Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 07-07-2023 8:57am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phan Thanh Chi - IVFMD Tân Bình
 
Chuyển phôi đông lạnh (FET) đang ngày càng gia tăng trên thế giới trong những năm gần đây bởi lợi ích mà nó mang lại. Tỷ lệ trẻ sinh sống sau FET khi so sánh với chuyển phôi tươi là bằng hoặc thậm chí cao hơn. Ngoài ra, FET cho tỷ lệ mang thai tích luỹ vượt trội trên mỗi lần chọc hút, giảm nguy cơ quá kích buồng trứng và chuẩn bị nội mạc tử cung tốt hơn. Điều đặc biệt là chuyển đơn phôi nang (single blastocyst transfer - SBT) đang dần trở thành lựa chọn được ưu tiên nhờ khả năng giảm tỷ lệ đa thai đồng thời tăng tỷ lệ trẻ sinh sống.
 
Bên cạnh đó, chuẩn bị nội mạc tử cung là một bước quan trọng không kém trong FET. Việc đồng bộ hoá nội mạc tử cung và phôi để cùng phát triển được cho là yếu tố quyết định thành công của quá trình cấy ghép. Hai phác đồ chu kỳ tự nhiên và chu kỳ nhân tạo là hai phác đồ chính để chuẩn bị nội mạc tử cung. Cụ thể, phác đồ chu kỳ tự nhiên (natural cycle - NC) cần được theo dõi thường xuyên để xác định thời điểm rụng trứng. Trong khi đó, phác đồ chu kỳ nhân tạo (artificial cycle - AC), nội mạc tử cung được chuẩn bị bằng cách bổ sung estradiol (E2) và progesterone (P) ngoại sinh, linh hoạt hơn và thân thiện với bệnh nhân. Thông thường, sử dụng E2 trong giai đoạn nang noãn sớm sẽ ngăn chặn sự phát triển của nang noãn nhưng đôi khi lại xảy ra hiện tượng phát triển và rụng trứng ngoài ý muốn. Đã có báo cáo rằng tỷ lệ nang noãn phát triển ngoài dự kiến ​​ở phác đồ AC mà không bị ức chế tuyến yên là khoảng 1,9%–7,4%. Trước đó, nhiều phác đồ AC với sự phát triển của nang noãn đã bị hủy bỏ trực tiếp do khó xác định thời điểm rụng trứng chính xác. Vậy nên, hiệu quả thực sự của sự phát triển và rụng trứng bất ngờ ở phác đồ AC vẫn chưa được xác định.
 
Cho đến nay, có rất ít nghiên cứu cũng như chưa có sự đồng thuận về vấn đề này. Ngoài ra, kết quả sản khoa và chu sinh về sự phát triển của nang noãn và rụng trứng ngoài dự kiến ở phác đồ AC cũng không được báo cáo. Do đó, bài báo cáo hướng đến mục tiêu tìm hiểu các ảnh hưởng đến sự phát triển nang noãn và rụng trứng ngoài dự kiến ​​ở phác đồ AC đối với kết quả mang thai và các biến chứng chu sinh.
 
Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 1 năm 2014 đến tháng 12 năm 2020 tại một trung tâm hỗ trợ sinh sản trực thuộc trường đại học. Sau quá trình sàng lọc có tổng cộng 1427 bệnh nhân được theo dõi cho đến khi sinh hoặc sẩy thai. Các bệnh nhân này được điều trị theo phác đồ AC, có kinh nguyệt đều đặn, đã chuyển phôi nang đông lạnh sau chu kỳ chọc hút đầu tiên hoặc chu kỳ thứ hai. Các trường hợp khác có đi kèm xét nghiệm di truyền tiền làm tổ, noãn được hiến tặng, noãn đông lạnh, từng sảy thai tự nhiên tái phát hoặc thất bại làm tổ nhiều lần đều được loại khỏi nghiên cứu. Mục tiêu bài báo cáo là so sánh tỷ lệ sinh sống (LBR), tỷ lệ mang thai sinh hóa, tỷ lệ mang thai lâm sàng và tỷ lệ mang thai diễn tiến giữa hai nhóm. Cụ thể, nhóm đối chứng được điều trị theo phác đồ AC thường quy, ngày bổ sung progesterone được coi là ngày rụng trứng (ngày 0) và thực hiện chuyển đơn phôi nang. Trong khi đó, nhóm rụng trứng là nhóm có trải qua quá trình phát triển nang noãn và rụng trứng tự phát trong quá trình điều trị AC của họ, ngày nang noãn đầu bị vỡ được coi là ngày rụng trứng và cũng được chuyển đơn phôi nang.
 
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tổng cộng có 161 bệnh nhân có nang noãn phát triển và rụng trứng ngoài dự kiến ở AC (nhóm rụng trứng) và 1.266 bệnh nhân không có nang noãn phát triển ở AC (nhóm đối chứng). Những bệnh nhân trong nhóm rụng trứng lớn tuổi hơn, có nồng độ hormone kích thích nang noãn trong huyết thanh cao hơn và nồng độ hormone AMH thấp hơn. Sau khi so khớp điểm xu hướng, các đặc điểm cơ bản giữa 2 nhóm có thể so sánh được và không quan sát thấy sự khác biệt đáng kể nào ở LBR (nhóm rụng trứng, 39,0% so với nhóm đối chứng, 39,0%), tỷ lệ mang thai sinh hóa (nhóm rụng trứng, 60,3% so với nhóm đối chứng 58,2%), tỷ lệ thai lâm sàng (nhóm rụng trứng, 53,4% so với nhóm chứng, 50,7%) hoặc tỷ lệ thai diễn tiến (nhóm rụng trứng, 42,5% so với nhóm chứng, 40,4%). Hơn nữa, những bệnh nhân trong nhóm rụng trứng cho thấy nguy cơ rối loạn tăng huyết áp thai kỳ (hypertensive disorders of pregnancy  - HDP) thấp hơn (1,6% so với 15,3%). Một phân tích nhóm phụ của những phụ nữ đã có con sinh sống cũng chứng minh rằng sự phát triển và rụng trứng ngoài ý muốn của nang noãn ở AC có liên quan đến việc giảm nguy cơ HDP (tỷ lệ chênh được điều chỉnh, 0,070; khoảng tin cậy 95%, 0,007–0,712) và tăng nguy cơ của trẻ lớn so với tuổi thai (tỷ lệ chênh được điều chỉnh, 4,046; khoảng tin cậy 95%, 1,319–12,414).
 
Tóm lại, bài nghiên cứu cho thấy rằng những người điều trị AC thông thường và những người có sự phát triển và rụng trứng ngoài dự kiến của nang noãn có LBR tương tự nhau. Ngoài ra, điều này có liên quan đến nguy cơ rối loạn tăng huyết áp thai kỳ thấp hơn và nguy cơ trẻ lớn so với tuổi thai cao hơn. Do đó, theo dõi liên tục cho đến khi rụng trứng là một phương pháp thay thế cho những người có nang noãn phát triển ngoài dự kiến ở AC.
  
Nguồn: Yin, R., Dang, Y., Ma, Z., & Sun, M. (2023). The effects of unexpected follicular growth and ovulation in artificial cycles: a retrospective cohort study of frozen, single-blastocyst transfer. Fertility and sterility, 119(6), 985–993. https://doi.org/10.1016/j.fertnstert.2023.02.011

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK