Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 06-06-2023 9:28am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Trung Kiên – IVF Vạn Hạnh, Bệnh viện Vạn Hạnh

Mở đầu
Xã hội hiện đại hối hả khiến giới trẻ ngày nay thường chọn sinh con muộn để tập trung cho sự nghiệp. Việc này dẫn đến tuổi trung bình của cha mẹ các bé sinh ra ngày càng tăng. Từ thực trạng vô sinh hiếm muộn phổ biến và nhu cầu cải thiện kết quả hỗ trợ sinh sản (ART) mà rất nhiều nghiên cứu chuyên sâu ra đời mỗi năm trên khắp thế giới. Nhiều chu kỳ điều trị có kết cục thất bại mặc dù chất lượng giao tử, chất lượng phôi hay quá trình nuôi cấy tốt, mà nguyên nhân nằm ở kỹ thuật chuyển phôi (ET) dưới mức tối ưu. Do đó, những nỗ lực cải thiện kỹ thuật ET có thể làm tăng tỷ lệ thành công của điều trị ART bằng cách tăng tỷ lệ làm tổ.
 
Trước đây, kỹ thuật ET được thực hiện chủ yếu dựa vào cảm nhận khi thao tác và kinh nghiệm của bác sĩ. Với những tiến bộ trong quy trình ET, việc sử dụng siêu âm bụng (TAUS) hỗ trợ ET đã được ra đời. Sticklers và cộng sự vào năm 1985 là nhóm đầu tiên mô tả lợi ích của việc sử dụng US cho ET. Các nghiên cứu lớn nhỏ nổ ra trong 20 năm tiếp theo đã chứng minh hiệu quả của ứng dụng TAUS cho ET với toàn thế giới. Ứng dụng siêu âm đường âm đạo (TVUS) hỗ trợ ET lần đầu được đề cập vào năm 1990 bởi Hurley và cộng sự. Trái với TAUS, việc sử dụng ET + TVUS không yêu cầu bàng quang đầy nên tránh đau và khó chịu cho bệnh nhân, cho phép quan sát rõ hơn đầu catheter trong quá trình chuyển và cung cấp độ phân giải góc tử cung tốt hơn dẫn đến kết quả mang thai thuận lợi hơn. Mặt khác, lớp mỡ lớn dưới da làm giảm chất lượng hình ảnh siêu âm, khiến các chuyên viên khó phát hiện những điểm bất thường trong thao tác.
 
Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là so sánh TVUS với TAUS trong ET ở các chu kỳ ICSI với những bệnh nhân béo phì về tỷ lệ thai lâm sàng, sự khó chịu và đau đớn của bệnh nhân, tỷ lệ sinh sống, tỷ lệ làm tổ, tỷ lệ sẩy thai và thời gian ET.
 
Thiết kế nghiên cứu
Nghiên cứu được thực hiện tại đơn vị IVF Kasr Al Ainy ở Cairo, Ai Cập từ tháng 4 năm 2018 đến tháng 2 năm 2021.
 
Đối tượng nghiên cứu bao gồm những người thực hiện chu kỳ ICSI tại trung tâm và thỏa mãn các tiêu chí sau: (1) tuổi từ 25–40 với BMI ≥ 30; (2) dự trữ buồng trứng tốt (số lượng nang trứng từ 8–15, FSH<12mIU/mL, AMH 1,5 đến 3,5ng/mL); và (3) vô sinh không rõ nguyên nhân hơn 3 năm. Các tiêu chí loại trừ gồm: (1) tất cả các cặp vợ chồng có yếu tố vô sinh nam nghiêm trọng; (2) bất kỳ yếu tố vô sinh do tử cung nào được phát hiện bằng siêu âm và nội soi buồng tử cung; (3) bệnh nhân bị u lạc nội mạc tử cung buồng trứng hoặc hội chứng buồng trứng đa nang; (4) béo phì do rối loạn chức năng nội tiết, ví dụ rối loạn tuyến giáp hoặc tuyến thượng thận; và (5) bệnh nhân thất bại ICSI nhiều lần trước đó (˃5 lần).
 
Tất cả bệnh nhân đều được khai thác bệnh sử, khám tổng quát bao gồm các dấu hiệu sinh tồn, chỉ số BMI, khám vùng bụng và vùng chậu. TVUS 2D cơ bản và xét nghiệm máu xác định với các chỉ số đi kèm như FSH, LH, E2, prolactin, TSH huyết thanh và hormone kháng Mullerian (AMH).
 
Sau khi ICSI và nuôi cấy phôi. Tất cả các trường hợp sẽ được chuyển phôi tươi vào ngày thứ 3 chu kỳ dưới sự hỗ trợ từ TAUS hoặc TVUS, theo phân bổ nghiên cứu.
 
Kết quả
800 ca được chia ngẫu nhiên vào ET & TAUS hoặc TVUS với 400 ca mỗi nhóm.
 
Kết quả cho thấy tỷ lệ mang thai lâm sàng cao hơn đáng kể ở nhóm TVUS so với nhóm TAUS (37,8% so với 30,8% p = 0,0044). Tỉ lệ thai sinh hóa ở nhóm TVUS cũng cao hơn TAUS (45,3% so với 38,3% p = 0,0045). Không có trường hợp thai ngoài tử cung nào được phát hiện ở cả hai nhóm. Mức độ đau của bệnh nhân mà nhóm khảo sát được ở nhóm TVUS ít hơn đáng kể so với nhóm TAUS (2,1 ± 0,7 so với 4,5 ± 1,3 p = 0,0001), tương tự với mức khó chịu từ phía bệnh nhân (13% so với 58% p = 0,0001). Tỷ lệ trẻ sinh sống của nhóm siêu âm ngả âm đạo (50,2%) cao hơn so với ngả bụng (44,8%). Tuy nhiên, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa cả hai nhóm về tỷ lệ làm tổ và tỷ lệ sẩy thai. Thời lượng ET (giây) ở nhóm TAUS dài hơn so với nhóm TVUS (201,8 ±42,4 so với 197,19 ±27,3) nhưng sự khác biệt này không có ý nghĩa thống kê. Tỷ lệ sinh khó ở nhóm TAUS cao hơn nhóm TVUS (7,8% so với 5,0%), tỷ lệ thai lâm sàng, tỷ lệ sinh sống trên thai lâm sàng và tỷ lệ sinh sống trên mỗi ca sinh khó ET của nhóm TVUS đều cao hơn TAUS. Tuy nhiên sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê.
 
Thảo luận & Kết luận
Bước ET vẫn là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự thành công của các chu kỳ IVF. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sinh hóa và lâm sàng cao hơn đáng kể ở nhóm TVUS so với nhóm TAUS. Những kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Larue và cộng sự 2017 cho thấy tỷ lệ có thai tăng rõ rệt ở TVUS (38% so với 30%; p = 0,0004). Tuy nhiên, Karavani và cộng sự 2017 không cùng quan điểm khi cho rằng không có sự khác biệt về tỷ lệ thai lâm sàng giữa hai nhóm, điều này có thể được giải thích là do số lượng bệnh nhân trong nghiên cứu đó thấp hơn (60 bệnh nhân ở mỗi nhóm). Một trong những ưu điểm chính của TVUS ET là chỉ cần một người thực hiện mặc dù người đó cần được đào tạo và có kinh nghiệm vì kỹ thuật này liên quan đến việc xử lý chính xác đầu dò âm đạo và ống thông ET cùng một lúc. Đối với TAUS ET, nó đòi hỏi sự hiện diện của một nhân viên y tế khác ngoài bác sĩ được đào tạo bài bản hơn, ngoài ra TVUS có độ phân giải tốt hơn do gần với các cơ quan đích cho phép quan sát chính xác đầu catheter, đặc biệt là trong trường hợp béo phì và tử cung ngả sau. Một ưu điểm quan trọng khác của TVUS là yêu cầu bàng quang được làm trống hoàn toàn, trái ngược với TAUS, đòi hỏi phải căng bàng quang thích hợp, vừa tốn thời gian vừa gây khó chịu ở bụng và co thắt tử cung dẫn đến tăng lo lắng cho bệnh nhân. Về mặt lý thuyết, điều này có thể dẫn đến trục xuất phôi do đó giảm tỷ lệ làm tổ và mang thai. Mặt khác, bệnh nhân cũng có được sự dễ chịu mà ít đau đớn hơn khi thực hiện TVUS ET thay vì TAUS       . Nghiên cứu này cho thấy vai trò vượt trội nổi bật của ET do TVUS hướng dẫn so với TAUS ở những người tham gia béo phì.
 
Nguồn: Mohamed Hassan, S., Ramadan, W., Elsharkawy, M., & Ali Bayoumi, Y. (2021). The role of Transvaginal ultrasound guided embryo transfer to improve pregnancy rate in obese patients undergoing Intracytoplasmic sperm injection. International Journal of Women's Health, 861-867.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK