Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 07-07-2023 9:00am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Thị Vân Anh – IVF Vạn Hạnh

Leukocytospermia là tình trạng số lượng bạch cầu cao bất thường trong tinh dịch, chiếm 30% nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới. Trong Hướng dẫn labo lần thứ 5 về kiểm tra và xử lý tinh dịch người,của Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO) với mật độ từ 1x106 tế bào bạch cầu/ml tinh dịch được coi là tăng bạch cầu. Các nghiên cứu đã báo cáo bạch cầu làm tăng khả năng vô sinh nhưng ý nghĩa lâm sàng và cách điều trị vẫn chưa chắc chắn.
 
Bạch cầu trong tinh dịch có thể làm suy giảm chức năng của tinh trùng và các tuyến sinh dục phụ do kích thích các gốc oxi hóa (Reactive oxygen species - ROS) độc hại. Tinh trùng tiếp xúc với ROS quá mức gây peroxid hóa lipid bằng cách tấn công màng tế bào dẫn đến mất chức năng màng. Tuy nhiên, cho đến nay mối quan hệ giữa bạch cầu và các thông số tinh trùng và các bệnh nhiễm trùng đường sinh dục vẫn chưa được làm rõ. Do đó, rất khó để có thể xác định chính xác ảnh hưởng của bạch cầu đối với vô sinh. Quá trình xử lý tinh dịch trong hỗ trợ sinh sản (Assisted reproductive technology – ART) được tối ưu hóa nên có sự khác biệt đáng kể với tác động của bạch cầu trong mang thai tự nhiên.
 
Tăng bạch cầu là một dạng bất thường trong tinh dịch phổ biến, có thể ảnh hưởng xấu đến chất lượng tinh trùng và khả năng thụ tinh. Các nghiên cứu điều trị kháng sinh với bạch cầu có thể cải thiện các thông số tinh dịch và khả năng mang thai tự nhiên. Tuy nhiên, tăng bạch cầu có ảnh hưởng đến kết quả thụ tinh trong ống nghiệm (In vitro fertilization – IVF) và tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (Intracytoplasmic sperm injection – ICSI) vẫn còn nhiều tranh cãi. Hiên tại vẫn thiếu các nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng với cỡ mẫu lớn và các hướng dẫn lâm sàng về tình trạng tăng bạch cầu trong các trường hợp hỗ trợ sinh sản. Do đó, nghiên cứu này phân tích các kết quả lâm sàng trong trường hợp tăng bạch cầu để đưa ra hướng dẫn cho nam giới khi điều trị ART.
 
Phương pháp: Tất cả các cặp vợ chồng vô sinh do yếu tố nữ hoặc nam trong chu kỳ điều trị đầu tiên đáp ứng các tiêu chí sau: Tuổi mẹ ≤ 40 tuổi, di truyền bình thường, không có dị tật tử cung, rối loạn đông máu hoặc huyết khối. Bệnh nhân được chia làm 2 nhóm: nhóm có bạch cầu và không có bạch cầu trong tinh dịch, theo tiêu chuẩn của WHO. Bên cạnh đó, để đánh giá phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm ảnh hưởng đến kết quả hay không, các bệnh nhân được chia thành các nhóm: Nhóm IVF, nhóm ICSI và nhóm chia đôi số lượng noãn để thực hiện IVF và ICSI. Bệnh nhân thực hiện ICSI khi có chỉ số tinh dịch đồ: Mật độ < 10x106 tinh trùng/l, tỷ lệ di động < 32% hoặc tỷ lệ tinh trùng có hình thái bình thường <1%. Còn lại các mẫu sẽ thực hiện IVF hoặc IVF – ICSI. Các mẫu tinh dịch được chuẩn bị bằng kỹ thuật gradient thang nồng độ không liên tục.
 
Kết quả:  133 bệnh nhân có bạch cầu trong tinh dịch, cụ thể là 63 bệnh nhân ở nhóm IVF, 38 bệnh nhân ở nhóm ICSI và 32 bệnh nhân ở nhóm IVF – ICSI.
 
  • Kết quả IVF: Mật độ và độ di động tiến tới ở nhóm có bạch cầu thấp hơn so với nhóm đối chứng trước và sau chuẩn bị tinh trùng. Có sự khác biệt đáng kể về độ di động tiến tới và mật độ tinh trùng giữa các nhóm ( p < 0,05). Ngoài ra, tỷ lệ 1PN ở nhóm có bạch cầu cao hơn so với nhóm không có bạch cầu. Tuy nhiên, các kết quả như tỷ lệ thụ tinh, số phôi sử dụng, phôi chất lượng tốt, tỷ lệ sảy thai và tỷ lệ sinh sống tương đương nhau giữa các nhóm.
  • Kết quả ICSI: Bệnh nhân có bạch cầu và không có bạch cầu trải qua ICSI cho thấy không có sự khác biệt về mật độ, tỷ lệ tinh trùng có hình dạng bình thường giữa hai nhóm. Đồng thời, kết quả chu kỳ về tỷ lệ thụ tinh, thai lâm sàng, sảy thai, trẻ sinh sống không bị ảnh hưởng bởi sự hiện diện của bạch cầu trong tinh dịch.
  •  Kết quả phân tích chia đôi IVF – ICSI: Kết quả cho thấy không có sự khác biệt về khả năng thụ tinh, thai lâm sàng hoặc tỷ lệ sinh sống giữa các nhóm IVF, ICSI, IVF – ICSI. Mặc khác, tỷ lệ 2PN (4,59 ± 2,18 so với 3,63 ± 2,48, p = 0,006), số phôi sử dụng (3,0 ± 1,81 so với 2,16 ± 1,87, p = 0,007) và phôi chất lượng tốt (1,97 ± 1,53 so với 1,34 ± 1,03, p = 0,005) ở nhóm ICSI cao hơn nhóm IVF. Tuy nhiên, không có sự khác biệt về tỷ lệ thai lâm sàng, tỷ lệ trẻ sinh sống giữa IVF và ICSI.
 
Bàn luận: Cho đến nay ý nghĩa lâm sàng của bạch cầu lên kết quả điều trị ART còn nhiều tranh cãi. Nghiên cứu đã phân tích ảnh hưởng của bạch cầu lên các phương pháp điều trị. Trong đó, cho thấy tác động bất lợi của mật độ, độ di động tiến tới của bệnh nhân có bạch cầu tương tự như các nghiên cứu trước đây. Chất lượng tinh trùng kém liên quan đến tăng ROS và các chất trung gian gây viêm. Khác biệt không đáng kể về tỷ lệ thụ tinh giữa các nhóm tương tự các công bố trong gần một thập kỷ qua. Tuy nhiên, ảnh hưởng chính xác của bạch cầu đối với quá trình thụ tinh chưa rõ ràng. Các kết quả dẫn đến câu hỏi liệu có cần thiết phải điều trị tăng bạch cầu nếu các cặp vợ chồng có kế hoạch thực hiện TTTON hay không. Các nghiên cứu chỉ ra rằng sử dụng IVF hoặc ICSI không có ảnh hưởng đáng kể đến kết quả lâm sàng. Do đó, các bác sĩ có thể sự dụng IVF nhiều hơn khi chất lượng tinh trùng tốt, ICSI khi tinh trùng bất thường nhiều.
 
Kết luận: Trong thụ tinh trong ống nghiệm, tăng bạch cầu bất thường có thể là một yếu tố rủi ro ảnh hưởng đến các thông số tinh dịch và cần lưu ý nhiều hơn đến kết quả điều trị. Tăng bạch cầu không có tác động tiêu cực đáng kể đối với ART. Sử dụng ICSI có thể thu được kết quả phôi tốt hơn IVF với các mẫu tinh dịch có bạch cầu, nhưng không thể cải thiện tỷ lệ mang thai lâm sàng, tỷ lệ trẻ sinh sống.
 
Nguồn: Qiao, X., Zeng, R., Yang, Z. và cộng sự (2022). Effects of leukocytospermia on the outcomes of assisted reproductive technology. Andrologia, 54(6), e14403.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK