Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 17-05-2022 8:12am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phạm Thị Kim Ngân - IVFMD Tân Bình

 Trong một số trường hợp, mặc dù có điểm hình thái cao, phôi vẫn có khả năng bị lệch bội, phôi lệch bội là một trong những nguyên nhân chính gây nên thất bại trong IVF. Xét nghiệm di truyền tiền làm tổ sàng lọc phôi lệch bội (PGT-A) đã được áp dụng ngày càng phổ biến trong điều trị hiếm muộn. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ là PGT-A có nên áp dụng đại trà cho tất cả các trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm hay không.
 
Một nghiên cứu thuần tập hồi cứu với cơ sở dữ liệu gồm hơn 100.000 chu kỳ đã chứng minh việc kết hợp PGT-A trong điều trị giúp cải thiện tỷ lệ sẩy thai ở nhóm phụ nữ trên 35 tuổi và tăng tỷ lệ trẻ sinh sống ở nhóm phụ nữ trên 37 tuổi. Một phân tích tổng hợp khác từ 3 nghiên cứu RCT cho thấy PGT-A có liên quan đến việc cải thiện tỷ lệ làm tổ và tỷ lệ mang thai diễn tiến. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, đa phần các nghiên cứu liên quan đều có những hạn chế về mặt cỡ mẫu hoặc trong thiết kế nghiên cứu, các bằng chứng chất lượng cao chứng minh lợi ích lâm sàng của PGT-A trong việc cải thiện kết quả IVF còn khá ít ỏi, đã khiến điều này trở thành một chủ đề tranh luận. Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ (ASRM) gần đây đã tuyên bố “không có đủ bằng chứng để khuyến nghị sử dụng thường quy sinh thiết phôi nang với xét nghiệm PGT-A ở tất cả các bệnh nhân vô sinh”.
 
Nhiều ghi nhận trước đó đã cho thấy rằng có hơn một nửa số ca sẩy thai sớm là do phôi lệch bội, do vậy, PGT-A cũng được đề xuất như một giải pháp tiềm năng ở những phụ nữ bị sẩy thai liên tiếp (recurrent pregnancy loss – RPL). Theo ASRM, sẩy thai liên tiếp (RLP) được định nghĩa là sẩy thai lâm sàng từ 3 lần trở lên. Hiện tại, lợi ích của PGT-A lên nhóm bệnh nhân này vẫn chưa được biết đến đầy đủ và rõ ràng. Tác giả S.J. Bhatt và cộng sự (2021) đã tiến hành nghiên cứu này nhằm đánh giá kết quả mang thai ở những phụ nữ bị sẩy thai liên tiếp sau khi điều trị kết hợp IVF - PGT-A so với IVF - không PGT-A.
 
Nghiên cứu bao gồm dữ liệu được cung cấp từ Hiệp hội Công nghệ Hỗ trợ Sinh sản (Society of Assisted Reproductive Technologies Clinical-Outcomes Reporting System - SART-CORS) với 12.631 chu kỳ IVF-FET từ năm 2010 đến năm 2016 với sự tham gia của 10.060 cặp vợ chồng hiếm muộn. Nhóm nghiên cứu bao gồm các cặp vợ chồng bị sẩy thai liên tiếp (sẩy thai từ 3 lần trở lên) trải qua IVF-FET kết hợp PGT-A. Nhóm chứng bao gồm các cặp vợ chồng RPL trải qua IVF-FET không PGT-A. Nhóm chứng bổ sung bao gồm các cặp vợ chồng vô sinh do yếu tố ống dẫn trứng trải qua IVF-FET có hoặc không PGT-A. Mô hình ước lượng tổng quát hồi quy logistic (gen-eralized estimating equations logistic regression models) được sử dụng để phân tích dữ liệu. Các biến số được đưa vào mô hình bao gồm tuổi, số lần mang thai, nơi sống, chủng tộc, tiền sử hút thuốc và chỉ định điều trị. Các phân tích dựa trên các nhóm tuổi bao gồm: <35 tuổi, 35–37 tuổi, 38–40 tuổi, 41–42 tuổi và > 42 tuổi. Kết quả chính là tỷ lệ trẻ sinh sống, kết quả phụ bao gồm tỷ lệ mang thai lâm sàng, sẩy thai tự nhiên và sẩy thai sinh hóa.
 
Kết quả chính thu được như sau:
Ở những phụ nữ được chẩn đoán RPL, kết quả so sánh ở những bệnh nhân trải qua IVF-FET giữa có thực hiện PGT-A so với không thực hiện PGT-A (thể hiện qua OR (odds ratio)) như sau:
  • Trẻ sinh sống: (OR=1,31, 95% KTC, 1,12-1,52) ở nhóm <35 tuổi; (OR=1,45, 95% KTC, 1,21-1,75) ở nhóm 35-37 tuổi; (OR=1,89, 95% KTC, 1,56-2,29) ở nhóm 38-40 tuổi; (OR=2,62, 95% KTC, 1,94-3,53) ở nhóm 41-42 tuổi; (OR=3,80, 95% KTC, 2,52-5,72) ở nhóm >42 tuổi.
  • Thai lâm sàng: (OR=1,26; 95% KTC, 1,08-1,48) ở nhóm <35 tuổi; (OR=1,37, 95% KTC, 1,14-1,64) ở nhóm 35-37 tuổi; (OR=1,68, 95% KTC, 1,40-2,03) ở nhóm 38-40 tuổi; (OR=2,19, 95% KTC, 1,65-2,90) ở nhóm 41-42 tuổi; (OR=2,31, 95% KTC, 1,60-3,32) ở nhóm >42 tuổi.
  • Sẩy thai tự nhiên: (OR=0,95, 95% KTC, 0,74-1,21) ở nhóm <35 tuổi; (OR=0,85, 95% KTC, 0,65-1,11) ở nhóm 35-37 tuổi; (OR=0,81, 95% KTC, 0,60-1,08) ở nhóm 38-40 tuổi; (OR=0,86, 95% KTC, 0,58-1,27) ở nhóm 41-42 tuổi; (OR=0,58, 95% KTC, 0,32-1,07) ở nhóm >42 tuổi.
 
Kết luận:
Đây là nghiên cứu lớn nhất từ trước đến nay đánh giá mức độ hữu ích của PGT-A ở những phụ nữ mắc RPL. Kết quả từ nghiên cứu cho thấy PGT-A có thể giúp cải thiện tỷ lệ sinh sống và mang thai lâm sàng ở phụ nữ mắc RPL, đặc biệt là ở nhóm phụ nữ trên 42 tuổi.
 
Nguồn: Bhatt, S. J., et al. Pregnancy outcomes following in vitro fertilization frozen embryo transfer (IVF-FET) with or without preimplantation genetic testing for aneuploidy (PGT-A) in women with recurrent pregnancy loss (RPL): a SART-CORS study. Human Reproduction 2021; 36. (8): 2339-2344.
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK