Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 22-06-2023 10:02am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
BS Nguyễn Tấn Minh, BS Hồ Ngọc Anh Vũ – BV Mỹ Đức

Tỷ lệ hiếm muộn của các cặp vợ chồng ngày càng có xu hướng tăng lên, một số liệu thống kê tại Trung Quốc cho thấy có khoảng 25% các cặp vợ chồng mong con muốn điều trị hiếm muộn. Số chu kỳ chuyển phôi trữ lạnh (FET) cũng vì thế mà tăng lên nhanh chóng với tốc độ 20% mỗi năm.
 
Một số nghiên cứu (NC) khảo sát khoảng thời gian phù hợp để thực hiện FET sau khi chọc hút trứng (OPU) đã đưa ra những kết luận còn thiếu thuyết phục do tồn tại những yếu tố gây nhiễu. Nghiên cứu gần đây của Mengxia Ji và cộng sự công bố trên tập san Frontiers in Endocrinology đã khảo sát kết cục của thai kỳ giữa nhóm trì hoãn FET và nhóm không trì hoãn. Đây là một NC đoàn hệ hồi cứu áp dụng phương pháp so sánh điểm xu hướng (Propensity Score Matching - PSM) được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 5/2019 đến tháng 12/2020 tại một trung tâm hỗ trợ sinh sản ở Trung Quốc với sự tham gia của 1109 phụ nữ. Tiêu chuẩn nhận mẫu bao gồm: tuổi < 40, thực hiện chu kỳ FET đầu tiên trong vòng 6 tháng sau khi OPU. Trước khi thực hiện chu kỳ TTON, tất cả các phụ nữ trên đã được đánh giá các bất thường về cấu trúc, chức năng của tử cung và được điều trị nếu như có bất thường. Những phụ nữ thực hiện FET trong chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên sau OPU được xếp vào nhóm chuyển phôi ngay và nhóm còn lại gồm những phụ nữ trì hoãn việc chuyển phôi.
 
Các phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung bao gồm: liệu pháp hormone thay thế (hormonal replacement therapy – HRT), chu kỳ tự nhiên (natural cycle – NC), kích thích buồng trứng (ovarian stimulation – OS). Số phôi được chuyển ≤ 2. Kết cục của thai kỳ sẽ được đánh giá qua nồng độ hCG trong máu ngày thứ 12 sau FET và qua siêu âm ngả âm đạo ngày thứ 35 sau FET. Thai lâm sàng khi được định nghĩa thấy được túi thai trên siêu âm. Trẻ sinh sống được định nghĩa là trẻ sơ sinh khỏe mạnh được sinh ra từ 28 tuần thai trở lên, đây chính là kết cục chính của NC.
 
Hai nhóm phụ nữ được nghiên cứu gồm 219 người trong nhóm chuyển phôi ngay khi có kinh sau chọc hút và 890 người trong nhóm trì hoãn. Thời gian chờ để thực hiện FET trung bình ở nhóm chuyển phôi ngay ngắn hơn nhiều so với nhóm trì hoãn (30,77 ± 3,81 ngày so với 80,72 ± 26,49 ngày; P < 0,05). Kết quả thu được cho thấy tỷ lệ thai lâm sàng (57,5% so với 56,9%) và tỷ lệ trẻ sinh sống (47,9% so với 48,4%), khác biệt không có ý nghĩa thống kê (p>0.05). Sau phân tích PSM ghi nhận chỉ còn lại 209 phụ nữ trong nhóm chuyển phôi ngay và 499 phụ nữ trong nhóm trì hoãn. Kết quả thu được cho thấy tỷ lệ thai lâm sàng và tỷ lệ trẻ sinh sống ở nhóm chuyển phôi ngay lần lượt là 58,4% và 48,3%, tương đương với nhóm trì hoãn (58,1% và 49,7%, P > 0,05). Ngoài ra, từ các số liệu thống kê, không có sự khác biệt đáng kể về kết cục của trẻ sơ sinh giữa hai nhóm: cân nặng trung bình (3088,82 ± 565,35 g so với 3038,64 ± 625,78 g, P > 0,05) và chiều dài trung bình (49,08 ± 1,87 cm so với 49,30 ± 2,52 cm).
 
Sau khi thực hiện quy trình trữ lạnh toàn bộ phôi, bệnh nhân thường quan tâm vấn đề thời điểm chuyển phôi thích hợp. Về quy trình trữ lạnh toàn bộ, khoảng thời gian tối ưu để thực hiện FET sau khi OPU vẫn còn gây tranh cãi. Các nghiên cứu được công bố từ năm 2016 đến 2018 cho thấy rằng việc thực hiện FET trong chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên sau OPU hoặc ở chu kỳ kinh sau không ảnh hưởng đến tỷ lệ trẻ sinh sống. Tuy nhiên, những nghiên cứu này chưa đủ mạnh để có thể đưa ra kết luận vì có nhiều sai số cũng như chưa đánh giá được chất lượng của phôi – là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá tỷ lệ thai lâm sàng.
 
Điểm mạnh của nghiên cứu này là đã kiểm soát những yếu tố gây nhiễu và đồng thời đánh giá chất lượng của phôi trước khi thực hiện FET để tránh lặp lại những sai sót như những nhà nghiên cứu trước đó. Một điều nữa liên quan đến sức khỏe của trẻ sơ sinh được sinh ra bằng phương pháp FET. Một số nghiên cứu cho rằng việc trì hoãn FET có thể dẫn đến trẻ sinh ra có cân nặng lớn hơn bình thường. Trong những nghiên cứu này, việc trì hoãn FET là ≥ 40 ngày tuy nhiên thời gian trì hoãn tối đa thì không được đề cập đến. Điều này đã được khắc phục bởi nhóm tác giả với việc xác định 6 tháng là thời gian trì hoãn tối đa.
 
Hạn chế của nghiên cứu là NC vẫn chưa mang tính ngẫu nhiên vì bệnh nhân là người được lựa chọn khi nào sẽ thực hiện FET do đó sẽ có sự chênh lệch về số lượng giữa hai nhóm nghiên cứu.
 
Tóm lại, NC của tác giả Mengxia Ji và cộng sự khuyến cáo rằng nếu không có chống chỉ định và bệnh nhân mong muốn có thai sớm, FET nên được thực hiện ngay sau chu kỳ OPU vì không có sự khác biệt về kết cục lâm sàng của thai cũng như của trẻ sơ sinh sau này.
 
Nguồn: Ji, M., Jin, B., Guo, X., Wu, R., Jiang, Y., Zhang, L., & Shu, J. (2022). It is not worth postponing frozen embryo transfers after oocyte pickup: A retrospective cohort study based on propensity score matching. Frontiers in Endocrinology, 13. doi:10.3389/fendo.2022.971616

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK