Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 24-05-2022 2:34pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Tăng Lê  Thái Ngọc – IVFMD Tân Bình
 
Giới thiệu chung
Trong quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), việc lựa chọn phôi tốt nhất sẽ tối ưu hóa tỉ lệ trẻ sinh sống ở mỗi lần chuyển phôi, đặc biệt trong trường hợp chỉ chuyển một phôi thay vì nhiều phôi để giảm khả năng mang đa thai. Ngoài các đặc điểm hình thái, tình trạng di truyền của phôi cũng liên quan đến sự thành công của quá trình điều trị. Do đó xét nghiệm di truyền tiền làm tổ phôi lệch bội (PGT-A) được cho có thể cải thiện quá trình chọn lọc phôi thông qua việc xác định sự hiện diện của thể dị bội có khả năng dẫn đến sự thất bại làm tổ hoặc sẩy thai tự nhiên.
 
Ở nhóm những phụ nữ có tuổi mẹ cao, một số các nghiên cứu đã gợi ý rằng PGT-A đã cải thiện tỉ lệ sinh sống sau lần chuyển phôi đầu tiên. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn thiếu dữ liệu về hiệu quả lâm sàng của PGT-A ở những phụ nữ có tiên lượng tốt. Mặc dù một số thử nghiệm ngẫu nhiên cho thấy tỉ lệ thai diễn tiến với PGT-A cao hơn so với IVF thông thường, hai nghiên cứu gần đây cho thấy PGT-A không cải thiện tỉ lệ thai diễn tiến hoặc tỉ lệ trẻ sinh sống ở nhóm phụ nữ dưới 35 tuổi. Tuy nhiên, những nghiên cứu này chỉ tập trung vào kết quả mang thai sau lần chuyển phôi đầu tiên, hơn là tỉ lệ sinh sống cộng dồn cho một chu kỳ chọc hút noãn nhất định, trong khi tỉ lệ trẻ sinh sống cộng dồn được coi là kết quả quan trọng nhất để đánh giá sự thành công của cả quá trình điều trị. Đối với các thử nghiệm đánh giá PGT-A, tỉ lệ sinh sống cộng dồn sẽ phản ánh được những tác động có thể có của việc loại bỏ một số phôi, điều mà có thể dẫn đến một ca trẻ sinh sống nếu những phôi này được làm tổ; những dữ liệu này không thể được thu thập khi chỉ phân tích kết quả từ lần chuyển phôi đầu tiên. Vì vậy, từ dữ liệu về những phụ nữ có tiên lượng tốt, nhóm tác giả đã thiết kế một thử nghiệm để so sánh tỉ lệ trẻ sinh sống cộng dồn sau PGT-A trên cơ sở kết hợp các tiêu chí hình thái học và giải trình tự thế hệ mới (NGS) với tỉ lệ trẻ sinh sống sau IVF thông thường trên cơ sở các chỉ tiêu hình thái.
 
Phương pháp
Đây là thử nghiệm đa trung tâm, ngẫu nhiên có đối chứng được thực hiện từ tháng 7 năm 2017 đến tháng 6 năm 2018 ở 14 trung tâm sinh sản ở Trung Quốc. Đối tượng của thử nghiệm là những phụ nữ vô sinh có từ ba phôi nang chất lượng tốt trở lên trải qua PGT-A hoặc IVF thông thường, tất cả phụ nữ đều từ 20 đến 37 tuổi. Ba phôi nang được sàng lọc bằng kỹ thuật NGS trong nhóm PGT-A hoặc được chọn theo tiêu chí hình thái ở nhóm IVF thông thường và sau đó được chuyển từng phôi một. Một phôi nang được coi là có chất lượng tốt nếu điểm theo tiêu chuẩn hình thái Gardner vào ngày thứ 5 của quá trình nuôi cấy phôi là 4BC hoặc cao hơn.
 
 Kết quả chính là tỉ lệ trẻ sinh sống tích lũy sau tối đa ba lần chuyển phôi trong vòng 1 năm. Nhóm tác giả đã đặt giả thuyết rằng việc sử dụng PGT-A sẽ dẫn đến tỉ lệ sinh sống cộng dồn cao hơn không quá 7 phần trăm so với tỉ lệ sau khi thực hiện IVF thông thường, điều này sẽ dẫn đến sự chênh lệch không quá cao khi so sánh giữa IVF thông thường với PGT-A.
 
Kết quả
Ban đầu, có tổng cộng 1812 phụ nữ hiếm muộn được sàng lọc với 1212 người đáp ứng được các tiêu chí để phân nhóm ngẫu nhiên. Mỗi nhóm thử nghiệm có 606 người.  Các ca sinh sống xảy ra ở 468 phụ nữ (77,2%) trong nhóm PGT-A và 496 (81,8%) trong nhóm IVF thông thường (95% KTC, −9,2 - 0,0; P <0,001). Tần suất tích lũy của sẩy thai lâm sàng lần lượt là 8,7% và 12,6% (95% KTC, −7,5 -  −0,2; P <0,001). Tỉ lệ mắc các biến chứng sản khoa hoặc tai biến sơ sinh và các tác dụng phụ khác là tương tự nhau ở cả hai nhóm.
 
Kết luận
Tóm lại, thử nghiệm này đã cho thấy được vai trò của PGT-A không vượt trội hơn điều trị IVF thông thường và dẫn đến tỉ lệ sinh sống cộng dồn thấp hơn ở những phụ nữ có tiên lượng tốt. Có hai cách giải thích cho kết quả tỉ lệ sinh sống cộng dồn kém hơn của nhóm PGT-A. Đầu tiên, việc quyết định không chuyển phôi khảm và khả năng kết quả dương tính hoặc âm tính giả đối với tất cả các phôi có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của PGT-A. Hơn thế nữa, kết quả của sinh thiết tế bào TE có thể không đại diện hoàn toàn cho thành phần di truyền của khối tế bào bên trong phôi và có khả năng ở những lần phân chia tế bào tiếp theo cũng có thể loại bỏ một dòng tế bào bất thường về mặt di truyền. Ngoài ra, thử nghiệm này cũng có có một số hạn chế do dữ liệu nghiên cứu chỉ bao gồm những phụ nữ có tiên lượng tốt cho một ca sinh sống, trong số đó chỉ có ba phôi được thử nghiệm trong nhóm PGT-A và chỉ tối đa ba lần chuyển phôi trong 1 năm được đưa vào thử nghiệm. Do đó, kết quả có thể không khái quát đối với những phụ nữ không có tiên lượng tốt. Ngoài ra, khoảng 5 đến 6% bệnh nhân trong mỗi nhóm đi lệch khỏi quy trình, thường gặp nhất là do thụ thai tự nhiên trước khi chuyển phôi đông lạnh hoặc chuyển hai phôi nang.
 
Nguồn: Yan, J., Qin, Y., Zhao, H., Sun, Y., Gong, F., Li, R., ... & Chen, Z. J. Live Birth with or without preimplantation genetic testing for aneuploidy. New England Journal of Medicine. (2021). 385(22), 2047-2058.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK