Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 04-06-2022 11:37pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phan Thanh Chi - IVFMD Tân Bình
 
Bất thường nhiễm sắc thể (NST) chiếm đến 60% nguyên nhân gây sẩy thai. Cụ thể, các bất thường NST có thể bao gồm thể lệch bội như mất một NST (đơn bội), thêm một NST (thể ba nhiễm), thêm toàn bộ bộ NST (thể tam bội) hoặc những thay đổi cấu trúc trong NST như mất đoạn, nhân đôi và bất thường phức hợp. Với mong muốn thành công ngay lần đầu chuyển phôi mà trong vài năm qua việc sử dụng xét nghiệm di truyền tiền làm tổ phôi lệch bội (PGT-A) tăng lên đáng kể. Xét nghiệm PGT-A cho phép các cặp vợ chồng làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tránh chuyển phôi có bất thường NST hay nói cách khác là giảm nguy cơ sẩy thai, không mang thai hoặc thậm chí mang thai có NST bất thường.
 
Phần lớn ý kiến cho rằng phôi lệch bội có nguồn gốc từ NST của mẹ, tuy nhiên theo nghiên cứu của Kubicek và cộng sự (2019), 9,9% phôi lệch bội ở thể tam bội có thể có nguồn gốc từ cha. Thật vậy, một trong những yếu tố nguy cơ gây phôi lệch bội từ cha đã được biết đến là chuyển vị NST. Ngoài ra, các yếu tố khác như tuổi cha, chỉ số khối cơ thể (BMI) và các thông số phân tích tinh dịch đang được nghiên cứu trong nỗ lực dự đoán thể lệch bội phôi tổng thể. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mâu thuẫn cũng như thiếu định nghĩa rõ ràng về yếu tố tuổi cha đến tỷ lệ phôi lệch bội. Tương tự, mối quan hệ giữa béo phì ở nam và phôi lệch bội cũng chưa được hiểu rõ. Tỷ lệ béo phì ở nam giới (BMI ≥ 30 kg/m2  ) đang tăng nhanh với hơn 42% nam giới được phân loại là béo phì vào năm 2018. Béo phì ở nam giới có liên quan đến giảm mật độ và khả năng di động của tinh trùng, giảm tỷ lệ mang thai lâm sàng và sinh sống, hơn nữa làm tăng phân mảnh axit deoxyribonucleic (DNA) của tinh trùng. Mặc dù vậy, chưa có nghiên cứu nào đánh giá trực tiếp mối quan hệ của BMI nam giới đến tỷ lệ phôi lệch bội. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa các thông số phân tích tinh dịch và phôi lệch bội cũng chưa được biết rõ. Mặc dù đã có báo cáo cho thấy khả năng di động kém của tinh trùng và hình thái bất thường dẫn đến giảm tỷ lệ hình thành phôi nang, nhưng điều này không liên quan trực tiếp đến phôi lệch bội có nguồn gốc từ cha.
 
Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá mối tương quan giữa tuổi nam giới, tình trạng béo phì, các thông số phân tích tinh dịch và sự lệch bội của phôi có nguồn gốc từ cha. Giả thuyết rằng ngay cả với những phát hiện mâu thuẫn, những yếu tố nhất định của người cha như tuổi, BMI và các thông số phân tích tinh dịch sẽ dẫn đến tỷ lệ lệch bội phôi có nguồn gốc từ cha cao hơn.
 
Hồi cứu được thực hiện từ tháng 1 năm 2015 đến tháng 1 năm 2020 tại Northwestern Medicine gồm tất cả các chu kỳ IVF sử dụng xét nghiệm PGT-A. Mẫu tinh dịch được thu nhận sau 2-5 ngày kiêng xuất tinh và được phân tích dựa theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) 2010. Nghiên cứu này loại trừ trường hợp người hiến tặng tinh trùng. Ghi nhận tuổi và BMI gần nhất của người cha, khoảng 385 ngày tính từ ngày chuyển phôi. Phôi được nuôi đến giai đoạn phôi nang để thực hiện PGT-A.
 
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tổng cộng 453 chu kỳ IVF gồm 1720 phôi đã trải qua PGT-A bằng cách sử dụng microarray  đa hình đơn nucleotide .
  • Trung bình tuổi mẹ là 36,5 ± 3,5 trong khi trung bình tuổi cha là 39,5 ± 5,5. Trung bình BMI của mẹ và của cha theo thứ tự tương ứng là 24,7 ± 5,0 kg/m2 và 27,6 ± 4,3 kg/m2.
  • Phôi lệch bội có nguồn gốc từ cha được tìm thấy ở 8,4% (144/1720) phôi và có 1533 phôi với chỉ số BMI của người cha được ghi nhận.
  • Tỷ lệ phôi lệch bội có nguồn gốc từ cha là tương tự nhau giữa nam giới ở các nhóm BMI: BMI 18–24,9 kg/m2 là 7,2% (nhóm chứng); BMI 25–29,9 kg/m2 là 8,4% (tỷ lệ chênh lệch [OR], 1,12; KTC 95%, 0,79–1,82); và BMI ≥ 30 kg/m2 là 9,1% (OR, 1,31; KTC 95%, 0,83–2,08).
  • Trong số 1720 phôi, có 854 phôi từ nam giới có tinh dịch đồ bình thường và 866 phôi từ nam giới có tinh dịch đồ bất thường. Không có sự khác biệt nào về tỷ lệ phôi lệch bội có nguồn gốc từ cha giữa hai nhóm đàn ông trên. Phân tích dựa vào mật độ tinh trùng, tổng số lượng, khả năng di động, khả năng di động tiến tới và hình dạng tinh trùng. Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ lệch bội giữa nam giới < 50 tuổi và nam giới  ≥ 50 tuổi (OR, 1,69; KTC 95%, 0,96–2,98).
 
Tóm lại, tuổi cha, tình trạng béo phì và chất lượng tinh trùng không ảnh hưởng đáng kể đến tỷ lệ phôi lệch bội có nguồn gốc từ cha. Đây là một nghiên cứu sáng tạo sử dụng PGT-A để xem xét mối quan hệ giữa các đặc điểm của người cha và sự đóng góp của người cha đối với thể lệch bội phôi. Mặc dù không tìm thấy mối liên quan đáng kể nào, nhưng thông tin này có thể được sử dụng để trấn an những bệnh nhân đang thực hiện IVF. Hơn nữa, nghiên cứu sử dụng PGT-A để đánh giá phôi lệch bội có nguồn gốc từ bố mẹ ở giai đoạn còn là bào thai. Các nghiên cứu thuần tập lớn trong tương lai là cần thiết để hiểu rõ hơn về các yếu tố dự đoán thể lệch bội phôi có nguồn gốc từ cha.
 
Nguồn: Marissa L. Bonus, Dana B. McQueen, Rachel Ruderman, Lydia Hughes, Katrina Merrion, Melissa K. Maisenbacher, Eve Feinberg, Christina Boots. Relationship between paternal factors and embryonic aneuploidy of paternal origin. Fertility and Sterility, 2022. ISSN 0015-0282, https://doi.org/10.1016/j.fertnstert.2022.04.020.
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK