Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 17-06-2022 4:57pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Khổng Tiết Mây Như – IVFMD
 
Chuyển đơn phôi là phương án tốt nhất để làm giảm tỉ lệ đa thai. Việc giảm số lượng phôi chuyển mà không làm giảm tỉ lệ thai lâm sàng đòi hỏi sự cải thiện trong điều kiện nuôi cấy phôi cùng với một hệ thống phân loại phôi không xâm lấn. Bên cạnh đó, nuôi cấy phôi đến N5 để lựa chọn phôi nang tốt nhất và chuẩn bị tử cung phù hợp để đảm bảo tỉ lệ làm tổ cao và giảm nguy cơ sẩy thai là hai yếu tố rất quan trọng. Vì vậy, hệ thống time-lapse monitoring (TLM), một công cụ không xâm lấn nhằm giúp lựa chọn phôi tốt hơn bằng cách cung cấp điều kiện nuôi cấy ổn định và toàn cảnh về quá trình phát triển động học phôi đang được nhiều trung tâm IVF áp dụng. Hai sự kiện chính được phân tích là tham số động học (khoảng thời gian từ biến mất tiền nhân, phân chia thành 2 tế bào rồi đến phôi dâu và hình thành phôi nang) và tham số hình thái học (% phân mảnh, kích thước phôi đều hay không đều, đa nhân). Trong đó, nhiều báo cáo tổng quan đã đánh giá về giá trị dự đoán của tham số động học – hình thái học cho tình trạng bội thể của phôi và tìm thấy sự khác biệt ý nghĩa giữa phôi nguyên bội và lệch bội. Do đó, bài nghiên cứu hồi cứu để kiểm tra xem liệu khoảng thời gian từ lúc ICSI đến thời gian bắt đầu hình thành phôi nang có thể giúp tăng tỉ lệ làm tổ khi chuyển phôi nang N5 (được chọn dựa trên tham số hình thái).
 
Phân tích TLM của 196 phôi nang chuyển từ 174 chu kì IVF (2014-2015) đã được tiến hành. Đánh giá và lựa chọn phôi nang dựa trên phân tích hình thái học tiêu chuẩn của Gardner. Những phôi nang có hình dạng ngoại bì lá nuôi (trophectoderm – TE) và khối nội phôi bào (inner cell mass - ICM) tốt ở 120h được ưu tiên chuyển. Các tham số sự kiện được dùng là thụ tinh (tPNf), thời gian phân chia thành 2 phôi bào (t2) và sau đó là phân chia tế bào liên tục (t3, t4, t5, t6, t7, t8, t9), thời gian phôi dâu (tM), thời gian bắt đầu hình thành phôi nang (tSB), thời gian phôi nang (tB) và thời gian phôi nang nở rộng (tEB). Khoảng của tSB sau ICSI được giới hạn đến <114h. Các dữ liệu được phân tích hồi cứu cùng với sự kết hợp của KIDScore N3. Đây là mô hình loại bỏ dựa trên các thông số loại bỏ định tính, bao gồm hình thái N3 kém, dạng phân chia bất thường và <8 tế bào tại 68h sau ICSI. Các thông số định lượng bao gồm thời gian từ mờ dần tiền nhân đến giai đoạn 5 tế bào và thời gian của giai đoạn 3 tế bào.
 
Kết quả cho thấy:
-Trong 195 phôi nang N5 có 49,23% làm tổ. Trong 174 bệnh nhân được chuyển phôi có tỉ lệ thai lâm sàng là 51,7%.
-Không có mối tương quan giữa hình thái của ICM, TE, độ nở rộng với tỉ lệ làm tổ.
-Trong các phôi nang được chuyển, sự khác biệt ở tỉ lệ phôi nang sớm trong nhóm làm tổ và không làm tổ lần lượt là 5,2% và 13,1% (P=0,056).
-Phôi làm tổ thể hiện khoảng thời gian từ ICSI đến tSB ngắn hơn phôi không làm tổ (96,2±7,0h và 98,4±7,2h; P=0,030). Tương tự, trong 139 phôi đạt phôi nang nở rộng tại thời điểm chuyển phôi, khoảng thời gian đến tEB cũng ngắn hơn (106,6±6,0h và 109,7±7,0h; P=0,035). Đồng thời, nhóm phôi làm tổ cũng có khoảng thời gian ngắn hơn đáng kể từ tPNf và tất cả giai đoạn phân chia (t2,t3,t4,t5,t9) đến tSB so với nhóm phôi không làm tổ.
-Thời gian trung bình giữa ICSI và tSB của tất cả phôi chuyển là 96h. Khi chia thành 2 mốc thời gian là ngắn (78,9-95,9h) và dài (96-114h), tỉ lệ phôi nang làm tổ cao hơn đáng kể ở mốc thời gian ngắn hơn (58,8% và 42,6%; P=0,024). Điều đó cho thấy thời gian ngắn đạt tSB có thể dự đoán tiềm năng sinh sản cao.
-Phôi với KIDScore bậc 5 có tỉ lệ làm tổ là 53% cao hơn phôi có KIDScore bậc thấp (1-4) là 30,3% (P=0,004).
-Tỉ lệ phôi có KIDScore bậc 5 ở nhóm tSB ngắn cao hơn nhóm tSB dài lần lượt 92,5% và 76,5% (P=0,0006).
-Trong 162 phôi chuyển có KIDScore bậc 5, tỉ lệ làm tổ ở nhóm tSB ngắn cao hơn đáng kể so với nhóm tSB dài (62,2% và 45,5%; P=0,029).
-Không có sự khác biệt giữa tuổi mẹ và tSB (P=0,50) cũng như KIDScore (P=0,90).
 
Như vậy, việc mở rộng nuôi cấy phôi đến giai đoạn phôi nang cho phép lựa chọn phôi tốt hơn và tỉ lệ làm tổ cao hơn sau đó. Mục tiêu cuối cùng để nhận diện được dấu hiệu động học – hình thái cho chất lượng phôi nang có liên quan các tham số hình thái học sẽ hỗ trợ dự đoán tiềm năng làm tổ cao và tỉ lệ thai lâm sàng. Vì vậy, kết quả trên cho thấy sau khi điều chỉnh tuổi mẹ, khoảng thời gian ngắn hơn, <96h sau ICSI đến tín hiệu đầu của việc mở khoang (tSB) ở phôi dâu đã cải thiện khả năng lựa chọn và tỉ lệ thai lâm sàng. Mặt khác, tEB (<114h sau ICSI) rõ ràng là không thể có cho tất cả các phôi nang được chuyển, cũng có liên quan đến tỉ lệ thai lâm sàng.  
 
Tuy nhiên, bài nghiên cứu này cũng có một số giới hạn cần lưu ý như là khoảng thời gian của các giai đoạn phát triển dựa trên dữ liệu thu thập được từ một trung tâm nên có thể khác với các trung tâm khác mà nuôi cấy phôi dưới điều kiện khác. Bên cạnh đó, nghiên cứu chỉ tập trung vào phôi ICSI. Hơn nữa, trẻ sinh sống nên là kết cục chính của điều trị IVF chứ không phải thai lâm sàng. Vì vậy, các thống kê tương lai là cần thiết để khẳng định kết quả của nghiên cứu.
 
Tóm lại, dữ liệu hiện tại có thể hỗ trợ chuyên viên phôi học đánh giá sự khác nhau giữa phôi nang hình thái tốt với KIDScore N3 bậc cao và tiềm năng làm tổ cao từ phôi nang cùng loại với tiềm năng làm tổ thấp hơn. Giải pháp mới không xâm lấn này dùng sự kết hợp của tSB và KIDScore N3 cung cấp một công cụ cho việc lựa chọn phôi nang tốt hơn.
 
Nguồn: Soukhov E, Karavani G, Solodkin I.S và cộng sự. Prediction of embryo implantation rate using a sole parameter of timing of starting blastulation. 2022 Feb 18.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK