction of adenomyosis diagnosis based on MRI. Journal of Endometriosis and Uterine Disorders. 2, p100028.
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK