Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 03-12-2022 9:53am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
ThS. BS. Đinh Thanh Nhân – Khoa Phụ Sản, BVĐK Gia Đình
 
Tỷ lệ sinh mổ đang tăng trên toàn cầu. Số liệu này ở Hoa Kỳ là > 30% tổng số ca sinh. Do đó, nhiều phụ nữ phải đối mặt với quyết định xem họ nên cố gắng sinh thường sau mổ lấy thai (VBAC – Vaginal Birth After Ceasarean section) hay chọn phương pháp mổ lấy thai lặp lại (ERCS – Elective Repeat Ceasarean Section).
 
Kết quả của một nghiên cứu mới đây ở Vương quốc Anh có thể giúp họ đưa ra lựa chọn sáng suốt hơn. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những phụ nữ được thực hiện VBAC có nguy cơ cao hơn gấp 2 lần bị rối loạn chức năng sàn chậu nghiêm trọng so với những người chọn mổ lấy thai lần thứ hai. Những phát hiện này cung cấp thông tin bổ sung quan trọng để có thể tư vấn cho nhóm phụ nữ đã từng mổ lấy thai trước đây về những nguy cơ và lợi ích liên quan đến lựa chọn phương pháp sinh trong tương lai của họ.
 
Các hướng dẫn hiện nay đề xuất rằng phụ nữ được lựa chọn VBAC nếu họ không có chống chỉ định sinh ngả âm đạo sau khi được tư vấn về nguy cơ và lợi ích của từng lựa chọn. Bằng cách sinh ngả âm đạo, phụ nữ tránh được các biến chứng tiềm ẩn của phẫu thuật, như nhiễm trùng, mất máu, rút ngắn thời gian nằm viện và nuôi con bằng sữa mẹ tốt hơn. Nhưng VBAC cũng có những nguy cơ: nhiễm trùng, mất máu và trong một số trường hợp hiếm có thể vỡ vết mổ cũ. Điều này có thể gây chảy máu tử cung và suy thai, đe dọa tính mạng của sản phụ và thai nhi.
 
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford và Đại học Aberdeen đã tiến hành một nghiên cứu thuần tập các ca sinh đủ tháng ở những phụ nữ đã mổ lấy thai ≥ 1 lần từ năm 1983 - 1996. Trong số 47.414 phụ nữ tham gia, đã có 1159 người (2,44%) cần được thực hiện phẫu thuật sàn chậu trong thời gian nghiên cứu. Tỷ lệ của các phẫu thuật này ở phụ nữ trong nhóm VBAC là 1,75/1000 ca sinh, so với 0,66/1000 ở những phụ nữ trong nhóm ERCS.
 
Sau khi điều chỉnh các yếu tố liên quan về nhân khẩu học, sản khoa và tình trạng sức khỏe của sản phụ, nguy cơ phải trải qua bất kỳ loại phẫu thuật sàn chậu nào ở những phụ nữ đã lên kế hoạch cho VBAC cao hơn gấp đôi so với những người đã chọn ERCS.
 
Trong số những trường hợp cần phẫu thuật, các chẩn đoán phổ biến nhất là sa tạng chậu (53%) và són tiểu (46%), với tỷ số nguy cơ điều chỉnh lần lượt là 3,17 (CI 95%, 2,47 - 4,09) và 2,26 (CI 95%, 1,79 - 2,84). Trong số những phụ nữ đã lên kế hoạch VBAC nhưng cuối cùng lại yêu cầu mổ lấy thai lặp lại do chuyển dạ sinh thất bại, nguy cơ phải trải qua phẫu thuật vùng chậu tương tự như ở những phụ nữ đã lên kế hoạch ERCS.
 
Trong khi đó, các hướng dẫn hiện tại tập trung vào các biến chứng ngắn hạn như nguy cơ vỡ tử cung, nghiên cứu này giúp xác định tầm quan trọng của kết quả lâu dài của VBAC. Kết quả nghiên cứu này có nên thay đổi cách các nhà lâm sàng sản khoa thảo luận về nguy cơ và lợi ích của VBAC với bệnh nhân của họ không? Có vẻ như câu trả lời dễ dàng là mọi người chỉ nên mổ lấy thai để tránh tổn thương sàn chậu khi sinh con, nhưng điều đó cũng đi kèm với các nguy cơ đã đề cập ở trên. Vì vậy, đối với thai phụ đã có tiền sử mổ lấy thai, luôn cần có sự cân nhắc giữa nguy cơ tổn thương sàn chậu tiềm ẩn liên quan đến sinh qua ngả âm đạo và nguy cơ của phẫu thuật liên quan đến mổ lấy thai.
 
Nguồn: Fitzpatrick KE, Abdel-Fattah M, Hemelaar J, Kurinczuk JJ, Quigley MA (2022) Planned mode of birth after previous cesarean section and risk of undergoing pelvic floor surgery: A Scottish population-based record linkage cohort study. PLoS Med 19(11): e1004119. https://doi.org/10.1371/journal.pmed.1004119
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
Sự giao tiếp giữa mẹ và phôi - Ngày đăng: 14-11-2022
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK