Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 23-05-2022 7:46am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Tăng Lê Thái Ngọc – IVFMD Tân Bình
 
Giới thiệu chung
Sẩy thai liên tiếp (RPL) được định nghĩa là hai hoặc nhiều lần sẩy thai lâm sàng trước 20 tuần tuổi thai. Trong nhóm phụ nữ bị RPL, một tỉ lệ đáng kể gặp phải các bất thường về miễn dịch, bao gồm tăng số lượng và độc tính tế bào natural killer (NK), tăng tỉ lệ tế bào T helper (Th)1/Th2 hoặc mắc phải tình trạng tăng đông máu. Ngoài ra, phần lớn các phụ nữ mắc RPL đều có nhiều nguyên nhân khác nhau, cho thấy các liệu pháp đơn trị liệu có thể không đủ để ngăn ngừa RPL ở một tỉ lệ đáng kể phụ nữ mắc RPL. Cùng với đó, thất bại làm tổ liên tiếp (RIF) thường được định nghĩa là ba hoặc nhiều lần làm tổ thất bại sau khi chuyển phôi. Bệnh nhân bị RIF cũng có các bất thường miễn dịch hoặc rối loạn đông máu tương tự như phụ nữ bị RPL chẳng hạn như tăng tỉ lệ tế bào NK và tăng độc tính tế bào. Điều trị điều hòa miễn dịch bằng prednisone, immunoglobulin G tiêm tĩnh mạch (IVIG) và heparin trọng lượng phân tử thấp (LMWH) cho những nhóm phụ nữ này đã được chứng minh là có thể cải thiện tỉ lệ thành công của các kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Điều thú vị là RPL và RIF có chung nguyên nhân cơ bản, và nhiều phụ nữ biểu hiện cả hai vấn đề cùng nhau.
 
Trong quá trình mang thai, việc làm tổ và duy trì thai kỳ đòi hỏi một trạng thái cân bằng miễn dịch phức tạp và tinh tế. Các giai đoạn viêm trong quá trình làm tổ, lão hóa miễn dịch tạm thời trong tam cá nguyệt thứ 2 và 3, và tình trạng viêm khi chuẩn bị sinh con là những hiện tượng không thể thiếu ở một thai kỳ bình thường. Tuy nhiên, bất kỳ sự mất cân bằng viêm nhiễm quá mức nào cũng có khả năng dẫn đến các kết quả sinh sản bất lợi như thất bại làm tổ, sẩy thai tự nhiên, sinh non và thai kém phát triển trong tử cung. Bên cạnh đó, GnRH và các chất tương tự được sử dụng trong chu kỳ IVF chuyển phôi tươi hoặc chuyển phôi đông lạnh (FET) cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tiền viêm. Do quá trình làm tổ là một trong những giai đoạn quan trọng quyết định đến kết quả mang thai thành công, việc duy trì sự cân bằng phù hợp giữa các phản ứng chống viêm trước, trong và sau khi chuyển phôi là vô cùng cần thiết. Việc điều trị điều hòa miễn dịch đã được công nhận có thể nâng cao kết quả mang thai ở những phụ nữ RPL và RIF với căn nguyên miễn dịch. Tuy nhiên, hiệu quả lâm sàng của điều trị điều hòa miễn dịch liên quan đến tỉ lệ mang thai (PR) chỉ mới được phân tích rộng rãi trên nhóm phụ nữ trải qua các chu kỳ không điều trị hỗ trợ sinh sản. Với lý do trên, nghiên cứu này đã được thực hiện để khảo sát xem liệu điều trị bằng liệu pháp điều hòa miễn dịch có cải thiện tỉ lệ thành công trong IVF ở những phụ nữ RPL và RIF với các bất thường miễn dịch tế bào và hội chứng tăng đông máu hay không.
 
Phương pháp
Đây là nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu trên 197 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp điều hòa miễn dịch và chống đông máu theo chu kỳ IVF từ ngày 1 tháng 1 năm 2006 đến ngày 31 tháng 8 năm 2015. Các bệnh nhân được chia thành bốn nhóm:
Nhóm 1 (n=72): phụ nữ có RPL nhưng không có RIF
Nhóm 2 (n=24): phụ nữ có RPL và RIF (≥3)
Nhóm 3 (n=77): phụ nữ có RPL sau IVF (> 2) và không có RIF
Nhóm 4 (n=24): phụ nữ có RPL sau IVF và RIF.
Bệnh nhân được điều trị điều hòa miễn dịch với chỉ prednisone hoặc prednisone kết hợp
IVIG và điều trị chống đông máu bằng LMWH và aspirin liều thấp. Các chu kỳ trước đó của cùng một bệnh nhân được coi là nhóm đối chứng. Mang thai lâm sàng được định nghĩa là phát hiện túi thai bằng siêu âm qua ngả âm đạo sau khi xét nghiệm hCG trong huyết thanh dương tính. Tỉ lệ có thai (PR) và tỉ lệ trẻ sinh sống (LBR) của các chu kỳ IVF được phân tích và so sánh với nhóm đối chứng.
 
Kết quả
  • Tỉ lệ có thai (PR) của các chu kỳ IVF với liệu pháp điều hòa miễn dịch đã tăng lên đáng kể ở tất cả bệnh nhân (48,2% so với 33,0%, P <0,001). Cụ thể, nhóm 1 là 54,2% so với 30,5% ở nhóm chứng (P <0,005) và nhóm 2 là 33,3% so với 11,0% ở nhóm chứng (P <0,005). Nhóm 3 và 4 có chỉ số PR của các chu kỳ IVF tăng so với nhóm chứng (Nhóm 3: 50,6% so với 48,3%; Nhóm 4: 37,5% so với 25,3%), tuy nhiên sự khác biệt này lại không có ý nghĩa thống kê.
  • Tỉ lệ trẻ sinh sống (LBR) được cải thiện đáng kể đối với tất cả bệnh nhân (1,8% so với 39,6%, P <0,001) và với các nhóm nghiên cứu so với đối chứng trước đây của họ (Nhóm 1: 43,1% so với 0%; Nhóm 2: 33,3% so với 2,5%; Nhóm 3: 45,5% so với 2,3%; Nhóm 4: lần lượt là 16,7% so với 1,2%, P <0,001).
  • Điều trị chỉ dùng Prednisone làm tăng LBR mỗi chu kỳ (30,6%) và trên mỗi thai kỳ (81,5%) so với LBR ở nhóm chứng (1,2% và 3,3%, tương ứng, P <0,0001). Tuy nhiên, không có sự khác biệt giữa PR của chu kỳ và của các đối chứng trước đó (36,5% so với 37,5%, P = 0,089).
  • Kết hợp prednisone và điều trị IVIG cải thiện cả PR (30,7% so với 54,4%, P <0,0001) và LBR mỗi chu kỳ (2,1% so với 44,8%, P <0,0001). Bệnh nhân điều trị kết hợp prednisone và IVIG có PR cao hơn (54,4%) so với bệnh nhân chỉ điều trị bằng prednisone (37,5%, P <0,05). LBR mỗi chu kỳ cũng cao hơn khi điều trị kết hợp (44,8%) so với chỉ dùng prednisone (30,6%, P <0,05).
 
Tóm lại, nghiên cứu này đã chứng minh rằng điều trị bằng liệu pháp điều hòa miễn dịch và chống đông máu có thể làm tăng đáng kể kết quả sinh sản ở những phụ nữ có bất thường miễn dịch tế bào và bệnh tăng đông máu. Việc kết hợp IVIG và prednisone với điều trị chống đông máu sẽ cho kết quả PR và LBR cao hơn so với những trường hợp điều trị chỉ dùng prednisone. Cuối cùng, việc đánh giá các nguyên nhân miễn dịch và áp dụng liệu pháp điều hòa miễn dịch phù hợp dựa trên căn nguyên bệnh có thể cải thiện hơn nữa kết quả sinh sản ở phụ nữ thất bại sinh sản và các bất thường miễn dịch tế bào.
 
Nguồn: Sung, N., Khan, S. A., Yiu, M. E., và cộng sự. Reproductive outcomes of women with recurrent pregnancy losses and repeated implantation failures are significantly improved with immunomodulatory treatment. Journal of reproductive immunology. 2021. 148: 103369.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK