Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 05-05-2022 8:54am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Như Quỳnh – IVF Vạn Hạnh

Béo phì có liên quan đến nhiều bệnh lí khác trong cơ thể như viêm mãn tính cấp độ thấp, các hội chứng liên quan đến con đường biến dưỡng, đái tháo đường, bệnh tim mạch và vô sinh. Những nghiên cứu hồi cứu gần đây cho thấy: bệnh nhân béo phì gặp những vấn đề liên quan đến khả năng tiếp nhận phôi của nội mạc tử cung, tỉ lệ noãn trưởng thành thấp, chất lượng phôi kém, từ đó dẫn đến tỉ lệ thai thấp và tỉ lệ sảy thai cao. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến khả năng sinh sản kém ở phụ nữ béo phì vẫn chưa rõ ràng. Các thí nghiệm trên mô hình động vật đã chỉ ra béo phì do đột biến gen và chế độ ăn nhiều chất béo (high-fat diet – HFD) cảm ứng việc hình thành các gốc oxy hoá hoạt động (reactive oxygen species – ROS), cản trở quá trình giảm phân, ảnh hưởng quá trình methyl hoá DNA và histon, giảm khả năng sửa chữa DNA của noãn (DNA repairation ability – DRA). Hơn nữa, sau khi thụ tinh, tỉ lệ phôi phát triển thành phôi nang giảm được ghi nhận trên mô hình chuột béo phì.
 
Thông số phân mảnh DNA tinh trùng (sperm DNA fragmentation index – DFI) được sử dụng để đánh giá mức độ tổn thương DNA và phản ánh trực tiếp chất lượng tinh trùng. Trong suốt quá trình sinh tinh, các phân mảnh DNA tinh trùng được sản xuất trong tế bào mầm, bao gồm gãy đứt mạch hoặc mất đoạn DNA. Một số nghiên cứu không tìm thấy khác biệt có ý nghĩa thống kê về chất lượng phôi và kết quả sinh sản giữa các nhóm có DFI khác nhau ở các chu kì thụ tinh trong ống nghiệm. Ngược lại, ở một số nghiên cứu khác, DFI càng cao thì chất lượng phôi cũng như kết quả điều trị càng thấp. Trong một nghiên cứu thực hiện trên mô hình chuột, tác giả Alfonso (2008) đã chứng minh rằng cả tỉ lệ thai và tỉ lệ sinh đều thấp hơn đáng kể khi noãn được thụ tinh với tinh trùng có DFI cao. Ngoài ra, họ cũng phát hiện rằng khi tiêm tinh trùng có DFI cao vào noãn có thể dẫn đến các tác động trong quá trình lão hoá, như phát triển bất thường, lão hoá sớm cùng với sự xuất hiện các khối u trung mô. Nguyên nhân dẫn đến những kết quả khác biệt này vẫn chưa được làm sáng tỏ. Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra chất lượng noãn và kết quả thai sẽ giảm khi chỉ số BMI tăng, trong khi ảnh hưởng của phân mảnh DNA tinh trùng đến kết quả thai không chỉ phụ thuộc vào mức độ phân mảnh mà còn ảnh hưởng bởi chất lượng noãn.
 
Nhóm tác giả đưa ra giả thiết rằng kết quả điều trị thấp khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm ở đối tượng phụ nữ béo phì có liên quan đến sự suy giảm khả năng sửa chữa sai hỏng DNA của noãn. Với mục đích phân tích giả thiết này, nghiên cứu đã thực hiện phân tích 1.612 chu kì điều trị IVF.
 
Dựa trên chỉ số BMI, các bệnh nhân được chia thành 2 nhóm nghiên cứu chính:
- Nhóm 1 (n = 1.187): nhóm có cân nặng bình thường (18,5 £ BMI < 25 kg/m2)
          - Nhóm 2 (n = 425): nhóm thừa cân (25 £ BMI < 27,9 kg/m2) hoặc béo phì (BMI ³ 28 kg/m2)
          Chỉ số DFI của mẫu tinh dịch được xác định bằng xét nghiệm SCSA. Sau đó, dựa trên chỉ số DFI, mỗi nhóm nghiên cứu được chia thành các nhóm phụ:
          - Nhóm có mức độ phân mảnh DNA tinh trùng thấp (low fragmentation group – LF): DFI < 20%
          - Nhóm có mức độ phân mảnh DNA tinh trùng cao (high fragmentation group – HF): DFI ³ 20%

Những đặc điểm của 2 nhóm chính như tuổi mẹ và nồng độ AMH không có khác biệt. Giữa 2 nhóm không khác biệt về nồng độ E2 và P, tuy nhiên nồng độ FSH (p < 0,001) và LH (p = 0,006) ở nhóm thừa cân béo phì thấp hơn đáng kể (nhưng vẫn nằm trong khoảng bình thường).
 
Ở nhóm 1, độ tuổi của nam giới nhóm HF cao hơn rõ rệt so với nhóm LF (32,93 ± 5,22 tuổi và 31,74 ± 4,91 tuổi, p = 0,002). Ghi nhận này tương ứng với quan điểm ở các nghiên cứu trước rằng mức độ phân mảnh DNA tinh trùng tăng dần theo độ tuổi. Các đặc điểm khác như tuổi mẹ, BMI, nồng độ hormone (LH, FSH, E2, P), số noãn chọc hút được, số noãn trưởng thành giữa các phân nhóm phụ của mỗi nhóm nghiên cứu chính không có sự khác biệt. Các thống kê về chất lượng phôi và kết quả thai không có sự khác biệt giữa các phân nhóm phụ thuộc nhóm 1.
 
Ở nhóm 2, tỉ lệ phôi phân chia và tỉ lệ phôi chất lượng tốt không ghi nhận thấy sự khác biệt giữa các phân nhóm. Tuy nhiên khi so sánh đến tỉ lệ thụ tinh, tỉ lệ phôi nang phát triển và tỉ lệ phôi nang chất lượng tốt có khác biệt giữa nhóm HF và LF. Cụ thể:
          + Tỉ lệ thụ tinh ở nhóm HF và LF lần lượt là 59% và 64% (p = 0,011)
          + Tỉ lệ phôi phát triển thành phôi nang ở nhóm HF và LF lần lượt là 44% và 57% (p = 0,001)
          + Tỉ lệ phôi nang chất lượng tốt ở nhóm HF và LF lần lượt là 22% và 32% (p = 0,034)

Những ghi nhận trong nghiên cứu này cho thấy ở đối tượng phụ nữ có cân nặng bình thường, kết quả nuôi cấy phôi cũng như kết quả lâm sàng không khác biệt bởi ảnh hưởng của mức độ phân mảnh DNA tinh trùng. Ngược lại, ở nhóm thừa cân béo phì (có noãn kém chất lượng), nếu tinh trùng có DFI càng cao thì tỉ lệ thụ tinh, tỉ lệ phôi nang phát triển và tỉ lệ phôi nang chất lượng tốt càng thấp. Như vậy, khả năng sửa chữa các tổn thương DNA của noãn chọc hút từ những bệnh nhân thừa cân béo phì bị giảm đáng kể, từ đó ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển của phôi giai đoạn sớm.
 
Tóm lại, khi bắt đầu thực hiện chu kì điều trị, những bệnh nhân thừa cân béo phì nên giảm cân nặng. Đồng thời kết hợp cải thiện chỉ số DFI bằng cách điều chỉnh lối sống, cải thiện dinh dưỡng và bổ sung chất chống oxi hoá để góp phần tối ưu kết quả thực hiện IVF.
 
Lược dịch từ: Li, H., Wang, H., Zhu, J., Xu, J., Jiang, Y., Chen, W., Sun, Y. and Yang, Q., 2021. Decreased DNA Repair Ability: A Mechanism for Low Early Embryonic Development Potential of Oocytes From Overweight Patients After Fertilization in IVF Cycles. Frontiers in Endocrinology, 12.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK