Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 01-12-2022 3:01pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phạm Ngọc Đan Thanh – IVFMD An Sinh, Bệnh viện An Sinh

Sau khi quá trình thụ tinh diễn ra thành công, phôi trải qua quá trình phân chia từ 1 tế bào thành 2 tế bào, 4 tế bào và đến 8 tế bào, sau khi kích hoạt bộ gene phôi, các tế bào bắt đầu nén chặt để đạt đến giai đoạn phôi dâu. Quá trình hình thành phôi nang được được định nghĩa khi phôi bắt đầu tạo khoang, các tế bào dần biệt hoá thành khối tế bào bên trong (ICM) và lá nuôi phôi (TE) vào ngày thứ 5 hoặc 6 sau khi thụ tinh. Bên cạnh chất lượng phôi, tuổi người phụ nữ được cho là một thông số quan trọng cần xem xét để đánh giá cơ hội mang thai. Nhiều nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ có thai giảm dần khi tuổi càng lớn, từ 39% ở nhóm < 35 tuổi xuống còn 9% ở nhóm > 40 tuổi. Sự suy giảm khả năng có thai có thể giải thích bằng việc giảm số lượng và giảm chất lượng noãn khi càng lớn tuổi, cũng như tăng nguy cơ lệch bội ở phôi. Ngày nay, phụ nữ thời hiện đại có xu hướng kết hôn muộn và tập trung sự nghiệp. Với độ tuổi trung bình ở những người lần đầu làm mẹ ngày càng tăng thì thách thức có thai khi lớn tuổi ngày càng phổ biến và quan trọng hơn.

Trong quá trình điều trị hỗ trợ sinh sản (ART), các trung tâm có xu hướng chuyển phôi nang (phôi ngày 5/6) hơn phôi ở giai đoạn phân chia (phôi ngày 3) vì việc nuôi cấy kéo dài có thể đánh giá tiềm năng phát triển của phôi, đồng thời tỉ lệ lệch bội ở phôi nang thấp hơn so với phôi ở giai đoạn phân chia. Đối với phôi đạt đến giai đoạn phôi nang, mức độ phát triển và hình thái phôi được sử dụng làm thước đo sinh học để chọn lựa phôi chuyển. Trên toàn thế giới, việc phân loại phôi được chia như sau: độ phát triển được xếp loại từ 1 đến 6 (khi phôi bắt đầu tạo khoang đến thoát màng hoàn toàn), ICM được xếp loại từ A đến C và TE được xếp loại từ A đến C theo định nghĩa của Gardner và Schoolcraft và theo sự đồng thuận Istanbul. Các kết quả nghiên cứu đều đồng thuận rằng giai đoạn phát triển phôi nang và chất lượng TE có liên quan đến khả năng có thai. Hơn nữa, đối với các chu kỳ chuyển phôi đông lạnh-rã đông (FET), mối liên quan đáng kể giữa chất lượng TE và và kết quả thai kỳ đã được chỉ ra. Một nghiên cứu đoàn hệ lớn (11.744 chu kỳ điều trị) (2017) điều tra ảnh hưởng của tuổi của phụ nữ đối với phôi giai đoạn phân chia cho thấy rằng tuổi tác không gây ra tác động đáng kể đến kích thước, sự đối xứng hoặc sự phân mảnh của phôi bào. Tương tự, với việc chọn lựa phôi nang để chuyển, số lượng noãn thu được mới là yếu tố có giá trị dự đoán khả năng thành công chứ không phải độ tuổi của người vợ. Tuy nhiên, với việc ngày càng nhiều phụ nữ lớn tuổi thực hiện ART, cần phải có sự đánh giá lại yếu tố ảnh hưởng của độ tuổi người vợ đến kết quả điều trị.
 
Sau khi được chuyển vào tử cung, phôi bám vào niêm mạc và bắt đầu làm tổ, đồng thời lá nuôi bắt đầu sản xuất huyết thanh chorionic gonadotrophin (hCG) cung cấp tín hiệu mang thai đầu tiên được phát hiện trong máu mẹ. Vì vậy, nồng độ hCG được đánh giá nhằm nhận biết quá trình đã thành công bước đầu hay chưa. Một nghiên cứu trước đây cho thấy chỉ số hCG cao hơn ở nhóm phụ nữ lớn tuổi chuyển 1 phôi ngày 3 và mang thai đơn, có thể thấy sự biệt hoá TE và bánh nhau có thể ảnh hưởng bởi độ tuổi.
 
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá mối tương quan giữa độ tuổi người vợ và cấp độ phát triển cũng như hình thái của phôi nang tiềm năng.
 
Thiết kế nghiên cứu
Đây là nghiên cứu đa trung tâm với 16 trung tâm IVF và các trường đại học tại Đan Mạch dựa trên dữ liệu độ tuổi và chất lượng phôi nang tiềm năng (giai đoạn phôi nang và hình thái) và sự gia tăng ban đầu chỉ số hCG từ những phụ nữ chuyển đơn phôi có kết quả đơn thai. Những trường hợp thực hiện xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (PGT), xin noãn, xin tinh trùng không được nhận vào nghiên cứu. Dữ liệu ghi nhận độ tuổi vợ, chất lượng phôi nang được ghi nhận bao gồm giai đoạn phát triển phôi nang (1–6), chất lượng tế bào ICM (A, B, C), lá nuôi TE (A, B, C) và giá trị hCG huyết thanh ban đầu.
 
Nghiên cứu thực hiện từ 2014 đến 2018, có 7.246 phụ nữ thực hiện kích thích buồng trứng có kiểm soát (COS), chuyển phôi đông lạnh/rã đông (FET) với một lần chuyển phôi nang dẫn đến mang thai đơn.
 
Kết quả
Việc liên kết dữ liệu với Cơ quan đăng ký khai sinh y khoa Đan Mạch, kết quả cho thấy có  4.842 phụ nữ sinh con khoẻ mạnh. Phân tích đã điều chỉnh về độ tuổi và giai đoạn trong các phương pháp kích thích buồng trứng cho thấy cứ với 1 năm tuổi tăng lên thì giảm 5% khả năng phôi có thể phát triển đến giai đoạn phôi nang tiềm nang. Nhóm nghiên cứu cho thấy không có mối liên hệ giữa tuổi vợ và chất lượng (A, B và C) của TE và ICM. Chỉ số hCG ban đầu giữa hai nhóm trẻ tuổi (18-24 tuổi và 24-29 tuổi) cho thấy tỉ lệ hCG thấp nhất ở nhóm trẻ nhất. Kết quả nghiên cứu đồng thuận với giả thuyết cho rằng có mối liên hệ giữa tuổi trẻ và giá trị hCG thấp ban đầu sau khi điều trị ART dù chuyển phôi phân chia hay phôi nang.
 
Kết luận
Tuổi vợ và cấp độ, chất lượng phôi nang có mối liên hệ, tuy nhiên bằng chứng vẫn còn thấp. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy với độ tuổi tăng thêm 1 tuổi thì giảm 5% khả năng phôi phát triển đến giai đoạn phôi nang có tiềm năng. Nhóm nghiên cứu đồng thời cho thấy, việc gia tăng tỉ lệ hCG ban đầu bị ảnh hưởng bởi đội tuổi, những phụ nữ trẻ nhất có chỉ số hCG ban đầu thấp nhất.  

Nguồn: Borgstrøm, M. B., Grøndahl, M. L., Klausen, T. W., Danielsen, A. K., Thomsen, T., Gabrielsen, A., ... & Kesmodel, U. S. (2021). Association between women’s age and stage, morphology, and implantation of the competent blastocyst: a multicenter cohort study. Fertility and Sterility, 115(3), 646-654.

Các tin khác cùng chuyên mục:
Sự giao tiếp giữa mẹ và phôi - Ngày đăng: 14-11-2022
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK