Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 26-11-2022 10:28pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
 CNSH. Trần Nhật Ánh Dương - IVFMD Tân Bình
 
Giới thiệu
Mỗi năm trên thế giới có hơn 15 triệu trẻ sinh non, chiếm 10% tổng số trẻ mới sinh. Sinh non chiếm hơn 75% tỉ lệ bệnh tật và tử vong chu sinh trên toàn thế giới. Hơn nữa, những trẻ sơ sinh sống sót có tỷ lệ mắc các bệnh tật bẩm sinh cao hơn, bao gồm các bệnh về tim mạch cũng như các khuyết tật về thần kinh và phát triển, so với trẻ sinh đủ tháng.
 
Một số nghiên cứu trước đây đã cho thấy mối tương quan giữa các yếu tố nguy cơ ở mẹ đối với sinh non như mang song thai, khoảng cách giữa các lần mang thai dưới sáu tháng, tiền sử sinh non, sẩy thai hoặc phá thai nhiều lần, hút thuốc lá hoặc sử dụng ma túy, các bệnh tim mạch như cao huyết áp hoặc đái thái đường, và nhiễm trùng đường sinh dục.
 
Một số quan điểm cho rằng việc sử dụng các phương pháp IVF hoặc ICSI sẽ làm tăng nguy cơ sinh non (tuần thai thứ 33-37) và sinh non sớm (tuần thai thứ 20-32). Tuy nhiên, các yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ sinh non trong nhóm thực hiện IVF/ICSI vẫn chưa được nghiên cứu một cách cụ thể cho đến ngày nay.
 
Việc hiểu biết rõ về các yếu tố rủi ro liên quan đến sinh non khi điều trị IVF/ICSI giúp xác định các yếu tố nguy cơ để đưa ra những lựa chọn can thiệp thích hợp nhằm cải thiện kết quả điều trị và sinh trẻ khỏe mạnh. Mục đích của nghiên cứu là xác định nguyên nhân hoặc lý do y tế dẫn đến sinh non và sinh non sớm ở những phụ nữ điều trị IVF/ICSI.
 
 
Thiết kế nghiên cứu
Đây là một nghiên cứu hồi cứu thực hiện trên 4349 phụ nữ vô sinh đã trải qua điều trị IVF/ICSI và đã sinh con. Tiêu chuẩn nhận vào nghiên cứu gồm phụ nữ vô sinh thực hiện IVF/ICSI, chuyển phôi tươi và có trẻ sinh sống sau điều trị. Tiêu chuẩn loại gồm sử dụng noãn, tinh trùng từ nguồn hiến tặng, không có dữ liệu lâm sàng đầy đủ, loại các trường hợp sinh bé >42 tuần, các trường hợp đã biết nguyên nhân vô sinh do yếu tố di truyền ở vợ hoặc chồng. Nghiên cứu được chia thành ba nhóm: (a) nhóm sinh non sớm (20 tuần ≤ tuổi thai < 32 tuần) (n = 66), (b) nhóm sinh non (32 tuần ≤ tuổi thai < 37 tuần) (n = 675) và (c) nhóm sinh đủ tháng (37 tuần ≤ tuổi thai< 42 tuần) (n = 3653). Tuổi thai được tính bằng cách cộng 2 tuần (14 ngày) vào số ngày kể từ khi thụ tinh. Tỷ lệ sinh non được tính bằng phân tích hồi quy logistic đa biến từng bước.
 
 
Các yếu tố nguy cơ sinh non sau đây đã được kiểm tra trong nghiên cứu này:
Các yếu tố nguy cơ của người mẹ: (1) các thông tin cơ bản trước khi kích trứng: quốc tịch, trình độ học vấn, tuổi, chiều cao, cân nặng, thời gian vô sinh, nguyên nhân vô sinh, chỉ số huyết áp; (2) tiền sử mang thai: số lần sinh, số lần sẩy thai / phá thai, thai ngoài tử cung, sinh tự nhiên, mổ lấy thai; (3) kết quả xét nghiệm máu trước khi kích trứng như chức năng gan thận, lipid máu, đông máu; (4) các yếu tố liên quan đến thai kỳ: đa thai, thực hiện thủ thuật giảm phôi, đái tháo đường thai kỳ, tăng huyết áp thai kỳ, nhau tiền đạo.
 
Các yếu tố rủi ro liên quan IVF/ICSI: số chu kỳ, phương pháp thụ tinh, tuổi phôi, phác đồ kích thích buồng trứng, nguồn tinh trùng, số lượng phôi được chuyển, liều lượng gonadotropin, ngày kích thích buồng trứng.
 
Dữ liệu về con cái: tuổi thai khi sinh, giới tính, cân nặng khi sinh.
 
Kết quả
Tổng cộng có 4328 ca được đưa vào nghiên cứu, 3653 ca trong số đó là sinh đủ tháng. Tỷ lệ sinh non và sinh non sớm lần lượt là 15,5% và 1,8%. Độ tuổi trung bình của phụ nữ tham gia là 30, BMI là 21,94 kg/m2. Nguyên nhân vô sinh trong nhóm tham gia nghiên cứu được phân bố như sau: vô sinh nguyên phát chiếm 42,9% và vô sinh thứ phát 57,1%. Thời gian vô sinh là 4 năm. Cân nặng của trẻ khi sinh trung bình là 3100g, tuổi thai trung bình là 38,4 tuần.
 
Phân tích đơn biến cho thấy có 15 thông số có khác biệt đáng kể giữa nhóm sinh đủ tháng và nhóm sinh non (P < 0,05), bao gồm 6 thông số của mẹ (tuổi, apolipoprotein B, cholesterol toàn phần, triglyceride, lipoprotein tỷ trọng thấp và thời gian thromboplastin hoạt hóa từng phần (activated partial thromboplastin time - APTT), 5 yếu tố liên quan đến thai kỳ (đa thai, thực hiện giảm phôi, nhau tiền đạo, đái tháo đường thai kỳ và tăng huyết áp thai kỳ), 2 yếu tố liên quan đến IVF/ICSI (loại phôi chuyển và số phôi chuyển) và 2 yếu tố liên quan đến con cái (giới tính trẻ sơ sinh và thai chậm phát triển trong tử cung).
 
Hơn nữa, phân tích đơn biến so sánh sinh non sớm và sinh đủ tháng cho thấy có 10 yếu tố khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nhóm sinh đủ tháng và nhóm sinh non sớm (P < 0,05), bao gồm 3 thông số của mẹ (tuổi, apolipoprotein A1 và APTT), 3 yếu tố liên quan đến thai kỳ (đa thai, thực hiện giảm phôi và nhau tiền đạo), 3 yếu tố liên quan đến quy trình IVF/ICSI (loại phôi chuyển, chu kỳ điều trị và số lượng phôi được chuyển), 1 yếu tố liên quan đến con cái (giới tính trẻ sơ sinh).
15 yếu tố được phát hiện trong phân tích đơn biến ở trên được đưa vào phân tích logistic đa biến. Kết quả phân tích đa biến cho thấy so với nhóm tuổi mẹ 25–39 tuổi, tuổi mẹ trẻ hơn (20–24 tuổi) và tuổi mẹ lớn tuổi hơn (> 40 tuổi) có tỷ lệ sinh non tăng 0,5 lần và tỷ lệ sinh non sớm tăng gấp 1,13 lần. So với mang đơn thai, người mẹ mang đa thai có tỷ lệ sinh non tăng đáng kể 8,78 lần và tỷ lệ sinh non sớm tăng 7,58 lần. Tương tự, thực hiện thủ thuật giảm phôi hay nhau tiền đạo cũng làm tăng đáng kể tỷ lệ sinh non (2,54 lần, 13,95 lần) và tỷ lệ sinh non sớm (6,14 lần, 15,48 lần). Tuy tăng huyết áp thai kỳ, tăng triglycerid và APTT ngắn hơn có tương quan đến sinh non nhưng không tìm thấy mối tương quan với sinh non sớm.
 
Kết luận
Tóm lại, nghiên cứu đã chứng minh rằng tuổi mẹ, đa thai, giảm phôi và nhau tiền đạo có thể làm tăng nguy cơ sinh non ở phụ nữ thực hiện IVF/ICSI. Trong quá trình điều trị IVF/ICSI, số phôi chuyển trong mỗi chu kỳ nên giảm xuống để hạn chế nhu cầu thực hiện thủ thuật giảm phôi hoặc mang đa thai. Tăng cường khám thai là cần thiết trong suốt thời kỳ mang thai, nhất là đối với những bệnh nhân bị nhau tiền đạo. Phát hiện các bất thường về đông máu để có thể can thiệp kịp thời và hạn chế nguy cơ sinh non một cách hiệu quả.
 
TLTK: Li, J., Shen, J., Zhang, X., Peng, Y., Zhang, Q., Hu, L., ... & Hocher, B. (2022). Risk factors associated with preterm birth after IVF/ICSI. Scientific reports, 12(1), 1-9.
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
Sự giao tiếp giữa mẹ và phôi - Ngày đăng: 14-11-2022
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK