Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 09-06-2022 7:53am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CVPH. Phạm Duy Tùng – Bệnh viện đa khoa Mỹ Đức
 
Thất bại làm tổ luôn là kết quả không mong muốn của cả chuyên viên phôi học và bệnh nhân trong điều trị hiếm muộn. Nguyên nhân có thể kể đến như nội mạc tử cung (NMTC) kém, chất lượng phôi thấp hay có thể đến từ sự thiếu đồng bộ giữa NMTC và giai đoạn phát triển của phôi. Trong đó, chất lượng NMTC là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến khả năng làm tổ của phôi. Chất lượng NMTC kém có thể đến từ việc NMTC bị tổn thương, tăng sinh yếu nên không đạt được độ dày cần thiết hoặc khả năng tiếp nhận phôi kém. Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh độ dày NMTC có mối liên hệ mật thiết đến tỷ lệ phôi làm tổ, từ đó dẫn đến việc huỷ các chu kỳ chuyển phôi trữ nếu độ dày NMTC dưới 7mm trong thực hành lâm sàng. Một số phương pháp đã được thử nghiệm để hỗ trợ trong những trường hợp này có thể kể đến như cào NMTC để cải thiện độ dày nhưng đây là một phương pháp xâm lấn và hiệu quả mang lại vẫn còn nhiều tranh cãi. Hay để cải thiện sự đồng bộ giữa phôi và NMTC đã có nhiều nỗ lực nhằm đánh giá sự tiếp nhận của NMTC ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Tuy nhiên, những phương pháp này còn nhiều hạn chế cũng như hiệu quả không cao ở những bệnh nhân mà NMTC có tính tiếp nhận kém hay NMTC mỏng.
 
Truyền huyết tương giàu tiểu cầu (platelet‐rich plasma -PRP) tự thân là một phương pháp điều trị hứa hẹn. Trong đó, máu của bệnh nhân sẽ được lấy trong giai đoạn tăng sinh và xử lý để loại bỏ hồng cầu, bạch cầu nhằm thu được từ 0,3-1,0ml PRP tự thân. PRP này sau đó được bơm vào buồng tử cung từ 1-5 ngày trước khi thực hiện chuyển phôi. Quy trình này có thể được thực hiện nhiều lần nếu độ dày NMTC vẫn dưới ngưỡng 7mm. Đã có những nghiên cứu cho thấy phương pháp này giúp cải thiện độ dày NMTC, tỷ lệ phôi làm tổ và thai lâm sàng ở những bệnh nhân có NMTC mỏng hay sẩy thai liên tiếp. Tuy nhiên, số lượng báo cáo còn ít, tập trung ở một số ít trung tâm và chưa đề cập đến việc phôi chuyển có nguyên bội hay không vốn giúp loại bỏ các nguyên nhân sẩy thai đến từ tình trạng lệch bội của phôi. Do đó, nghiên cứu này ngoài việc tìm hiểu về khả năng cải thiện độ dày NMTC và tỷ lệ làm tổ, nhóm còn xem xét đến tỷ lệ thai lâm sàng khi thực hiện chuyển phôi lâm sàng cho các bệnh nhân được truyền PRP.
Hồi cứu được thực hiện trên dữ liệu 133 chu kỳ chuyển phôi trữ của 85 bệnh nhân được thực hiện 211 lần truyền PRP. Tất cả phôi chuyển đều là phôi nguyên bội khi thực hiện sàng lọc di truyền tiền làm tổ bằng kỹ thuật giải trình tự thế hệ mới. Nhóm bệnh nhân hầu hết được chẩn đoán thất bại làm tổ liên tiếp (56,5%), 27% được chẩn đoán NMTC mỏng và 16,5% còn lại với cả 2 tình trạng trên.
 
PRP tự thân được thu nhận bằng cách ly tâm 2 lần. 21ml máu được thu nhận và ly tâm với lực ly tâm 900 ở 14oC trong 10 phút để thu nhận huyết tương ở lớp trên, sau đó ly tâm lần 2 với lực ly tâm 1500 ở 14oC trong 15 phút để thu 0,5-0,75ml PRP. PRP được lưu trữ ở 4oC trong 2 giờ trước khi truyền cho bệnh nhân. Độ dày NMTC của bệnh nhân sẽ được xác định sau 72 giờ sau khi truyền PRP. Khoảng 55% bệnh nhân chỉ cần thực hiện 1 lần truyền PRP cho 1 chu kỳ. Số lần truyền được điều chỉnh dựa trên sự tăng sinh của NMTC. Nếu độ dày NMTC dưới 7mm, bệnh nhân sẽ phải truyền nhiều lần. Sau khi phân tích nhóm đạt được một số kết quả sau:
  • Việc truyền PRP giúp cải thiện đáng kể độ dày NMTC, trung bình từ 6,7mm lên 7,6mm ở tất cả các nhóm bệnh nhân. Dù chỉ thực hiện 1 lần truyền cũng giúp cải thiện độ dày từ 6,5mm lên 7,3mm (p<0,0001).
  • Tỷ lệ thai sinh hoá trong 1 lần chuyển phôi ở nhóm PRP là 48,3% so với nhóm đối chứng là 35,5% trên cùng nhóm bệnh nhân (RR 1,25, 95% KTC, 1,03-1,55).
  • Tỷ lệ thai lâm sàng cao hơn đáng kể ở nhóm PRP 37,1% so với 20,2% (RR 1,27, 95% KTC 1,10-1,50)
  • Tỷ lệ sẩy thai giảm đáng kể ở nhóm PRP 54,8% so với 93,8% (RR 0,43, 95% KTC 0,16-1,07).
  • Tỷ lệ trẻ sinh sống cũng cải thiện đáng kể so với những chu kỳ chuyển phôi trước của bệnh nhân 19,6% so với 2,9% (RR 1,21 95% KTC 1,12-1,35).
 
Qua các kết quả trên, nhóm nghiên cứu đề xuất việc truyền PRP có thể được cân nhắc thực hiện trên những bệnh nhân có NMTC mỏng hoặc sẩy thai liên tiếp hoặc có cả hai tình trạng trên. Mặc dù hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị hữu hiệu cho những trường hợp sẩy thai liên tiếp hay NMTC mỏng, PRP có thể được xem xét là một lựa chọn ít xâm lấn giúp cải thiện NMTC thông qua các yếu tố tăng trưởng và các cytokine có trong huyết tương giúp thúc đẩy quá trình tăng sinh của NMTC. Ở nghiên cứu này, sau khi loại bỏ các yếu tố di truyền từ phôi có thể ảnh hưởng đến sự làm tổ, nhóm nhận thấy việc sử dụng PRP tự thân giúp cải thiện chất lượng NMTC cũng như các kết quả lâm sàng trong điều trị hiếm muộn.
 
 
Nguồn: Russell SJ, Kwok YSS, Nguyen TTN, Librach C. Autologous platelet-rich plasma improves the endometrial thickness and live birth rate in patients with recurrent implantation failure and thin endometrium. J Assist Reprod Genet. 2022;1-8. doi:10.1007/s10815-022-02505-0

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK